![]() |
Minh họa: Duy Nguyên |
Từ tháng giêng, nước sông bắt đầu cạn dần, dòng sông như hẹp lại cho bãi bồi vươn ra và người ta đào cái rãnh cạn để đặt hom mía xuống. Khi những mắt mía đâm chồi, vươn lên cao, người ta lại vít đất hai bên đắp vào gốc mía tạo thành những luống mía. Thân mía ngày càng cao, lá ngày càng xanh, càng dài và giao nhau, khép tán. Người ta "đánh lá mía" (lặt lá già) để tránh sâu làm tổ trong nách lá và lộ ra những lóng mía thon, dài cỡ gang tay...
Đất phù sa giúp thân mía mập mạp và nhanh chóng ngả màu nâu sậm, nhưng vị nước mía còn nhạt. Đến lúc cây mía cao quá đầu người, mưa già, nước dâng..., đến tháng năm, tháng sáu âm lịch mía bắt đầu ngọt... Khi nước lũ dâng cao, ngập gốc mía, là lúc mía ngọt và thơm nước được người ta nhổ lên, bó thành "chục" mười hai cây để giao cho thương lái.
Tựu trường năm Hiền học lớp 9, nước dâng lên ngập bãi bồi. Ngồi trên băng đá dưới gốc cây còng trong sân trường, Hiền chép miệng nói với mấy đứa bạn: "Nắng quá! Giờ này mà có khúc mía nhai sướng chi bằng...". Giờ ra chơi tiết sau, ngồi vào bàn bất chợt Hiền thấy trong hộc bàn lú ra đầu mấy khúc mía lưa tưa, nhìn vào biết ngay ai đó bẻ gãy mía thành từng khúc chớ không phải dùng dao chặt đứt ngọt...
Một mảnh giấy từ phía sau được Dũng khéo léo chuyền lên. "Tặng nhỏ. Bảo đảm ngọt như...". Như cái gì... ra chơi ăn mới biết... Hiền cười thầm. Nhưng khi ra chơi, điều Hiền biết được không phải là vị ngọt của mía mà là vị "đắng" của nó, bởi đó là những khúc mía Dũng bẻ trộm của ông Tám để tặng nó. Ông Tám méc với ban giám hiệu chuyện Dũng bẻ trộm mía.
Dũng nhận lỗi với ông Tám, bảo rằng thèm quá mà không có tiền mua nên bẻ trộm và ăn hết cây mía rồi, nó không hề khai ra chuyện tặng cho Hiền. Thầy hiệu trưởng phạt Dũng ba ngày quét lá còng trên sân trường và ghi sổ bìa đen để cuối năm hạ điểm đạo đức. Ba ngày liên tục sau đó Hiền đến trường sớm, len lén ra quét sân tiếp Dũng...
oOo
- Cô ơi, quê mình có được cái bờ kè này đẹp thiệt... Mấy đứa bà con của em ở dưới xã tới chơi khen nức nở. Tụi nó nói trường nơi nó học cất ven con đường cặp bờ sông, bị sạt lở sụp hết xuống sông, phải cất tạm chỗ khác mới có chỗ học đó cô...
- Ờ, thì... chỗ này ngày xưa cũng là bãi bồi, trồng toàn là mía, nhưng vì sạt lở nên Nhà nước mới xây bờ kè bảo vệ và làm công viên cho cô trò mình ngồi đây ngắm sông trong chiều tan trường này.
- Bãi bồi như thế nào hả cô?
Hiền nghe học trò hỏi, chưa trả lời mà hình ảnh ngày xưa đã ùa về, như hiện ra trước mắt mình kỷ niệm ngày nào cả trường tổ chức lao động đào lấy đất dưới bãi bồi này. Chính quyền địa phương cho phép trường lấy đất dưới bãi bồi vì biết một hai năm sau phù sa cũng bồi lắng, bãi bồi sẽ y như cũ.
Thầy trò cùng nhau vít đất để vào bao tải, khiêng lên đắp cao sân trường để khi lũ về không bị ngập nước. Dũng nắm lấy bàn tay Hiền kéo ra mép nước, bước ra xa đến mức nước ngập cả đầu gối. "Hiền ra đây, mình chỉ cho cái này, hay lắm!".
Hiền ngượng ngùng, dùng dằng gỡ tay Dũng ra vì thấy các bạn cùng lớp nhìn theo hai đứa xì xào. Dũng khom người thò tay xuống nước móc lên mấy con hến khá to: "Mình muốn chỉ cho Hiền biết bãi bồi này nhiều hến lắm".
Lúc đó Hiền mới cảm nhận bàn chân mình đang đặt lên những con hến có vỏ cứng. Rất nhiều hến nằm chen nhau dưới bùn. Hiền vội thò tay xuống mò móc lấy những con hến to cỡ ngón tay cái. Dũng chạy đi, chốc sau mang về cái rổ tre để cào hến... Tan buổi lao động, Dũng mang cả rổ hến lên khu ở tập thể của các thầy cô để luộc và thầy trò cùng ăn... Hôm sau có mấy đứa xấu bụng, kiếm Dũng đòi bồi thường tiền thuốc vì bị "Tào Tháo rượt" (!)
- Bãi bồi là do phù sa lắng đọng, đóng từng lớp dày sau mùa lũ...
- Nhưng sao bãi bồi ở đây không còn mà lại bị sạt lở hả cô?
Nghe học trò hỏi mà lòng Hiền không khỏi thở dài tiếc nuối. Sau đợt Dũng bày trò cào hến, nhiều đứa khác bắt chước, cứ hết giờ học là có vài đứa ra bờ bãi ven sông cào hến, bắt cá chạch, móc lịch... Nhiều đứa không ý tứ, đi đứng giẫm nát mấy luống mía mới nảy mầm của ông Tám, bị ông Tám chửi khiến nhà trường phải ra lệnh cấm. Còn dòng sông này trong ký ức của Hiền nó rộng lớn và mênh mông lắm.
Mùa hạn, từ tháng giêng đến hết tháng năm âm lịch, nước trong và ngày hai cữ lớn ròng chảy ngược xuôi hiền hòa, đám con trai cùng lớp thách nhau bơi qua bờ bên kia sông. Con nít xứ này bốn năm tuổi đã biết bơi, cho nên dù đoạn sông này rộng gần cả ngàn mét nhưng đám bạn Hiền chả đứa nào sợ... Thi nhau bơi, đứa nào khỏe thì bơi nhanh hơn thôi.
Vào mùa lũ, khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, dòng nước mang nặng phù sa đục ngầu cuồn cuộn chảy xiết từ thượng nguồn về, có khi tuôn theo thân gỗ mục, cư dân hai bên bờ cho ghe ra vớt làm củi đun. Chẳng đứa nào ngu dại thách nhau bơi qua sông vì năm nào cũng có xuồng ghe gặp nạn và có người chết vì bị nước cuốn.
Mùa lũ, đám con nít trong xóm chỉ dám bơi xuồng dọc theo bờ bãi hái bông điên điển. Điên điển mọc dại ven bờ sông, khi lũ tràn về thân cao hơn ba mét, trổ bông vàng hực chỉ việc cặp xuồng vô, kéo nhánh xuống và hái bông bỏ vô thúng, vô thau, chút về đã có dĩa tép xào bông điên điển hay trộn với bông súng, đọt rau muống đồng chẻ nhỏ để làm gém ăn với cá linh nấu mắm kho.
Dũng thường rủ Hiền chạy về nhà bơi xuồng tới để cùng đi hái trái cà na. Hiền cặp xuồng vô gốc cà na, Dũng trèo lên cành, rung mạnh để trái chín rơi xuống nổi trên mặt nước cho Hiền vớt, chốc sau mang về cho cả lớp thưởng thức hương vị trái cà na chua chua ngọt ngọt và hơi chát chát chấm muối ớt ăn ngon lành.
Có hôm trống tiết học, Dũng tinh nghịch trèo ra tận ngọn cành cây cà na de ra dòng sông và nhảy xuống theo kiểu hai tay bó gối cho tung nước lên ướt cả người Hiền. Lặn hụp dưới dòng nước đỏ ngầu phù sa, khi leo lên xuồng mình mẩy Dũng đóng rong.
Trước khi lên bờ hắn vờ như không thể kỳ cọ cho sạch lưng, năn nỉ Hiền dùng áo chà xát phía sau lưng. Cái cảm giác khi chạm tay vào tấm lưng to bè của một chàng trai như Dũng làm cô gái sớm dậy thì như Hiền ngượng ngùng và nhớ mãi. Bờ sông bên kia xa tít, xanh xanh bởi những đám rẫy khi thì trồng mía, khi thì trồng đậu, phía sau rặng cây là những mái nhà lợp thiếc có những buổi chiều phản chiếu ánh mặt trời chói chang sáng lóa như những tấm kính..., đã ăn sâu vào ký ức Hiền.
Học hết cấp II, nhà Dũng khá giả nên được cha mẹ cho thuê nhà, trọ học ở trường thị xã, còn Hiền học cấp III ở trường huyện. Xứ này ba má của Dũng khá nổi tiếng vì giỏi tính toán làm ăn. Đang là giáo viên, lương bổng không đủ sống, cả hai xin chuyển sang làm ở phòng lương thực huyện, ưu tiên có sổ gạo, sổ cám để nuôi heo...
Gia đình khá lên rất nhanh. Gia đình Dũng xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo và cất nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Bãi bồi vẫn còn đó với những luống mía, nhưng hến thì ít đi vì người cào không phải là lũ học trò nữa mà là dân chuyên cào hến từ nơi xa đến. Dũng ít khi về nhà, có về cũng không thèm đến thăm trường cũ và thỉnh thoảng gặp Hiền ngoài đường cũng chỉ chào nhau bằng một nụ cười xã giao.
Khi Hiền vào học ngành sư phạm trường của tỉnh thì Dũng lên thành phố học đại học xây dựng. Lúc đó ba má Dũng đã sắm cả mấy chiếc xáng khai thác cát đáy sông và có cả xe tải chuyên chở cát phục vụ khách hàng. Những chiếc xáng lù lù nằm giữa dòng sông như một con quái vật lì lợm thả vòi, gồng mình ngoạm lấy lòng sông từng miếng một, nhai nát và nuốt cát vô bụng, sau đó nhả vào những chiếc ghe tải neo bên cạnh. Khi chiếc ghe tải này đầy cát chạy đi thì có ghe tải khác đến...
Ban ngày họ khai thác đúng luồng lạch Nhà nước cho phép, ban đêm họ cho xáng khai thác cát vượt qua chỗ khác... Dòng sông âm thầm chịu đựng, oằn mình đớn đau khiến dòng nước vào mùa lũ cuốn xoáy, móc vào bãi bờ trước khi chảy về hạ nguồn...
Dũng tốt nghiệp ra trường, lấy cô vợ ở thị xã vốn là con của ông bạn làm ăn khai thác cát như cha mình. Ông ấy là một doanh nghiệp tư nhân có mấy chiếc xáng khai thác cát phục vụ san lấp mặt bằng xây dựng nhà cửa, công trình... chuyên làm ăn lớn, giàu lắm, thuộc dạng tỉ phú, đại gia. Thỉnh thoảng Dũng lái xe về thăm quê nhân dịp thực hiện mấy hợp đồng khai thác cát đáy sông trên địa bàn huyện. Dũng ngày xưa vạm vỡ, da ngăm ngăm vì hay để lưng trần tắm sông, bây giờ sang trọng, trắng trẻo và khá bệ vệ.
Năm trước, Dũng đến trường cũ dự ngày khai giảng năm học mới và tặng thư viện trường ba bộ máy vi tính. Sau đó có chuyện um sùm khi dân tình ven sông thấy bãi bồi xưa kia bị sạt lở, nhiều đoạn phải di tản nhà dân để tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Người dân cho rằng mấy chiếc xáng của Dũng khai thác cát không đúng luồng lạch Nhà nước cho phép là nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy của con sông này, gây nên sạt lở...
Dũng khéo lòn lách, chạy chọt, tiếp tục hoạt động và lại tiếp tục vi phạm đến mức người dân phản ánh lên cả báo đài và bị kiểm tra đột xuất, lập biên bản xử phạt nặng...
Dũng chuyển những chiếc xáng đến khai thác cát ở vùng khác và không còn quay về đây nữa. Ngôi nhà cũ vợ chồng đứa em của Dũng tiếp tục kinh doanh vật tư xây dựng cũng rất thành công.
Bãi bồi trước cổng trường này cũng đã bị dòng nước cuốn trôi và xoáy nước âm thầm ngoạm sâu phía dưới mặt đất ba bốn mét, tạo thành hàm ếch ăn sâu vào con đường khiến cả một đoạn dài bị sạt lở. Nhà nước phải cho cơ giới nắn lại dòng chảy của con sông và cắm cọc, xây kè... Bãi bồi trồng mía ngày xưa đã biến mất như hình bóng Dũng, nhưng kỷ niệm thì còn đọng lại trong lòng Hiền chẳng biết lúc nào mới phai mờ...
oOo
- Cô Hiền ơi, thiết bị đã lắp đặt xong, sẵn sàng phục vụ cho cô thực hiện tốt tiết giảng bằng giáo án điện tử... Mấy cái máy ông Dũng "xáng" tặng là đồ xịn, chỉ bị lỗi, tôi đã sửa xong, cài đặt phần mềm mới chạy tốt lắm, cô vô kiểm tra thử xem, có gì tôi chỉnh giúp ngay.
- Em nói mà, thầy Hùng tin học là số một mà. Cô yên tâm đi.
- Học trò này khéo nịnh ghê chưa! À, cô Hiền ơi, có mấy bịch mía ướp lạnh học trò cho, tôi còn chừa phần cô trong tủ lạnh ở văn phòng; ngọt lắm, ăn cho thấm giọng, giảng mới hay... Chiều nay khi nào hết tiết dạy cô cứ để đó, tôi sẽ dẹp giùm cho. Bữa nay tôi không ra chợ vì vợ chồng thầy Tâm ở phòng bên cạnh mời ở lại khu tập thể dùng cơm. Nghe nói có món hến xào bông điên điển, hấp dẫn quá lại đỡ tốn tiền ăn cơm chợ nên tôi đâu từ chối...
- Cảm ơn anh... Gì chớ hến xào bông điên điển tôi cũng biết làm, hôm nào rảnh anh ghé nhà tôi, tôi sẽ đãi một bữa, có cả cá linh kho mía và mứt cà na đặc sản vùng quê mùa lũ để đền ơn anh một cách xứng đáng.
- Sẵn sàng nhận lời ngay... Ngày mai nhé!!!
- Mai à... Ờ, mai cũng được...
Hiền vừa đứng dậy vừa gật đầu cất lời đáp mà lòng vui vui. Anh chàng Hùng dạy môn tin học này lúc nào cũng sôi nổi, nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ mọi người khiến đồng nghiệp nào cũng thích, học trò nào cũng kính trọng. Hiền cùng đứa học trò vào phòng học nhà trường chuyên dành cho việc thực hiện tiết giảng giáo án điện tử, để xem các thứ chuẩn bị cho tiết giảng đăng ký danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện chiều nay có tốt không... Hi vọng mọi việc thành công thì ngày mai mình mới vui vẻ chiêu đãi ông thầy tin học và đồng nghiệp một bữa hến xào bông điên điển ngon lành...
Áo Trắng số 20 (ra ngày 1/11/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận