17/06/2007 06:20 GMT+7

Ngôi trường 0%!

M.THU - Q.CẦU
M.THU - Q.CẦU

TT - PV Tuổi Trẻ vừa lên đường đi vào huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có Trường THPT ĐinhTiên Hoàng, trường không có học sinh nào đậu tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua.

4Mzr2w4Q.jpgPhóng to

Đinh Văn Thêm (trái) đang học lớp 12 và cũng là lao động chính trong nhà. Nương rẫy, ruộng đồng cũng là một phần công việc của học sinh ở huyện miền núi nghèo này - Ảnh: M Thu

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nằm sâu trong hẻm núi xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 100km. Khi nghe tin rớt tốt nghiệp, nhiều học sinh nữ đã khóc sưng cả mắt, học sinh nam thì buồn bã. Biết chúng tôi đến để hỏi chuyện thi cử, các học sinh nữ xấu hổ trốn biệt vô rừng.

1/3 lớp có vợ, có chồng

iWBRXREX.jpgPhóng to
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thành lập từ tháng 2-2004

Buổi trưa trời nắng như đổ lửa, thầy Nguyễn Hải Thịnh, hiệu trưởng, ngồi bên mâm cơm thẫn thờ. Ông tâm sự: kết quả đó là một nỗi đau, nhưng không phải là nỗi buồn vì nó phản ánh đúng thực chất; đây là bài học quí giá trong công tác giảng dạy những năm tiếp theo. Dù vậy, 21 năm công tác trong ngành giáo dục -11 năm cầm phấn giảng dạy trên bục giảng, 10 năm giữ vai trò quản lý, ông thừa nhận đây là lần mình bị sốc nặng.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thành lập từ tháng 2-2004, đến nay đã qua ba năm học.

* Năm học 2004- 2005, trường có HS đỗ tốt nghiệp 99% (thi 54 học sinh, đỗ 53).

* Năm học 2005-2006, đỗ 52% (thi 37, đỗ 24 học sinh).

* Năm học 2006-2007 này, trường có một lớp 12 với 51 học sinh dự thi tốt nghiệp, trong đó có 15 học sinh khá và trung bình, nhưng không thí sinh nào đậu.

Cô giáo trẻ mới 29 tuổi Phạm Thị Nhung, chủ nhiệm lớp 12, ngồi trong căn nhà gỗ ọp ẹp, giọng run run chực khóc: “Trường đã làm hết cách rồi! Tôi dạy môn toán nhưng khổ lắm, hơn 80% các em là đồng bào dân tộc thiểu số, công thức gần như các em không thuộc được. Lớp 12 của tôi có đến 15 học sinh (1/3 lớp) đã lập gia đình...”.

Cô Nhung cho biết phần lớn các em thuộc gia đình nghèo, thường xuyên nghỉ học để giã gạo vào hai mùa: mùa thu hoạch lúa khoảng tháng 11-12 và thu hoạch đót khoảng tháng hai, tháng ba sau tết. Vì vậy việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Thương học sinh ở miền núi xa xôi này còn nhiều thiếu thốn, những năm qua việc thi cử trường đã thả lỏng cho học sinh. Năm nay, hưởng ứng cuộc vận động “hai không”, chống bệnh thành tích trong giáo dục, trường cũng quyết tâm và có kết quả này.

78% thuộc diện nghèo đói

Ông Trần Văn Đồng, phụ huynh của Nguyễn Đình Tình, bàng hoàng: “Vô lý quá, làm sao lớp 12 thi tốt nghiệp tới mấy chục đứa nhưng không có học sinh nào đậu là điều đáng giật mình để suy nghĩ. Kỳ thi nghiêm túc là rất đáng quí để đánh giá đúng thực lực của học sinh. Vì vậy, theo tôi, trường cần có phương pháp dạy phù hợp với học sinh ở huyện miền núi, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giảng dạy đúng hướng hơn”. Hiện tại còn hàng chục phụ huynh và học sinh tại huyện miền núi vùng cao này vẫn chưa nhận được thông tin của kỳ thi tốt nghiệp.

Ngôi nhà sàn của hai học sinh Đinh Văn Thoái, Đinh Văn Thêm, lớp 12 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ở tận trên mỏm đồi xã Sơn Dung cao chót vót, nằm phía sau hai con dốc cao. Rớt tốt nghiệp, Đinh Văn Thoái buồn, đã say khướt, còn Đinh Văn Thêm ôm nỗi buồn ra ruộng lúa. Thêm đang cùng mẹ cải tạo ruộng bậc thang chuẩn bị cho vụ cấy lúa nước. Thêm ấp ủ hi vọng đậu tốt nghiệp kỳ này sẽ thi vào trường ĐH nông lâm, trở thành kỹ sư về giúp buôn làng. Thêm là người con thứ năm trong gia đình, là niềm hi vọng của làng...

Ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, nhìn nhận sự thật: ngoài việc học sinh yếu, cũng phải thấy đội ngũ giáo viên của trường chưa giỏi, hầu hết là giáo viên cử tuyển. Mặt khác, học sinh thường xuyên bỏ học, gia đình hầu như không quan tâm đến việc học tập của con em. Do hổng kiến thức từ cấp dưới, nhiều học sinh chưa thạo tiếng Kinh khó tiếp thu trong học tập. Do phong tục tập quán, nhiều học sinh đã lập gia đình, gây nhiều khó khăn cho việc học. Đầu vào lớp 10 luôn thấp hơn chỉ tiêu Sở GD-ĐT Quảng Ngãi giao nên chỉ xét tuyển chứ không thi tuyển.

Sơn Tây có 6/6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ nghèo đói còn 78% trên tổng số 3.706 hộ. Do địa bàn cách trở giao thông, điều kiện kinh tế học sinh khó khăn, nơi ăn ở cho học sinh chưa có nên các em không an tâm học tập...

Buồn cho những miền đất nghèo

Tôi có một nỗi buồn: đó là còn có khoảng cách lớn giữa các vùng miền trên cả nước. Con số Hà Nội đỗ 86,26%, TP.HCM đỗ 95,1% đã nói lên điều đó. Ở những nơi được đầu tư lớn cho giáo dục thì kết quả cao là điều hiển nhiên. Chợt thấy buồn cho một số tỉnh nghèo ở trung du miền núi phía Bắc, Tây nguyên, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long... bởi kết quả thấp một phần vì sự đầu tư chưa cân xứng của ngành và sự nghèo khó của gia đình các học sinh...

Bắt đầu từ người thầy

“Thuốc đắng dã tật - sự thật mất lòng”. Lâu nay chúng ta mới chỉ hồ nghi, chưa có bằng chứng cụ thể, thì bây giờ qua một kỳ thi nghiêm túc, mọi việc đã rõ như ban ngày.

Để thật sự có một nền giáo dục vững mạnh, thiết nghĩ ngành giáo dục phải làm mạnh tay hơn nữa, nhất là với những “chủ thể” của ngành: những giáo viên yếu về chuyên môn phải được bồi dưỡng, đào tạo lại; những người không đủ tiêu chuẩn đứng lớp phải được chuyển sang làm công tác khác. Hiện nay đang có một thế hệ những giáo sinh vừa trẻ, khỏe, vừa có trình độ, họ sẽ là những người đủ sức vực dậy nền giáo dục của ta. Hãy cho họ một cơ hội tự thể hiện mình. Nếu làm kiên quyết và đồng bộ như vậy, chắc rằng ngành giáo dục của chúng ta sẽ cho ra những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn trong tương lai gần.

M.THU - Q.CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên