Phóng to |
Anh chị em tại lớp học "chui" hoang mang khi biết mình nhập học vào đường dây của "cò" |
Trong khi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa mới công bố chỉ tiêu mà phía Hàn Quốc sẽ tiếp nhận trong năm nay thì từ vài tháng trước đó các đường dây cò mồi đã đi tuyển người ở nhiều địa phương.
Chiều 11-5, tôi cùng một nữ đồng nghiệp thâm nhập vào một lớp học tiếng Hàn Quốc thuê địa điểm của một đơn vị bộ đội ở xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội. Trong căn phòng cấp bốn lụp xụp tồi tàn, 27 học viên đang thi nhau phát âm những câu tiếng Hàn. Theo 27 học viên thì đây là lớp học của Công ty Cổ phần hợp tác phát triển nhân lực Thủ đô và mới mở được hơn một tháng. Trong câu chuyện với chúng tôi, các học viên cho biết phần đông họ đều phải nhờ các “cò” ở quê giới thiệu mới tìm đến được công ty này.
Còn người đại diện công ty làm việc với họ là chị Phong. Sau khi thu của mỗi người từ 1.000 đến 1.500 USD tiền đặt cọc, chị Phong đưa họ sang đây học tiếng. Học phí một “cua” học 4 tháng là 3 triệu đồng, chưa tính tiền ăn ở. Không rõ chị Phong quảng cáo thế nào mà tất cả số học viên này đều rất tin tưởng rằng, họ sẽ được bay trong thời gian nhanh nhất.
Nguyễn Quốc Ninh, ở Lương Tài, Bắc Ninh, cho biết Ninh và 3 bạn cùng quê được chị Phong hứa sẽ đưa các em vào tuyển đi Hàn Quốc và khoảng tháng 8 sẽ bay; còn Nguyễn Bá Tuấn, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết chị Phong mới dẫn Tuấn và mấy người nữa sang Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà để tuyển đi Hàn Quốc theo chương trình của Hiệp hội Xây dựng Hàn Quốc. Nhiều lao động khác cũng cho biết đã được chị Phong đưa hồ sơ cho khai “phom” (hồ sơ theo mẫu) để gửi lao động lên mạng của Bộ LĐ-TB&XH đi Hàn Quốc theo chương trình Luật cấp phép mới.
Tại lớp này còn có 3 học viên nữ là Đỗ Thị Nga ở Hà Tây; Lê Thị Hằng ở Hòa Bình và Trần Thị Hạnh ở Hà Nam. Điều bất ngờ là cả ba cho biết các cô được chị Phong nói sẽ nhờ Công ty LOD đưa sang Hàn Quốc làm việc trong các nhà hàng, khách sạn lớn với mức lương khoảng 1.000 USD/tháng. Sang đó khi khách có yêu cầu biểu diễn các nhạc cụ dân tộc hoặc ca múa nhạc truyền thống như hát chèo, hát dân ca... các em biểu diễn. Vì vậy ngoài học tiếng, cả ba cô này còn phải học nhạc cụ dân tộc, học hát chèo. Nhận thấy có chuyện bất thường trong việc “tuyển nông dân đi làm ca sĩ” này, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo Công ty LOD.
Theo bà Thu Ba, Phó tổng giám đốc, đúng là LOD có chương trình này nhưng chỉ dành cho sinh viên trường nghệ thuật và thực chất công ty chưa tuyển được ai nên chưa mở lớp học nào.
Để làm sáng tỏ đây có phải là lớp học “chui” hay không, chúng tôi đã điện thoại cho ông Vũ Đình Toàn, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN). Ngay sau đó ông Toàn cùng thanh tra Cục đã kịp thời có mặt tại lớp học trên để thu thập thông tin và trả lời cho những người lao động. Theo ông Toàn: Công ty Cổ phần Hợp tác phát triển nhân lực Thủ đô không có giấy phép XKLĐ cũng như chức năng đào tạo, cung ứng lao động ngoài nước. Do đó việc công ty này đứng ra tuyển lao động, đào tạo là trái pháp luật.
Doanh nghiệp có câu kết với “cò”?
Vậy “chị Phong” là ai mà dám tuyển người và đào tạo “chui” và lại hứa chắc chắn sẽ đưa được người lao động đi? Bởi trong số các học viên chúng tôi gặp, có trường hợp Dương Văn Vũ, ở Tân Yên, Bắc Giang, cho biết chị Phong nói có thể lo cho Vũ đi Hàn Quốc dạng “bay nhanh” với giá trọn gói là 11.000 USD, hợp đồng ký 5 năm, gia hạn 2 năm. Chị Phong tên thật là Bùi Thị Như Phong, SN 1976, người từng là nhân viên của Trung tâm Đào tạo nghề số 1 thuộc Cục QLLĐNN, Bộ LĐ-TB&XH. Còn Công ty Cổ phần Hợp tác phát triển nhân lực Thủ đô có địa chỉ tại B1, tổ 9, Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Theo những thông tin chúng tôi có được, trong các doanh nghiệp XKLĐ có hẳn một cuộc “chạy đua” ngầm để vào được thị trường Hàn Quốc. Hiện có 11 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động sang Hàn Quốc dưới dạng tu nghiệp sinh là: Vinaconex, Tracodi, Suleco, Lod, Oleco, IMS, Trancimexco, Vạn Xuân, Sona, Sông Đà, Sovilaco với 3 ngành công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp.
Lợi nhuận trong việc đưa lao động đi Hàn Quốc là rất lớn.
Vì vậy đã có một số đường dây mua bán lao động với sự tham gia của nhiều cá nhân trong các đơn vị được giao chỉ tiêu với cò mồi lao động ở bên ngoài. Những lao động đã nộp tiền cho “cò” Phong cũng vậy. Mặc dù tuyển lao động với danh nghĩa Công ty Cổ phần Hợp tác phát triển nhân lực Thủ đô, nhưng toàn bộ phiếu thu Phong đưa cho lao động đều đóng dấu của Liên hiệp Sản xuất - Thương mại Hợp tác xã Việt Nam.
Toàn bộ số học viên chúng tôi gặp tại lớp học ở Đông Anh đều cho biết Phong yêu cầu lao động lên nộp tiền tại nhà số 8, ngõ 23, phố Cát Linh, đây là một cơ sở đào tạo ngoại ngữ thuộc Trung tâm Đào tạo dạy nghề của Liên hiệp Sản xuất - Thương mại HTX Việt Nam, còn Phong chính là giám đốc của cơ sở này (?). Cơ sở này cũng không có chức năng và không được phép đào tạo tiếng Hàn Quốc và tuyển người đi lao động Hàn Quốc. Tại đây, đêm 18-5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 6.000 USD và 87 triệu đồng mà Phong đã thu của người lao động.
Theo điều tra ban đầu của Cơ quan Công an, Phong đã thu tiền của 34 người. Nhưng vì sao Phong vẫn dám thu tiền và đào tạo cùng lời hứa chắc như đinh đóng cột sẽ đưa được người lao động đi? Phải chăng có một đường dây móc nối giữa "cò" với các doanh nghiệp được cấp phép? Bởi đã có một số lao động Phong tuyển đã được khai “phom” (form) để chờ đăng ký vào các công ty có chỉ tiêu. Trong đó có 4 lao động mà Phong đưa đi tuyển tại Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà đã trúng tuyển.
Có hay không việc hợp thức hóa lao động theo luật cấp phép mới?
Tuy nhiên, hiện nay còn có một “cơn sốt” đi Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới và theo điều tra của chúng tôi thì đã xuất hiện việc lao động không đúng đối tượng được hợp thức hóa. Cũng phải nói sâu một chút để bạn đọc hiểu về chương trình này. Tháng 8-2004, Hàn Quốc thực hiện Luật tuyển dụng lao động nước ngoài. Bộ Lao động Hàn Quốc đã ký nghị định lao động với 6 nước, trong đó có Việt Nam. Đây là chương trình Chính phủ Hàn Quốc thực hiện thí điểm với mục đích giảm chi phí cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc.
Là chương trình phi lợi nhuận nên Chính phủ Hàn Quốc không cho phép các doanh nghiệp tham gia mà yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp thực hiện. Cục QLLĐNN đã thành lập Trung tâm lao động ngoài nước (OWC) để làm đầu mối phía Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc thực hiện. Công tác đào tạo được Bộ giao cho 34 trường cao đẳng, dạy nghề trong cả nước. Năm 2004, Bộ LĐ-TB&XH dành 3.000 chỉ tiêu Hàn Quốc cho phép để tuyển lao động bộ đội xuất ngũ và sinh viên, học sinh các trường cao đẳng, dạy nghề.
Các đơn vị được giao chỉ tiêu có trách nhiệm tuyển chọn theo đúng đối tượng, lập hồ sơ của người lao động dự tuyển và chuyển cho OWC, OWC sẽ chuyển cho phía Hàn Quốc thông qua mạng Internet. Những lao động được phía Hàn Quốc lựa chọn sẽ ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động trước khi đi. Vì đây là chương trình phi lợi nhuận nên người lao động chỉ phải chi có 699 USD bao gồm toàn bộ các khoản: phí làm hộ chiếu, phí visa, học phí đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng, vé máy bay, lệ phí sân bay... Ngoài ra, người lao động không phải nộp đồng nào cho OWC cũng như đầu mối tiếp nhận lao động phía Hàn Quốc. Khi sang làm việc, người lao động sẽ phải nộp phí bảo hiểm và thuế thu nhập cao theo luật pháp nước bạn.
Lao động đi theo chương trình này cũng không phải đóng tiền đặt cọc và đóng phí dịch vụ. Mức lương người lao động được hưởng ngang bằng với lao động bản xứ trong cùng một công việc. Hợp đồng lao động là 2 năm, nếu làm tốt có thể gia hạn thêm 1 năm. Năm 2005 này, Hàn Quốc dành cho Việt Nam 10.000 chỉ tiêu lao động theo chương trình này. Đặc biệt năm nay lần đầu tiên Hàn Quốc dành cho Việt Nam hơn 1.000 chỉ tiêu lao động nông nghiệp.
Tuy nhiên tiêu cực cũng nảy sinh từ đây. Bởi hiện nay những người đi XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình tu nghiệp sinh lương lại thấp hơn, lao động phải nộp phí quản lý, phí dịch vụ.
Trong quá trình điều tra vụ việc này, nữ đồng nghiệp của tôi đã cầm theo 1.000 USD đóng vai người nhà lao động Nguyễn Tá Tuấn ở Cẩm Giàng, Hải Dương đến nộp tiền cho Tuấn đi Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới. Sau khi được một người tên là Nhung, xưng là cán bộ của Công ty XKLĐ Latuco (thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) giới thiệu đến Công ty TNHH Tân Rô (công ty này của một người Hàn Quốc là Lee Ta Ro) ở ngõ 26, đường Nguyên Hồng để nộp. Người trực tiếp thu tiền và điều hành chương trình đưa lao động đi Hàn Quốc của công ty này là bà Trần Thị Hòe.
Sau khi nhận 1.000 USD, bà Hòe đã đưa Tuấn vào danh sách cùng với gần 50 người đang học ở một Trường cao đẳng Sư phạm kỹ thuật (sở dĩ phải đưa người lao động vào đào tạo tại các trường dạy nghề bởi đây chính là cách phù phép để biến những nông dân thành sinh viên theo quy định về đối tượng đi theo chương trình Luật cấp phép mới của Bộ LĐ-TB&XH). Vì vậy những người đi theo đường dây này đều phải chi khoảng 8.000 USD.
Một lãnh đạo Cục QLLĐNN nói rằng, ông có nghe dư luận về vấn đề này và đã từng cho cán bộ xâm nhập tìm hiểu nhưng chưa tìm ra manh mối. Cục QLLĐNN cũng được phản ánh là nhiều lao động đi theo chương trình nhưng phải chi từ 5.000 USD đến 8.000 USD cũng như thông tin về việc các trường “bán chỉ tiêu” nhưng chưa có bằng chứng.
Ông này cũng khẳng định, Bộ sẽ xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức, kể cả tổ chức nước ngoài có liên quan tới các đường dây như vậy. Cho tới lúc này, ngoài Cục QLLĐNN thì cơ quan pháp luật cũng đang vào cuộc điều tra làm rõ các đường dây tham gia hợp pháp hóa lao động vào chương trình XKLĐ Hàn Quốc theo luật mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận