04/08/2005 16:16 GMT+7

Người hết lòng vì nghệ thuật Khmer

KIM LÊ
KIM LÊ

TTO - “Nghe tiếng nhạc Khmer sướng tai lắm. Tiếng đàn thanh cao Roneat ek hoà với âm điệu trầm trầm của đàn Roneatthung trong tiếng trống Sâm phô làm tâm trạng con người phấn chấn, tay chân muốn ngọ nguậy mà múa theo thôi.”

A59hYwL0.jpgPhóng to

Anh Trương Thanh Mỹ với nhạc cụ Roneat ek

TTO - “Nghe tiếng nhạc Khmer sướng tai lắm. Tiếng đàn thanh cao Roneat ek hoà với âm điệu trầm trầm của đàn Roneatthung trong tiếng trống Sâm phô làm tâm trạng con người phấn chấn, tay chân muốn ngọ nguậy mà múa theo thôi.”

Lí do để anh Trương Thanh Mỹ gắn bó cả đời với việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc Khmer chỉ đơn giản như thế…

“Tiếng đàn đã hút hồn tôi…”

Sinh ra là con nhà nòi làm nghệ thuật Khmer ở Trà Vinh, 6 tuổi, cậu bé Mỹ đã theo đoàn hát Nhật Nguyệt Quang nổi tiếng của bà ngoại đến Sóc Trăng lập nghiệp. Cậu cũng tham gia diễn những vai nhỏ như chú hề, ông địa… Cha là vai kép chính trong đoàn. Những tưởng rồi đây cuộc đời cậu sẽ gắn bó với ánh đèn sân khấu như cha. Nhưng cậu đã rẽ sang một hướng khác.

Sau 3 năm đi tu trả hiếu cho ba mẹ theo tục lệ của người Khmer, anh theo ông nội học làm nhạc cụ Khmer vì thấy hay hay và cũng muốn có nhạc cụ để chơi riêng mình. Ban đầu những cây đàn, cây sáo anh làm ra thô kệch, vụng về, âm thanh không hay. Nhiều khi thấy nản vì bỏ phí biết bao nhiêu công sức và nguyên liệu. Nhưng ông nội là người nhận ra niềm say mê và năng khiếu của thằng cháu nên tận tình chỉ dẫn cho anh học nghề. Sau vài năm thì những sản phẩm Mỹ làm ra đã có thể sử dụng trong đoàn của bà ngoại. Thế là từ làm cho vui, Mỹ đã bị hút hồn vào công việc đầy thú vị này bao giờ không biết. “Chỉ từ những thanh sắt, thanh tre vô hồn, người Khmer đã có thể tạo ra được những nhạc cụ với âm điệu linh thiêng mà gần gũi…”, anh bảo.

Bằng niềm say mê, anh Mỹ đã có thể làm 37 trong số 48 loại nhạc cụ Khmer. Loại nào làm cũng khó vì nhiều chi tiết và hoa văn. Như đàn chiêng Kong-thom gồm 16 cái chiêng đồng nhỏ nằm trên một cái giàn bằng mây hình bán nguyệt; đàn thuyền Roneat ek có một số thanh gỗ nằm ngang trên một cái hộp đàn hình chiếc thuyền, dùng vồ để đánh. Làm 1 cây đàn mất rất nhiều thời gian và công sức.

Thời gian đầu, còn chưa có máy móc gì, một mình anh hì hục làm từ sáng đến tối gọt đẽo từng thanh tre để làm cho đủ 21 thanh tre ghép lại thành cây đàn Roneat ek. Không dễ vì phải là những thanh tre giống nhau mới tạo ra âm thanh đúng và hay. Nếu lỗi nhịp thì lại phải tháo ra hết mà sửa lại. Bàn tay ngày càng chai sần đi nhưng anh cảm thấy vui vì đã tạo ra nhiều nhạc cụ. Bây giờ chuyên nghiệp rồi, anh đã làm tinh xảo và chính xác hơn, không mắc lỗi như trước. Không chỉ đảm bảo về tính năng và hình dáng của nhạc cụ, anh còn sáng tạo thêm bộ phận mobin để khuếch đại âm thanh nghe vang và xa hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Không chỉ là làm mới nhạc cụ, anh còn tìm hiểu và cố gắng bảo tồn những nhạc cụ Khmer đã bị lãng quên. Anh đem khoe cây đàn Uốch anh kiếm được qua giới thiệu của một người bạn. Hình dáng nó giống cây chĩa có hai nhánh, nhỏ gọn bằng cái muỗng cà phê. Người Khmer dùng nó thổi hoà theo tiếng đàn và tiếng trống. Anh Mỹ đang tìm ra loại sắt và nghiên cứu cách làm lại cây đàn này để sử dụng vào các dàn nhạc Khmer.

Buồn vui với nghề

Bây giờ anh đã về cộng tác với Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Những ngày đoàn bận rộn công diễn nơi xa, anh tất bật với công việc làm mới và chỉnh sửa nhạc cụ.

Ngoài việc làm nhạc cụ, anh còn kiêm luôn diễn viên cho đoàn, phụ trách toàn bộ đạo cụ, trang trí phông cảnh và trang phục cho cả đoàn. Vợ anh cũng là diễn viên của đoàn, một năm chỉ có đi diễn xa khoảng 2 tháng nên tiền cũng không có là bao. Anh có hai người con trai. Mong muốn của anh là cho chúng nối nghiệp cha làm nhạc cụ dân tộc. Nhưng ngoài công việc này, con anh phải kiêm luôn ánh sáng, trang trí cho đoàn…

Mặc dù vậy, nếu so với giá đưa ra của các nhà sản xuất khác, giá cả đạo cụ của anh rẻ hơn rất nhiều, có khi rẻ hơn gần một nửa. Anh tâm sự: “Tôi nghèo nhưng tôi yêu nghề, yêu cái hồn của nhạc cụ Khmer. Tôi muốn giữ nghề, giữ lại các nhạc cụ truyền thống của dân tộc tôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ niềm say mê âm nhạc Khmer với những người đồng cảm”. Thật thế, mặc dù anh làm nhạc cụ để bán nhưng nhiều khi bên chùa có lễ lạt đặt hàng làm một cây đàn, anh biếu không. Ai có đàn cũ đem đến chỉnh lại dây đàn hay sửa bộ phận nào đó, anh cũng tận tình sửa mà không lấy tiền công.

Khi tôi hỏi ước mơ lớn nhất của anh là gì, anh đáp: “Tôi chẳng có mong ước gì lớn lao. Tôi chỉ muốn nhiều người biết đến âm nhạc Khmer và cùng gìn giữ nó như tôi. Chúng ta đừng để thất truyền hoặc lãng quên một nền văn hoá đầy màu sắc và âm điệu này”.

KIM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên