Sau một tháng điều trị ở nhà, má tôi vẫn tỉnh táo ăn uống được nhưng bị tình trạng như sau: ngứa ngáy toàn thân 24/24, khắp người nổi mẩn ngứa (nhiều nhất ở lưng, tay chân, mông, rồi bể ra và tự lành, nhưng sau đó thì mẩn ngứa nổi lên ở vị trí khác và kéo dài đã 15 ngày nay) đến nỗi không ngủ được. Mẹ tôi phải chà xát toàn thân để giảm ngứa (không dám gãi vì lo bị trầy da gây nhiễm trùng), đã uống thuốc và thoa thuốc theo yêu cầu của bác sĩ điều trị nội khoa, bác sĩ da liễu nhưng không bớt ngứa. Nay xin hỏi các bác sĩ có cách nào để giảm bớt cảm giác ngứa này không?
Nguyễn Tấn Phong
- Trả lời của phòng mạch online:
Bệnh ngứa của mẹ anh đã được điều trị (bởi bác sĩ nội khoa và bác sĩ da liễu) nhưng không hết thì chắc hẳn chúng tôi cũng khó có thể làm tốt hơn. Chúng tôi chỉ hi vọng chia sẻ thông tin và gợi ý với anh đôi điều về tình trạng bệnh của bác cũng như về tình trạng ngứa.
Bệnh đái tháo đường của mẹ anh đã nhiều năm, nếu có những bệnh khác đi kèm như tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu thì dễ dẫn đến các biến chứng mãn tính. Suy thận mãn, xơ vữa động mạch vành (mạch máu nuôi tim), suy tim … là những biến chứng quan trọng của bệnh đái tháo đường. Xơ gan không phải là biến chứng của bệnh đái tháo đường, xơ gan thường liên quan đến viêm gan siêu vi, sỏi mật, nhiễm trùng đường mật, suy tim lâu ngày và uống rượu. Tuy nhiên, xơ gan làm cho việc điều trị bệnh đái tháo đường cũng như các biến chứng của bệnh phức tạp hơn nhiều và đôi khi không thể thực hiện được.
Trường hợp mẹ của anh, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra ngứa. Suy thận và xơ gan là hai nguyên nhân rõ nhất, cả hai tình trạng này đều gây ứ đọng những chất có tính gây ngứa trong cơ thể và ở da (đó là chất urea và bilirubin). Trường hợp suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo định kỳ - nếu xơ gan không quá nặng - mới có thể làm giảm bớt chất urea, làm giảm ngứa do suy thận gây ra. Ngứa do xơ gan khó khắc phục hơn do không có biện pháp thay gan nhân tạo. Điều trị hỗ trợ chức năng gan bằng thuốc có thể làm giảm bớt mức độ xơ gan và cải thiện triệu chứng ngứa.
Đường huyết tăng cao làm cho da khô và dễ bị nhiễm nấm cũng làm cho ngứa. Trường hợp bị nhiễm nấm thì cần dùng thuốc chống nấm - uống hoặc thoa, cũng như điều chỉnh đường huyết về mức bình thường. Dị ứng với thức ăn hoặc với thuốc cũng là nguyên nhân thường gặp gây ngứa. Việc xác định nguyên nhân nào gây ra ngứa là điều quan trọng và cơ sở để có điều trị hiệu quả.
Một số tình huống có thể khắc phục được (như do nhiễm nấm, dị ứng, đường huyết cao), một số nguyên nhân khó điều chỉnh hơn (chẳng hạn với suy thận nặng thì cần phải chạy thận nhân tạo định kỳ; xơ gan thì có thể dùng các loại thuốc hỗ trợ chức năng gan) hoặc không thể làm gì được do sức khỏe chung không cho phép (nếu xơ gan nặng thì không thể chạy thận nhân tạo được). Trong trường hợp này chỉ còn cách dùng các loại thuốc làm giảm cảm giác ngứa cộng với biện pháp chăm sóc da bằng các thuốc thoa.
Đối với trường hợp mẹ của anh, việc đánh giá tình trạng bệnh, tìm hiểu và xác định nguyên nhân gây ra ngứa đòi hỏi bác sĩ trực tiếp khám mới có thể trả lời được. Hi vọng những ý kiến trên đây giúp anh hiểu rõ bệnh của mẹ anh hơn và anh có thể trao đổi với bác sĩ (da liễu và nội khoa) để có cách điều trị phù hợp.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận