27/03/2014 04:35 GMT+7

Ngôi làng trẻ trên ải Bắc

ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Những lá cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà dân ở “làng thanh niên lập nghiệp biên giới Trịnh Tường” (huyện Bát Xát, Lào Cai) trên biên giới Việt - Trung đã mang đến cho chúng tôi niềm xúc động đặc biệt.

0Zo1aTUl.jpg
Chị Nguyễn Thị Dần, vợ anh Đặng Văn Thanh, trước ngôi nhà khang trang cạnh đường biên như một cam kết ăn đời ở kiếp cùng biên ải! - Ảnh: Ngọc Quang

Từ rất xa, trên đường từ trụ sở ủy ban xã Trịnh Tường chạy vào đã thấy lá cờ đỏ sao vàng bay trên một ngôi nhà xây hai tầng khang trang ở bản Tân Tiến.

Những ngôi nhà cạnh đường biên giới

Giờ thì chúng tôi đang ngồi với chủ nhà, anh Đặng Văn Thanh, một thanh niên người Dao trong số những người đầu tiên từ A Lù ra đây lập làng mới - ngôi làng thanh niên biên giới đầu tiên của Lào Cai. Nhà anh Thanh ở Tân Tiến là một trong ba bản của làng thanh niên Trịnh Tường. Từ ngôi nhà anh Thanh, chỉ băng qua một bãi đất trồng chuối xanh um là đã chạm vào mép nước của con sông Hồng - với nhiệm vụ làm đường biên giới quốc gia từ đầu nguồn Lũng Pô xuôi về tận thành phố Lào Cai. Chủ quyền Tổ quốc trên biên cương không chỉ là những cột mốc biên giới, đó còn là những người dân làm nương, trồng trọt cấy hái ngay thửa ruộng cạnh đường biên. Vườn nhà anh Thanh cũng thế, mấy hecta chuối, dứa của nhà anh xanh um ngút ngàn bên đường biên giới như một tín hiệu về chủ quyền.

Ngày 26-3-2008, làng thanh niên lập nghiệp biên giới Trịnh Tường được chính thức khởi công. Ngoài Tân Tiến, làng thanh niên lập nghiệp biên giới này còn có hai điểm khác là Bản Tàng và Vĩ Lầu. Và bây giờ vừa tròn sáu năm, chúng tôi trở lại. Từ 52 hộ ban đầu nay làng có tròn 100 hộ. Nhìn những căn nhà khang trang nép vào những mái đồi, trông ra mênh mông biên ải mà chủ nhân của chúng là các đôi vợ chồng trẻ theo lời kêu gọi “ra biên lập làng”, chúng tôi cảm nhận rõ hơn khát vọng trẻ đang hừng hực sức sống trong ngôi làng trẻ này!

Như vợ chồng anh Đặng Văn Thanh với ngôi nhà xây khang trang này là kết quả của mồ hôi, công sức chiu chắt từ sáu năm nay. Ngoài 3ha chuối cấy mô, vợ chồng anh Thanh còn có một trang trại nuôi heo bản và heo rừng. Chị Dần, vợ anh, đưa tay bật công tắc điện, máy bơm phun nước làm sạch hệ thống chuồng trại, nguồn nước thải này theo đường ống dẫn xuống một dãy hồ cá phía chân đồi. Nguồn thu từ chuối, từ trang trại heo rừng và hồ cá, anh cho biết trừ hết chi phí cũng dư ra hơn trăm triệu đồng/năm. Ngôi nhà sơn màu lam sáng càng khiến màu đỏ lá cờ Tổ quốc treo trước nhà nổi bật hơn. Ở đồng bằng, một ngôi nhà khang trang như vậy có thể là thông điệp đơn thuần về một gia đình đang có kinh tế ổn định. Nhưng ở biên giới này, ngôi nhà như của anh Đặng Văn Thanh lại thêm một thông điệp khác: đó là lời hứa với Tổ quốc rằng sẽ ăn đời ở kiếp với biên ải, sẽ an cư lạc nghiệp với núi rừng! Học theo mô hình làm ăn, sản xuất của anh Thanh, nhiều hộ thanh niên ở điểm bản Tân Tiến này đang khá lên, an tâm với vùng đất mới.

Đất mới Bản Tàng

Rời bản Tân Tiến, chúng tôi vào “trung tâm” của làng ở thôn Bản Tàng. Cạnh con đường chạy từ Bát Xát lên A Mú Sung là chiếc cổng chào khang trang. Đường vào Bản Tàng đã đổ bêtông. Lý A Sùng hiện là trưởng thôn và cũng là bí thư chi bộ của Bản Tàng với 61 hộ dân (307 nhân khẩu) đều là người Mông. Trước khi có làng lập nghiệp biên giới này thì Bản Tàng của Sùng nằm sâu trong nội địa, dân cư sống thưa thớt. Khi lập làng, anh là người đầu tiên viết đơn tình nguyện lên lập nghiệp, cùng gia đình ra sát đường biên dựng nhà sống bám biên để sản xuất. Bản Tàng mới vốn là vùng đồi rộng gần cả ngàn hecta. Trước đây, bà con từng lên đây phát rẫy làm nương nhưng đường lên nương xa quá, cả vùng đất gần 1.000ha sát biên giới bỏ hoang. Nay với sự vận động của Sùng, thanh niên bản cũ cùng lên đây lập nên một Bản Tàng mới sát cạnh đường biên giới.

“Đất ở khu vực này trồng lúa trồng ngô đều lên tốt, năng suất cao, vì thế mỗi năm nhà Sùng thu hoạch đến cả trăm bao thóc, cả tấn ngô, làm ra phải bán bớt đi thì trong nhà mới có chỗ để thóc”. Đấy là câu nói của Lý A Sùng về “thành tích” của mình khi về Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng của T.Ư Đoàn dành cho những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh. Giờ ở trong nhà Sùng chúng tôi cũng thấy ngô và thóc đúng là “không có chỗ để” trong ngôi nhà gạch rất rộng xây bằng tiền hỗ trợ của dự án...

Thấy việc lên biên được hỗ trợ, được tiếp cận với những giống lúa, ngô cùng phương thức sản xuất mới cho năng suất cao, Sùng đã trở về bản vận động thêm 29 hộ gia đình trẻ khác lên dựng nhà, sản xuất sát đường biên. Chính những thành công và đóng góp trong sản xuất nông nghiệp tại làng này mà năm 2011 Lý A Sùng đã được nhận giải Lương Định Của như đã kể.

“Giờ lên làng biên giới, các hộ dân mình đều có thêm đất để sản xuất, được hướng dẫn sản xuất bằng cách áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất cao hơn, cuộc sống ổn định hơn nơi cũ. Làng lại có dự án trồng cao su nên ngoài việc làm cho gia đình, giờ những thanh niên trong làng còn là công nhân đi trồng, chăm sóc cao su cho công ty cao su trên tỉnh. Những cái này trước ở bản cũ không có đâu” - Lý A Sùng giãi bày.

Từ nhà Sùng, trông lên ngọn đồi thấy lúi húi mấy dáng người đang lao động, chúng tôi băng đồi tìm lên. Lên tới mái đồi có bốn phụ nữ đang trồng sắn dưới sự hướng dẫn của một cán bộ nông nghiệp. Hỏi ra mới hay đây là khu đồi của Lý A Sùng. Vợ Sùng cùng mấy người hàng xóm là Vừ Thị Dợ và Sùng Thị Xe đang nghe Doãn Văn Hải, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Bát Xát, lên đây bám bản để bày cho dân kinh nghiệm trồng các loại cây thích hợp với vùng đồi này. Hải đang đưa giống sắn 98-1, loại sắn cao sản trồng trên địa hình đất dốc, để giúp các hộ thanh niên trẻ của làng làm quen với khoa học kỹ thuật. Giống sắn này đã được khảo nghiệm và với đất màu mỡ như ở Bản Tàng này, năng suất sẽ lên tới 40 tấn/ha. Nhiều năm nay, các dự án về phát triển bền vững đã được mang đến tiếp cận với cư dân trẻ nơi ngôi làng thanh niên biên giới này.

Đã có ngôi làng thanh niên lập nghiệp thứ hai

“Dự án làng thanh niên lập nghiệp dọc biên giới gần như đã tiếp thu, khắc phục những hạn chế của các chương trình trước đó; với những chính sách, hỗ trợ từ trung ương, sự tham gia tích cực, chủ động của địa phương đã làm cho dự án thành công. Với riêng làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường, sự thành công thể hiện rõ khi có 100 hộ gia đình trẻ tình nguyện lên sát đường biên xây dựng làng.

Sự thành công này đã được ghi nhận, và ngày 18-2-2014 T.Ư Đoàn lại tiếp tục đầu tư xây dựng thêm làng thanh niên lập nghiệp biên giới Lùng Vai, ngôi làng thanh niên thứ hai nằm dọc tuyến đường biên tại xã Lùng Vai ở huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai)”.

Hà Thị Nga (phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai)

ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên