Với Đạt, những hoạt động tình nguyện đã từng tham gia cho đến nay có thể ví như một “sự nghiệp” của một đời người - Ảnh: NVCC
Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành tham vấn trị liệu tâm lý tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG.HCM, với Đạt hoạt động tình nguyện tích lũy từ khi là sinh viên cho đến bây giờ đúng nghĩa là một "sự nghiệp" để đời.
Nhưng nếu trước đó các hoạt động tình nguyện đến với anh là một gam màu tươi sáng, thì nay tình nguyện trong tâm dịch COVID-19 như một thước phim mang màu xám trĩu lòng.
Tôi hẹn gặp Đạt vào thời điểm Sài Gòn trở về trạng thái bình thường mới khi anh vừa kết thúc hoạt động tình nguyện tại Bệnh viện COVID-19 Trưng Vương, TP.HCM. Tôi nghe anh kể về mọi thứ mà mình vừa trải qua, với anh đó là một hành trình thoáng qua ngắn ngủi nhưng "cả một đời không quên".
Có mặt trên các "mặt trận"
"Đêm trước khi thành phố thực hiện giãn cách, tôi đứng giữa lựa chọn rời đi hay ở lại. Rời đi thì quá dễ dàng vì nhà tôi chỉ cách Sài Gòn 45 phút chạy xe máy nhưng phải bước qua địa phận hành chính tỉnh, tuy gần nhưng lại rất xa.
Còn ở lại thì với những suy nghĩ vô định, ở lại đến khi nào, điều gì sẽ xảy ra nơi đang bắt đầu trở thành tâm dịch, tuy rất xa nhưng lại gần trước mắt. Cuối cùng tôi đã chọn ở lại!
Tôi tham gia nhiều "mặt trận", từ phụ trách dọn dẹp địa điểm cách ly, hỗ trợ vận chuyển thực phẩm, phun khử khuẩn... như sự chuẩn bị tâm thế trước khi chính thức bước vào "tâm bão". Khi tham gia lấy mẫu tại chợ Bình Điền, tiểu thương hầu như đều chở theo hàng hóa rất nhiều.
Khi tôi trả mẫu giấy ghi chữ dương tính cho một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, bà ấy khóc rồi hỏi tôi: "Em ơi, dương tính là gì vậy? Dương tính có chết không em?", tôi sững người vì hiểu biết của người dân về đại dịch quái ác này còn mỏng manh quá!
Khi những ca F0 được đưa đi, chỉ còn những chiếc xe thồ chất đầy hàng hóa ở lại, hoang tàn, vắng lạnh đến não lòng.
Đầu tháng 8, tôi bắt đầu tham gia đội tình nguyện ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương. Thật lòng, ở thời điểm đó đương nhiên tôi cũng thấy lo và sợ, nhưng thấy thương người dân mình nhiều hơn.
Khi vào đến đây, tình trạng của họ đã rất yếu, nguy kịch nhưng tất cả đều nguyện cầu được sống. Họ làm cho tôi có cảm giác một cái nắm tay trong giây phút này cũng có thể giúp họ vững tin trong cuộc "dạo chơi" không mong muốn".
Đôi khi mình cứ nghĩ việc chăm sóc bệnh nhân với bản thân là một việc hiển nhiên vì mình là một bác sĩ, còn các bạn tình nguyện viên đến từ mọi địa vị xã hội khác nhau, nhưng khi bước vào cuộc chiến với COVID-19, các bạn đã đặt tấm lòng sánh như một vị bác sĩ. Riêng đối với bạn tình nguyện viên Nguyễn Thành Đạt, đúng nghĩa là một "tâm lý gia" luôn hướng mọi người đến những điều tích cực, luôn mang đến niềm vui, sự an ủi cho bệnh nhân dù đó là giây phút ngắn ngủi cuối đời.
BS Nguyễn Ngọc Châu
Những cuộc trò chuyện cuối cùng
"Hơn 2 tháng làm việc tại đây, có lẽ tôi là một trong những người nghe được lời nói sau cùng của rất nhiều bệnh nhân trước khi họ đi vào giấc ngủ ngàn thu. Cuộc sống bình thường từng bị người trẻ như chúng tôi cho là nhàm chán nhưng hôm nay lại là khát khao chung của toàn xã hội.
Công việc của tôi ở Bệnh viện Trưng Vương gắn liền với những băng ca lạnh buốt, bạc màu. Người bệnh đầu tiên tôi đón là một bà cụ ngoài 60 tuổi, vừa gặp tôi bà liền nắm chặt lấy tay tôi và nói:
"Tôi không chồng, không con, không tiền, không bạc, bác sĩ ráng cứu tôi nha bác sĩ". Tiếc thay tôi không phải là bác sĩ, tôi chỉ là một tình nguyện viên, một người vận chuyển và hỗ trợ bệnh nhân, nhưng tôi vẫn cố gắng làm được những điều mà bản thân có thể.
Cứ vài hôm tôi lại ghé thăm, hỏi các bác sĩ về tình hình sức khỏe của bà. Gặp tôi bà luôn cười nói vui vẻ, tôi cho bà uống nước, thỉnh thoảng bóp tay, chân cho bà. Rồi một buổi chiều tôi vào phòng bệnh khoa nội tiết như mọi hôm, nhưng không còn nữa, bà mất rồi...
Từ hôm đó, tôi vẫn hay nói với anh em nếu mình không thể cứu họ sống được thì hãy cố gắng giúp họ có được giây phút thoải mái lúc cuối đời.
Khó quên nhất vẫn là khoảnh khắc tôi đứng chờ bác sĩ lấy mẫu cho một bệnh nhân nam khoảng 40 tuổi để đưa mẫu đi xét nghiệm, bỗng nhiên máy thở chuyển đỏ, chỉ số SpO2 tụt sâu, mạch đập yếu dần.
Các bác sĩ của ca trực sốt sắng vào cấp cứu, còn tôi thì đứng ngây người trong không gian yên ắng chỉ vang lên những âm thanh "tít, tít, tít" đầy ám ảnh.
Người vợ của nam bệnh nhân này cũng nhiễm COVID-19 đứng ngoài cửa sổ quan sát từ đầu, chị che miệng lại, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ. Chị xin phép bác sĩ được gặp chồng và mặc cho anh chiếc áo lần cuối.
Nghẹn ngào, chị nói với anh những lời sau cùng: "Anh đừng lo lắng gì nữa, anh cứ đi đi, em có thể lo cho con được, anh cứ yên tâm nha". Tôi phụ chị khoác hờ chiếc áo cho anh. Chị lùi lại, cúi đầu, âm thanh "tít" ngân dài...".
Đối với tôi, đó là những cuộc chia tay đầy ám ảnh, những mất mát nhắc nhau nhớ về một giai đoạn gian truân của cả nước, của TP, của người dân mình".
Trân quý hiện tại!
Dù đối diện với nguy hiểm mỗi ngày và chứng kiến những mất mát nhưng đội tình nguyện viên của Đạt luôn vui vẻ, lạc quan - Ảnh: NVCC
Đạt chia sẻ: "Tôi chọn cách nằm lên những băng ca "cứng đơ" để bạn đồng hành kéo đi khắp bệnh viện, từ đó tôi hiểu cảm giác người bệnh, điều chỉnh sao cho họ dễ chịu nhất, đồng thời chọn con đường bằng phẳng nhất để tránh "dằn xóc", thêm một tổn thương dù là nhỏ nhất. Chỉ khi mình trải nghiệm những gì họ đã trải qua, mình mới biết điều gì tốt nhất, có thể làm giúp họ.
Là một cử nhân tâm lý học, tôi hiểu được những khủng hoảng tinh thần mà mỗi bệnh nhân đang trải qua nên dù có mệt thế nào chính tôi vẫn phải là người vui vẻ, lạc quan trước hết. Vì dù sao tôi cũng chỉ là người đối diện với nguy hiểm chứ không đối diện với cái chết như họ.
Tôi hay chào đón bệnh nhân bằng lời nói vui đùa, vào đây chơi một vài ngày rồi con đưa cô/chú về, hoặc đến nắm tay những cụ cao tuổi để phần nào vơi đi nỗi bất an của tuổi già trước bệnh tật.
Trong những hoàn cảnh như thế, đôi khi cái nắm tay cũng có thể giúp bệnh nhân an tâm ngủ được một giấc ngắn ngủi. Nó như một liều thuốc nhất thời, đôi khi không giải quyết được câu chuyện lâu dài nhưng giải quyết được cảm xúc hiện tại.
Khi tình hình dịch ở TP ổn định, Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương dần được trả lại công năng điều trị bệnh ban đầu. Chưa bao giờ kết thúc một công việc tình nguyện mà chúng tôi lại vui như thế, bởi không còn nhiều bệnh nhân, không còn những mất mát đau xót, tháng ngày kinh khủng nhất đã tạm đi qua".
Trên tuyến đầu "cuộc chiến" chống dịch COVID-19, ngoài vai trò của đội ngũ y tế không thể không kể đến vai trò của lực lượng tình nguyện viên.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu, khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Trưng Vương - người luôn dõi theo cả quá trình hoạt động của đội tình nguyện viên, cho biết: "Các bạn tình nguyện làm việc rất đúng với tinh thần tự nguyện, không nề hà bất cứ việc gì, luôn có mặt nhanh và kịp lúc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận