29/10/2019 11:56 GMT+7

Người hiện đại có nguồn gốc Botswana, Namibia và Zimbabwe

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Tổ tiên người hiện đại đã sống suốt 70.000 năm xung quanh lưu vực sông Zambezi trước khi biến đổi khí hậu buộc họ phải rời quê hương để di dân ra khỏi châu Phi và từ đó lan ra toàn cầu.

Người hiện đại có nguồn gốc Botswana, Namibia và Zimbabwe - Ảnh 1.

Giáo sư Hayes (giữa) học cách đánh lửa từ người dân bản địa ở Kalahari, Namibia - Ảnh: EVOLVING PICTURE

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng con người hiện đại có nguồn gốc từ lưu vực phía nam sông Zambezi chảy qua bắc Botswana, một phần Namibia và Zimbabwe ở phía nam châu Phi.

Nghiên cứu, đăng trên tạp chí Nature ngày 28-10, cho rằng tổ tiên Homo sapiens của con người hiện đại đã xuất hiện tại khu vực này khoảng 200.000 năm trước.

Họ đã sống suốt 70.000 năm xung quanh lưu vực sông Zambezi trước khi biến đổi khí hậu buộc họ phải rời quê hương để di dân ra khỏi châu Phi và từ đó lan ra toàn cầu.

Trước đây, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng châu Phi là cái nôi của loài người. Theo đài CNN, một số bằng chứng hóa thạch cho thấy rằng con người hiện đại có nguồn gốc từ đông Phi trong khi bằng chứng DNA cho thấy loài người từng xuất hiện tại nam Phi.

"Rõ ràng con người hiện đại về mặt giải phẫu học đã xuất hiện ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay giới khoa học gia vẫn đang tranh luận về địa điểm chính xác nơi con người xuất hiện và hành trình di cư của tổ tiên sớm nhất của chúng ta" - bà Vanessa M. Hayes, tác giả chính của công trình nghiên cứu tại Viện y học Harvan và ĐH Sydney (Úc), cho biết.

Khu vực nghi vấn của nhóm nghiên cứu Úc nằm ở phía nam lưu vực sông Zambezi chảy qua bắc Botswana, một phần Namibia và Zimbabwe. Khu vực rộng lớn này từng là hệ thống hồ Makgadikgadi khổng lồ của châu Phi.

"Đó là một khu vực cực kỳ rộng lớn, luôn ẩm ướt và tươi tốt. Khu vực này đã tạo ra một môi trường sống phù hợp cho con người hiện đại và động vật hoang dã sinh sống" - giáo sư Hayes nói.

Kịch bản, theo nghiên cứu trên tạp chí Nature, như sau: sau khi sống tại lưu vực này trong 70.000 năm, con người bắt đầu di cư. Sự thay đổi lượng mưa trên toàn khu vực dẫn đến 3 làn sóng di cư lớn cách đây 130.000 và 110.000 năm trước.

Những người di cư đầu tiên đã mạo hiểm đi về phía đông bắc, tiếp theo là làn sóng di cư thứ hai hướng về phía tây nam và khoảng 1/3 dân số lúc đó vẫn ở lại quê hương cho đến ngày hôm nay.

BBC cho biết kịch bản trên dựa vào việc truy tìm lại cây phả hệ của con người bằng cách sử dụng hàng trăm mẫu DNA ti thể (di truyền từ mẹ sang con) từ những người dân châu Phi ngày nay.

Kết hợp giữa phân tích di truyền học và mô phỏng mô hình địa chất và cổ khí hậu, các nhà nghiên cứu đã dựng lại một bức tranh về những gì có thể có ở châu Phi cách đây 200.000 năm.

Tuy nhiên, theo BBC, giáo sư Chris Stringer của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) đã đón nhận kết quả nghiên cứu của nhóm giáo sư Hayes với thái độ thận trọng.

Giáo sư Stringer cho rằng chúng ta không thể dựng lại câu chuyện về nguồn gốc con người từ DNA ti thể. Ông cho biết sự tiến hóa của người Homo sapiens là một quá trình phức tạp.

"Bởi vì chỉ có thể nghiên cứu một phần nhỏ của bộ gen người nên nó không thể cung cấp cho chúng ta toàn bộ câu chuyện về nguồn gốc loài người" - ông Stringer nói.

Theo ông Stringer thì có thể có nhiều cội nguồn của con người chỉ có điều chúng ta chưa tìm ra.

Đổi cách ăn uống, loài người sẽ tránh được Đổi cách ăn uống, loài người sẽ tránh được 'ngày phán quyết cuối cùng'?

TTO - Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra nếu nhân loại không hành động ngay để kiểm soát lượng khí thải carbon, đặc biệt là tại các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên