28/12/2004 20:04 GMT+7

Người hồi sinh nhạc cụ Tây Nguyên

Theo Quân đội nhân dân
Theo Quân đội nhân dân

Trước nguy cơ hàng loạt nhạc cụ của đồng bào thiểu số Tây Nguyên bị mai một, nghệ sĩ Vũ Lân đã dành cả chục năm nghiên cứu, tu chỉnh để làm hồi sinh chúng.

PLUghtw8.jpgPhóng to
Đàn Kni, một loại nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên
Trước nguy cơ hàng loạt nhạc cụ của đồng bào thiểu số Tây Nguyên bị mai một, nghệ sĩ Vũ Lân đã dành cả chục năm nghiên cứu, tu chỉnh để làm hồi sinh chúng.

Sinh trưởng ở thủ đô Hà Nội, nhưng Vũ Lân lại chọn Tây Nguyên là nơi gửi gắm tâm hồn, thể hiện tài năng của mình. Tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường múa VN, chuyên ngành ballet, Vũ Lân tiếp tục theo học lớp đại học biên đạo múa. Ra trường, ông về công tác tại Đoàn ca múa Hà Nội (Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long).

Năm 1982, chàng trai Hà Nội nhận lời mời vào Đắc Lắc, giúp Đoàn ca múa Đắc Lắc một số công việc về chuyên môn. Ngày đầu vào vùng đất đầy nắng, đầy gió và những nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên, không biết tự bao giờ, ông đam mê nghiên cứu những làn điệu múa và giai điệu âm nhạc của đồng bào Ê Đê. Qua nghiên cứu, Vũ Lân nhận ra các điệu múa của đồng bào Ê Đê mang đậm tính lễ nghi, tuy chưa hình thành múa sinh hoạt, múa biểu diễn nhưng độc đáo, mới lạ.

Đặc biệt, âm nhạc Tây Nguyên vô cùng phong phú, có sức cuốn hút lạ thường. Chính vì vậy sau tám tháng cộng tác, Vũ Lân tình nguyện chuyển công tác vào Đắc Lắc. Nhờ có sự hiểu biết cơ bản về âm nhạc, lại đam mê âm nhạc Tây Nguyên, Vũ Lân đã đi sâu vào nghiên cứu kỹ âm nhạc Ê Đê. Trước Vũ Lân, chưa ai nghiên cứu, khai thác một cách bài bản âm nhạc nam Tây Nguyên.

Vốn là một biên đạo múa, khi nghiên cứu âm nhạc, Vũ Lân có cách đi riêng, không đi vào nghiên cứu lý thuyết, mà là nghiên cứu ứng dụng. Muốn nghiên cứu một nhạc cụ, ông đã tự đặt ra cho mình quy định khắt khe là phải biết chế tác ra được nhạc cụ đó, giống như những nghệ nhân đã làm ra trước đây. Từ nhạc cụ làm theo mô tả, ông tìm ra những khiếm khuyết, yếu mạnh để điều chỉnh cho nhạc cụ có được âm thanh chuẩn nhất.

Trước nguy cơ hàng loạt nhạc cụ của đồng bào thiểu số Tây Nguyên bị mai một, Vũ Lân đã đi sâu nghiên cứu cùng các nghệ nhân bản địa tìm ra con đường cho nhạc cụ hồi sinh.

Trong quá trình nghiên cứu gắn với ứng dụng, nghệ sĩ Vũ Lân đã phục hồi, tái tạo hoàn chỉnh được 14 loại nhạc cụ Ê Đê, 10 nhạc cụ M'nông. Ông cũng là người có đủ trình độ để tham gia tổ chức những cuộc thi, chấm thi diễn tấu nhạc cụ dân tộc hay thi chế tác nhạc cụ dân tộc.

Trong số những nhạc cụ Vũ Lân phục hồi, có cả những nhạc cụ mà nghệ sĩ chỉ được nghe qua lời kể lại của những người già. Nhạc cụ Ching Kram do Vũ Lân phục hồi đã đem lại cho các đoàn nghệ thuật ở Đác Lắc 14 huy chương vàng qua các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn; Ching Đing Aráp đoạt 10 huy chương vàng tại các hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc.

Bí quyết để Vũ Lân phục hồi thành công nhiều loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, là trong quá trình tái tạo nhạc cụ, nghệ sĩ luôn tôn trọng tính thực tiễn, sau khi chế tạo nhạc cụ, ông đưa ngay cho các nghệ nhân ở buôn làng kiểm nghiệm và sử dụng.

Vũ Lân đã có những đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu một cách khoa học các bộ chiêng của từng dân tộc, sưu tầm những bài chiêng cổ và tìm ra những phương pháp truyền đạt hiệu quả nhất trong việc dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ.

Nghệ sĩ dành khá nhiều thời gian xuống các buôn, làng, trực tiếp dạy lớp trẻ đánh chiêng và sử dụng những loại nhạc cụ dân tộc khác. Trong khi dạy lớp trẻ đánh chiêng, ông biết cách khơi dậy niềm cảm hứng và lòng đam mê chiêng của lớp trẻ. Vũ Lân có nhiều đóng góp trong việc đưa nội dung dạy đánh chiêng che, chiêng đồng vào các trường học ở Đác Lắc và góp phần xây dựng được nhiều đội chiêng trẻ ở các huyện Krông Ana, Chư Mga, Lắc. Chính ông là người hướng dẫn đồng bào M'nông ở huyện Lắc trình diễn lại năm bài chiêng cổ.

Ngoài ra nghệ sĩ Vũ Lân còn thường xuyên tham gia ban giám khảo các liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca-dân vũ của tỉnh Đắc Lắc và khu vực miền trung-Tây Nguyên. Cũng với lòng đam mê cồng chiêng ông đã phải mất tới gần 15 năm (từ 1985 đến 2003) để tìm ra được biểu trưng người bà (A Duôn) trong bộ chiêng hoàn chỉnh của người Ê Đê, đó chính là chiếc trống lớn H Gơr.

Năm 1997 Vũ Lân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Niềm vui lớn nhất của ông là đã góp phần làm sống lại kho tàng nhạc cụ văn hóa đồ sộ của đồng bào Tây Nguyên. Hiện nay ông đang trăn trở để hoàn chỉnh cuốn sách "Sưu tầm, nghiên cứu và khai thác các nhạc cụ dân tộc truyền thống Ê Đê và M'nông".

Theo Quân đội nhân dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên