23/04/2010 08:37 GMT+7

Người giữ ký ức Việt Nam

HIẾU TRUNG (từ Phnom Penh)
HIẾU TRUNG (từ Phnom Penh)

TT - Ngày 29-4-1975, nhà báo Carl Robinson của Hãng tin AP cùng hàng ngàn công dân Mỹ được di tản khỏi Sài Gòn bằng trực thăng trong chiến dịch Frequent Wind. Vợ con ông đã rời Sài Gòn trước đó hai tuần. Cô đơn, lạc lõng trên tàu hải quân Mỹ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu, Carl Robinson đã bật khóc nức nở khi nghĩ rằng ông sẽ phải rời Việt Nam mãi mãi.

VZCJreT8.jpgPhóng to
Ông Carl Robinson (trái) trong lễ tưởng niệm chín nhà báo CBS và NBC bị sát hại tại khu Wat Po của Campuchia - Ảnh: Thuận Thắng

Carl Robinson, 66 tuổi, từng là phóng viên ảnh/biên tập viên ảnh/phóng viên viết của Hãng tin AP tại chiến trường miền Nam Việt Nam từ 1968 đến năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ông là người sáng lập nhóm “Những tay viết già thời chiến tranh Việt Nam” trên trang web Google từ tháng 5-2009, đến nay nhóm đã có tới 255 thành viên là các nhà báo phương Tây từng tác nghiệp trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1995 đến nay, cứ năm năm một lần Carl Robinson lại tổ chức một cuộc hội ngộ giữa “những tay viết già” tại Việt Nam để ôn lại những kỷ niệm cay đắng và ngọt ngào của một thời không thể nào quên.

"Tôi có thể lái xe máy vi vu khắp TP.HCM, nhâm nhi cà phê đá và tận hưởng cảm giác ở nhà"

Carl Robinson

Chiến trường Việt Nam: trường học báo chí lý tưởng

Sinh ra tại Mỹ nhưng Carl Robinson lại lớn lên ở xứ nhiệt đới Congo, do đó ông thông thạo tiếng Pháp. Trở về Mỹ ở độ tuổi thiếu niên nhưng với tâm hồn ham viễn du, ông sang Hong Kong năm 1963 để học đại học. Nghe lời khuyên của một người bạn Hong Kong “hãy sang Nam Việt Nam trước khi nó sụp đổ”, ông mua vé lên một chiếc tàu chở hàng Pháp đến Sài Gòn vào những ngày đầu năm 1964. “Tôi lớn lên ở miền nhiệt đới, do đó từ ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tôi đã phải lòng xứ sở đầy nắng gió này” - Carl Robinson tâm sự.

Ở tuổi 20 đầy lý tưởng và hoài bão như hàng ngàn thanh niên Mỹ dưới thời Kennedy, Carl Robinson gia nhập Phái bộ viện trợ Mỹ (USAID) để “đem lại ánh sáng văn minh” cho Việt Nam. Ông được cử đến Gò Công (Tiền Giang) để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn của USAID. Tại đây, ông đã gặp và đem lòng yêu bà Kim Dung, người trở thành vợ ông năm 1969. Nhưng Carl Robinson mau chóng nhận ra những chính sách giả dối của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Sau Tết Mậu Thân 1968, ông quyết định rời bỏ USAID.

Ông nói thẳng với sếp của mình ở USAID: “Người Mỹ đã thất bại trong việc giành trái tim và khối óc của người dân địa phương”. Không muốn rời Việt Nam dù khi đó chiến tranh đã leo thang ác liệt, vả lại đang yêu say đắm nên Carl Robinson đã nộp đơn xin vào làm tại Hãng tin AP dù ông không có chút kinh nghiệm báo chí nào.

“Tôi học về quan hệ quốc tế ở Hong Kong và ham viết lách, do đó tôi liều xin vào AP - ông kể - Điều quan trọng là khi đó Sài Gòn là trường học báo chí lý tưởng, là nơi hoàn hảo để trở thành một nhà báo”. Ông cho biết khi đó quân đội Mỹ không kiểm soát chặt chẽ giới truyền thông, do đó các nhà báo quốc tế tại Sài Gòn có thể tác nghiệp dễ dàng. Vừa là phóng viên viết vừa là người chụp ảnh, Carl Robinson đã chứng kiến “những khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam qua phim âm bản đen trắng”.

Không chỉ viết về những câu chuyện chiến tranh, Carl Robinson còn viết rất nhiều bài về tình hình kinh tế - chính trị, các phong trào đấu tranh vì hòa bình tại các đô thị miền Nam Việt Nam, về nhà tù khủng khiếp tại Côn Đảo. “Viết về chuyện giao tranh rất nguy hiểm nhưng thật ra rất dễ, khó là viết về chính trị của cuộc chiến tranh” - Carl Robinson cho biết.

Carl Robinson tâm sự kỷ niệm đau đớn nhất của ông suốt 11 năm ở Việt Nam chính là ngày 29-4-1975, khi ông lên trực thăng rời Sài Gòn. “Việt Nam đã trở thành quê hương của tôi, trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải rời Việt Nam - ông kể - Giây phút đó tôi chợt nhận ra cơ hội để an cư tại đây đã không còn, do đó tôi không thể cầm được nước mắt”. Ông cùng gia đình sang Úc định cư và trở thành đặc phái viên của tạp chí Newsweek tại Úc tới tận năm 1990. “Khi trở lại Việt Nam, bao nhiêu day dứt, đau buồn dồn nén từ ngày 29-4 đó trong tôi đã hoàn toàn biến mất” - Carl Robinson tâm sự.

Nuôi dưỡng những ký ức

Từ năm 1995 đến nay, hầu như năm nào ông cũng về Việt Nam, có năm về 2-3 lần. Năm 2001, ông và vợ làm tư vấn cho Philip Noyce khi đạo diễn này sang Việt Nam quay bộ phim The quiet American (Người Mỹ trầm lặng), dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Graham Greene. Còn hiện nay ông dành thời gian viết sách và tổ chức các tour du lịch sang Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách hướng dẫn du lịch Úc, đến nay đã tái bản lần thứ sáu.

Trong nhiều năm, Carl Robinson và những đồng nghiệp cũ tại chiến trường Việt Nam vẫn liên lạc với nhau qua thư từ, sau này là thư điện tử, tạo thành một cộng đồng “những tay viết già” trên mạng để ôn cố tri tân và lưu giữ những ký ức của thời chiến tranh Việt Nam. Tháng 5-2009, phóng viên ảnh người Hà Lan Hubert Van Es, tác giả bức ảnh nổi tiếng chụp nhóm người đu thang dây leo lên trực thăng di tản khỏi Sài Gòn, qua đời tại Hong Kong. Hơn 250 “tay viết già” đã truyền nhau vô số thư điện tử chia sẻ thông tin, tưởng nhớ Van Es và ôn lại những kỷ niệm xưa trong chiến tranh Việt Nam.

Từ khối thư điện tử khổng lồ đó, Carl Robinson đã quyết định lập nhóm “những tay viết già” trên trang web Google. Có một diễn đàn riêng, hằng ngày nhóm “những tay viết già” ở khắp nơi trên thế giới lên mạng thảo luận, đơn giản chỉ là ôn lại kỷ niệm hoặc tranh cãi về lịch sử, hay đâu là nơi bán phở gà ngon nhất Sài Gòn, “quan trọng hơn là chúng tôi cùng tìm xem những đồng nghiệp cũ của mình giờ ở đâu, làm gì, còn sống hay đã khuất” - Carl Robinson cho biết.

Đối với Carl Robinson, Việt Nam là một tình yêu không bao giờ cạn. Ông mê ẩm thực Việt Nam và từng cùng vợ mở nhà hàng Sài Gòn Cũ rất nổi tiếng ở Sydney. Ông đam mê nghiên cứu và am hiểu sâu sắc về lịch sử Việt Nam. Mỗi lần nói về Việt Nam, ông có thể thao thao bất tuyệt về nhiều thời kỳ lịch sử, từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... một cách rành rẽ, chính xác chẳng kém bất kỳ sử gia nào. Không chỉ nghiên cứu qua sách vở, ông còn dành thời gian đến những địa điểm lịch sử để được tận tay chạm vào lịch sử. Hiện ông đang tập trung viết một cuốn sách hướng dẫn du lịch Việt Nam. “Tôi không có ý định viết một cuốn Lonely planet thứ hai đâu - Carl Robinson cười - Cuốn sách của tôi sẽ tập trung vào lịch sử Việt Nam, những thông tin quan trọng mà Lonely planet không có”.

Tự nhận mình là “một người Việt Nam da trắng”, mỗi lần nhớ Việt Nam thì Carl Robinson lại lên máy bay bay thẳng từ Úc đến TP.HCM. “Để tôi có thể lái xe máy vi vu khắp TP.HCM, nhâm nhi cà phê đá và tận hưởng cảm giác ở nhà” - ông cười rạng rỡ khi nói về Việt Nam.

Cuộc hội ngộ cuối của “những tay viết già”

Ngày 29-4 tại khách sạn Caravelle, TP.HCM, nhóm 50 “tay viết già” của Carl Robinson gồm các phóng viên nhiều hãng tin lớn như AP, UPI, AFP... sẽ có cuộc gặp với các nhà báo Việt Nam từng tác nghiệp trong chiến tranh để ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm xưa. Trước đó, từ ngày 21 đến 24-4 họ đã đến Campuchia trong lần hội ngộ có thể là cuối cùng này.

Tất cả “những tay viết già”, từ Carl Robinson, Mike Morrow, Jacques Leslie, Don North, Peter Arnett... đều đã ngoại lục tuần, tóc bạc trắng. “Trong vài năm qua, đã có 6-7 thành viên nhóm chúng tôi qua đời, do đó chúng tôi không thể biết năm năm nữa ai còn ai mất - phóng viên ảnh nổi tiếng Tim Page ngậm ngùi - Hơn nữa, tất cả đều đã lên chức ông chức bà, vướng bận nhiều chuyện gia đình nên có lẽ đây sẽ là lần gặp mặt sau cùng”.

HIẾU TRUNG (từ Phnom Penh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên