![]() |
Cài miếng vải lót vào mũ bảo hiểm trước khi đội lên đầu - Ảnh: N.C.T. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Gàu có biểu hiện là trên da đầu có ít vảy mịn nhỏ kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, nhất là khi da đầu bị ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi. Những nghiên cứu gần đây đã giúp làm sáng tỏ hơn việc phát sinh gàu.
Đầu tiên là tuổi thường gặp nhiều gàu nhất khoảng 20, nam giới bị nhiều gàu hơn nữ giới. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chất nội tiết androgen có thể đóng một vai trò tạo ra nhiều lớp vảy ở da đầu cũng như làm tăng tiết nhiều chất nhờn ở da. Từ 50 tuổi trở về sau, gàu giảm dần song song với việc giảm lượng androgen. Ở những người có sự gia tăng bài tiết chất nhờn hoặc sau tuổi dậy thì, chất nhờn bám vào lớp vảy và tạo thành lớp vảy dày. Sự phát triển này kéo dài dễ gây bệnh viêm da tiết bã (Seborrheic dermatitis).
Rớt vảy màu trắng
Ở thế kỷ 19, người ta cho rằng vi khuẩn là nguồn gốc gây ra gàu, nhưng sau đó nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân phát sinh gàu đó là vi nấm có tên Pityrosporum ovale, hay còn gọi là Malassezia furfur. Vi nấm này thường gặp trong không khí, trên da đầu và da nói chung. Bình thường P.ovale không gây ra triệu chứng hoặc bệnh lý gì, tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi nào đó như thay đổi độ ẩm của da, độ pH... thì gây ra ngứa. P.ovale còn tác động vào chất nhờn biến nó thành axit béo, axit béo này gây ngứa ngáy, khó chịu ở một số người.
Ở da đầu bình thường có khoảng 25-35 lớp tế bào chết đã bị keratin hóa và dính sát vào nhau. Ở da đầu có gàu thì lớp sừng nhiều hơn 10 lớp tế bào, sắp xếp bất thường không còn dính vào nhau nên dễ bong ra. Vì vậy khi da đầu càng có nhiều P.ovale thì hiện tượng này càng dễ phát sinh hơn.
Triệu chứng thường gặp ở người có gàu là vảy rớt ra có màu trắng mịn khi gãi hoặc vén tóc sẽ thấy có ít vảy nhỏ. Đối với người có da đầu nhờn hoặc ẩm ướt thì vảy bám dính với da đầu hơn. Nhưng một triệu chứng thường gặp là ngứa.
Khó khỏi hẳn
Với sự hiểu biết mới về gàu, nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu và đưa ra nhiều loại dầu gội đầu có chứa thành phần như sau:
• Dung dịch có chứa hắc ín (polytar), loại dầu này thích hợp với người có nhiều chất nhờn.
• Selenium sulfide: có tác dụng làm giảm sự phát triển nhanh của thượng bì, diệt vi nấm. Tên thương mại là Selsun, Head & Shoulders (Intensive treatment).
• Zinc Pyrithione (ZPT) (Head & Shoulders, Clear, Rejoice...): đây là loại dầu gội đầu thông dụng nhất. Tác dụng của chất này là diệt nấm P.ovale, chống viêm và chống tác động của chất androgen trên vùng da đầu. Loại mạnh hơn chứa 2% ZPT gấp đôi lượng bình thường (Head & Shoulders, Intensive Solutions).
• Ketoconazole (Nizoral, Dezor, Haicneal): đây là loại thuốc gội đầu có tác dụng diệt vi nấm P.ovale rất tốt.
Dầu gội đầu trị gàu chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời, không có tác dụng chữa trị khỏi hẳn gàu được, vì da đầu thường được tạo ra liên tục và việc nhiễm vi nấm P.ovale trong không khí, môi trường tiếp xúc rất dễ xảy ra.
Nên chọn loại dầu gội nào mà thấy sau khi gội xong thì da đầu sạch, hết gàu lâu. Dầu gội đầu sản xuất trong nước cũng có thể hơi khác với loại cùng tên được sản xuất ở nước ngoài. Nếu có gàu thường xuyên thì phải gội đầu nhiều lần trong tuần: 1-2 ngày/lần đối với dầu gội bình thường chứa ZPT, đối với thuốc Ketoconazole thì 1-2 lần/tuần.
Giữ da đầu thoáng mát
Cần giữ da đầu thoáng mát, sạch sẽ, không nên dùng chung khăn lau, đội mũ, lược chải đầu chung, nằm chung gối.
Mới gội đầu xong không nên đội mũ hoặc đi ngủ ngay, cần để cho tóc thật khô. Cần tránh dùng xà bông cục để gội đầu vì loại này không có khả năng làm sạch gàu được.
Đối với mũ bảo hiểm, mặt trong mũ bảo hiểm là môi trường nhiều vi nấm, vi trùng có thể phát triển trong đó. Hiện nay, một số nơi đã có bán miếng vải lót bên trong mũ bảo hiểm, hằng ngày có thể gắn vào và tháo ra để giặt, phơi nắng, ủi trước khi sử dụng. Đây là một trong những cách để phòng ngừa, hạn chế nhiễm nấm ở da đầu khi phải thường xuyên đội mũ bảo hiểm.
Cần lưu ý là không phải ngứa da đầu đều do gàu gây ra. Một số bệnh hoặc nguyên nhân khác cũng gây ngứa da đầu như: viêm nang tóc, á sừng, vảy nến, chàm, viêm da tiếp xúc, tiểu đường, chấy tóc, yếu tố tâm lý - thần kinh... Do đó, khi bị ngứa ở da đầu kéo dài cũng cần đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân và chữa trị cho chính xác hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận