![]() |
Ông Nguyễn Quang Khai (giữa) trong lần trở lại Iraq tháng 10-2003 |
1.Năm 1998, ông cùng đoàn doanh nghiệp của VN đàm phán tại Baghdad trong một căn hầm của Bộ Công nghiệp và khoáng sản khi còi báo động rú lên, máy bay vần vũ trên trời và một loạt tên lửa Tomahawk trút xuống một địa điểm chỉ cách nơi đoàn làm việc vài trăm mét. Tháng 10- 2003, đại sứ Khai lại được cử dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ sang Iraq để bàn nối lại các quan hệ kinh tế - thương mại bị gián đoạn do chiến tranh.
Một thành viên trong đoàn kể: “Để đến được Baghdad, chúng tôi phải đi máy bay từ Hà Nội đến thủ đô Amman của Jordan rồi từ đó vượt qua một chặng đường bộ gần 1.000km. Con đường vốn đã hết sức buồn tẻ vì có đến 700km chạy qua sa mạc hoang vắng đầy cát bụi, không một bóng cây. Dù vậy, trước chiến tranh khi đi qua đây người ta vẫn cảm thấy khá yên tâm vì lúc đó còn có chính quyền. Bây giờ con đường trở nên nguy hiểm hơn vì chẳng có ai bảo vệ, bọn cướp tự do hoành hành. Đại sứ Khai căn dặn mọi người chuẩn bị thật kỹ cho chuyến đi, từ việc thuê ôtô, hành lý đến đồ ăn thức uống và một số thuốc men đề phòng khi cần thiết”.
2.Tuy là đại sứ nhưng ông Khai rất thích đến những khu làng quê, những khu phố nghèo của thủ đô Baghdad, trò chuyện với những người dân bình thường, kể cho họ nghe những mẩu chuyện về VN. Ông Khai thường nói một cách hài hước: “Tôi quen biết một nửa số dân Iraq, còn nửa kia tôi không biết thì họ lại biết tôi”.
Hôm ông trở lại Iraq, bạn bè kéo đến rất đông chúc mừng và hỏi thăm ông như những người anh em lâu ngày gặp lại. Đó là người chuyên viên dầu khí có cái tên rất Iraq: Lafta, người từng mang “tiếng nói Baghdad” đến với bạn đọc Tuổi Trẻ trong những ngày tháng ba đầy khói lửa chiến tranh ở Iraq. Ông vẫn sống sau chiến tranh, vẫn tích cực làm việc để giúp nối lại quan hệ kinh tế với VN.
Một điều đặc biệt nữa, Đại sứ quán VN tại khu Al-Mansour ở Baghdad vẫn được giữ gìn an toàn suốt thời kỳ trong và sau chiến tranh. Đó là nhờ công rất lớn của Haqqi, chàng thanh niên mới tốt nghiệp đại học ở Baghdad, người cũng từng trò chuyện với Tuổi Trẻ từ Baghdad trước khi bão lửa chiến tranh bao trùm Iraq. Haqqi nói với Tuổi Trẻ: “Tôi làm điều này vì ông Khai. Tôi quí ông ấy thật lòng. Ông đã dặn tôi chăm nom đại sứ quán cẩn thận nên tôi làm, vậy thôi”.
Trong thời kỳ “sơ tán” ở Jordan, ông bỏ công đi tìm hiểu và được biết Jordan có Hiệp định thương mại tự do FTA với Mỹ, theo đó ngành dệt may của họ không phải chịu hạn ngạch xuất khẩu sang Mỹ, nhưng các công ty ở đó chưa phát huy được hết lợi thế này do năng lực sản xuất của họ bị hạn chế. “Các công ty dệt may VN hoàn toàn có thể hợp tác với các công ty của Jordan, đưa nguyên liệu và thậm chí cả nhân công sang Jordan làm việc sản xuất hàng đưa đi Mỹ”, đại sứ Khai “tư vấn”. Bước đầu đã có công ty lên đường tới Jordan tìm hiểu cơ hội hợp tác.
3.
Cuộc trò chuyện trong một chiều cuối năm 2003 với đại sứ Nguyễn Quang Khai tại Hà Nội liên tục bị gián đoạn bởi các cú điện thoại gọi từ Baghdad, Amman và Madrid. Ông nhận cuộc gọi qua máy di động, trao đổi bằng tiếng Ả Rập khá trôi chảy. ở đâu cũng thế, Hà Nội, TP.HCM hay Amman, dường như với ông công việc không có giới hạn thời gian và không gian. Cuộc điện thoại từ Madrid làm ông phấn khởi lắm.Ông cho biết Công ty Dragados Industrial S. A của Tây Ban Nha sắp sang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nhà máy phân đạm Đình Vũ, Hải Phòng và Nhà máy lọc dầu số 2 Nghi Sơn, Thanh Hóa. Nhân dịp tham dự hội nghị về tái thiết Iraq hồi tháng 10-2003 tại Madrid, ông đã tranh thủ “chào hàng” cơ hội VN cho những đối tác nước ngoài bên lề hội nghị. Và cuộc gọi từ Madrid là một kết quả từ những cuộc tiếp xúc ấy.
4.Tiếp xúc với đại sứ Khai mới thấy ông “nhìn” nhiều lắm. Nhìn cũng là một phần của công việc: quan sát cơ hội giới thiệu VN, nhìn cơ hội cho hàng VN tiếp cận thị trường, nhìn những đối tác tiềm năng, nhìn một hướng đi cho những doanh nghiệp trong nước mở đường ở ngoài nước. Gặp một đầu bếp người Việt tên Tuấn tại Amman, ông nghĩ ngay đến chuyện mời người này về nấu các món ăn Việt thuần túy cho khách nước ngoài “để người ta biết thêm về nước mình”.
Đi siêu thị, ông nhìn hàng hóa và nghĩ khả năng những mặt hàng tương tự có thể được nhập từ VN. Thấy bộ bài in hình 55 nhân vật Iraq bị Mỹ truy nã do Trung Quốc sản xuất được bày bán ở Baghdad ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ông nói: “Người ta nhanh nhạy thật” - như thể tự nhắc nhở mình. Tháng 8-2003, nhân dịp về nước tham dự hội nghị ngành ngoại giao tại Hà Nội, từ nơi chiến tranh loạn lạc ông Khai vẫn kịp mang về “làm quà” cho các doanh nghiệp quê nhà nhiều thông tin đắt giá.
5.Hỏi đại sứ Khai về công việc của ông, sẽ khó nhận được một câu trả lời liệt kê những việc ông làm. Ông tiết kiệm lời, thường kể sự kiện nhiều hơn là kể về mình. Ngày 20-3-2003 chiến tranh Iraq nổ ra mà chúng tôi vẫn thấy trên bảng lịch trình làm việc của ông còn ghi cuộc làm việc ngày 15-3 với các đại sứ nước ngoài tại trụ sở đại sứ quán.
Ngày 18-3, Đại sứ quán VN mới sơ tán khỏi Baghdad về Amman và ông là người cuối cùng rời sứ quán và cũng là một trong số ít đại sứ nước ngoài cuối cùng rời Iraq. Nửa đêm 20-3-2003, khi nhận được điện thoại của công dân VN xin giúp đỡ thủ tục thị thực nhập cảnh tại sân bay Amman, ông tự lái xe đi đón, có mặt tại sân bay trong vòng 30 phút. Những đêm rét ở Trung Đông khi chiến sự trong lòng Iraq đang căng thẳng, ông khoác vào người chiếc áo ấm, nói: “Đi gặp mọi người xem tình hình thế nào” và lặng lẽ lái xe đi. Buổi sáng sớm sau đã thấy ông ngồi làm việc, điện thoại liên lạc về nhà rồi lại điện thoại sang Baghdad.
6. Câu chuyện “ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế“của đại sứ Khai không chỉ là chuyện kể về những cuộc triển lãm giới thiệu hàng VN hay những cuộc “tiếp thị” VN bên bàn tiệc. Xem những hình ảnh do chính đại sứ Khai ghi lại trong cuộc hành trình trở lại Iraq của ông và đoàn công tác Chính phủ hồi tháng 10-2003 có cả những hàng rào dây thép gai, bóng những chiếc xe tăng thấp thoáng, những họng súng ở rất gần. “Tôi cũng sợ chứ - đại sứ Khai tâm sự - nhưng nhiệm vụ được giao thì phải tìm mọi cách hoàn thành”. Chuyến công tác kéo dài hơn thời gian dự định đã khiến ông không thể có mặt trong ngày cưới con trai duy nhất của mình.
Ông Khai nói: “So với yêu cầu và những đồng nghiệp của tôi đã phải hi sinh cả tính mạng của mình thì điều tôi làm hết sức nhỏ bé”. Những người ở hậu phương luôn chia sẻ và cảm thông với ông. Họ đã từng sát cánh bên ông tại Iraq trong những năm tháng đất nước này trong vòng bao vây, cấm vận và hứng chịu cả những loạt bom. Ông có một gia đình hạnh phúc, nơi vợ và con trai ông cũng là những đồng nghiệp thân thiết và đồng cam cộng khổ với ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận