TT - Thời gian gần đây, cầu lông VN (hay chính xác hơn là TP.HCM) có những bước chuyển mình đi lên mạnh mẽ.
Đó không chỉ là những bước tiến lên hạng 51 thế giới của Nguyễn Tiến Minh, mà cả những giải đấu quốc tế uy tín, luôn làm khán đài đông cứng người. Và người đã “thổi hồn” cho cầu lông sống mạnh mẽ là một người phụ nữ...
Bà Huỳnh Ngọc Liên không xuất thân từ thể thao nhưng lại có một trái tim luôn sôi sục với thể thao, mà cụ thể là cầu lông. Các VĐV đội tuyển VN gọi bà là một bà mẹ đỡ đầu. Đơn giản bởi từ chuyện lớn như chạy kiếm tiền cho các VĐV xuất ngoại, kiếm tiền tổ chức những giải quốc tế hoành tráng, cho đến chuyện nhỏ như những chiếc áo thi đấu cho đội tuyển đều từ một tay bà chăm lo. Có điều bà rất kiệm lời về mình và luôn bảo “một mình tôi không thể làm hết việc”! Tuy nhiên, qua lời kể của những người trong giới, có thể khắc họa nhân vật này bằng những câu chuyện sau:
Bà Huỳnh Ngọc Liên sinh ngày 1-4-1953. Trước 30-4-1975 đã tham gia phong trào SVHS ở Sài Gòn. Sau giải phóng, bà được cử sang Liên Xô cũ học ngành quản lý công nghiệp (1977-1983). Về nước, bà từng giữ chức chánh văn phòng Ủy ban Hợp tác đầu tư TP.HCM (1992-1995). Hiện nay, toàn bộ tâm trí, sức lực của bà đều dồn cho thể thao trong vai trò phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM - liên đoàn được đánh giá mạnh nhất hiện nay.
1. 14g ngày 30-11, khi đang ngồi trước máy tính theo dõi thông tin đội tuyển cầu lông VN trong trận gặp Hàn Quốc tại Doha 2006, chuông điện thoại nhà bà reo vang. Đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc của bà Karen Koh - chánh văn phòng Liên đoàn Cầu lông châu Á. Sau vài lời thăm hỏi xã giao và chúc mừng Nguyễn Tiến Minh vừa thắng tay vợt hạng 6 thế giới, vị quan chức người Malaysia này thông báo việc đội tuyển VN đang gặp trục trặc về trang phục (mang theo trang phục thi đấu có quảng cáo, điều cấm tại Asiad) và nếu không thực hiện đúng yêu cầu của tổng trọng tài, có thể bị loại ở trận đấu thứ hai gặp Thái Lan. Các quan chức đi theo đều bó tay chịu trận, mà bà Koh thì rất có thiện cảm với VN nên biết chuyện này chỉ có một người có thể giải quyết được để đội VN không bị thiệt thòi, đó chính là bà Liên. Và đúng như thế thật, bà “quậy” tưng bừng lên, và đại diện của Yonex tại Doha - đơn vị tài trợ đội tuyển VN - đã phải hộc tốc chạy lo trang phục đúng yêu cầu cho các tay vợt kịp mặc thi đấu ở trận gặp Thái Lan.2. Chính thức trở thành phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM từ năm 1992, nhưng đối với Liên đoàn Cầu lông VN bà không giữ chức vụ gì. Tuy nhiên, trong những lần đội tuyển VN hay đội tuyển TP.HCM ra nước ngoài thi đấu, hầu hết bà đều có mặt. Bà đi nhiều đến nỗi hộ chiếu thay đổi gần chục quyển và không thể nhớ xuể đến nay đã bao nhiêu lần xuất ngoại cùng cầu lông VN. Và càng đi nhiều thì tiền nhà càng “lõm”, bởi trong cả trăm lần tháp tùng, bà chỉ có ba lần được Ủy ban TDTT đài thọ với tư cách trưởng đoàn, gồm vòng loại Thomas Cup 2002 diễn ra tại Ấn Độ, SEA Games 2005 tại Philippines và Giải trẻ châu Á vào tháng 7-2006 tại Malaysia. Không chỉ tiền túi bỏ ra cho riêng mình đi làm chuyện chung, bà còn chăm lo cho các VĐV từ chuyện bồi dưỡng thêm, đi tham quan và cả thưởng nóng!
Ông Lê Thanh Sang - tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông VN - thú nhận: “Đó là một người phụ nữ đặc biệt. Với những gì bà làm được cho cầu lông TP.HCM và cầu lông VN, cánh mày râu chúng tôi rất lấy làm hổ thẹn. Tôi có cảm giác bà yêu cầu lông hơn bất cứ thứ gì trên đời này...”.
3. Giỏi ngoại ngữ, đối ngoại tốt - đó là thế mạnh của bà. Đấy cũng là một trong những lý do để các quan chức quốc tế dành nhiều ưu ái cho cầu lông VN. Những chuyến đi tập huấn từ kinh phí của Liên đoàn Cầu lông thế giới tài trợ cho Lê Ngọc Nguyên Nhung, Nguyễn Tiến Minh... đều có được nhờ những cuộc vận động hậu trường của bà.
Tay vợt số 1 VN Nguyễn Tiến Minh đã tâm sự: “ Cô Liên vừa là lãnh đạo vừa là người thầy, người mẹ của tôi. Kỷ niệm mà tôi nhớ suốt đời về cô đó là lần sang Mỹ dự Giải vô địch thế giới vào năm 2005. Lần đó, cô vừa bỏ tiền túi hơn 1.000 USD để đi cùng tôi sang Mỹ thi đấu, vừa trang bị cho tôi một số dụng cụ thi đấu xịn. Nhưng sợ tôi ngại, cô nói rằng đó là phần thưởng của nhà tài trợ. Chuyện ấy mãi sau này tôi mới biết. Và khi biết lại càng cảm phục hơn. Thật không dễ tìm một người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tầm và hết sức tế nhị như thế”.
TRUNG DÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận