30/10/2003 11:30 GMT+7

Ngôi chùa nhỏ và những lớp học sinh nghèo

MINH LUẬN - LÊ HỒNG CHÂU
MINH LUẬN - LÊ HỒNG CHÂU

TT - Long Thạnh là một ngôi chùa nhỏ nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (Long An). Nhà chùa chỉ có hai nhà sư, một người mới 33 tuổi, người kia vừa bước sang tuổi tứ tuần. Thế nhưng tại đây nhiều thế hệ học sinh (HS) nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa đã trưởng thành. Không chỉ vậy, ngôi chùa nhỏ ấy có lẽ là nơi đầu tiên nghĩ ra mô hình phổ cập tin học cho HS nghèo, cho giáo viên vùng sâu vùng xa, cho cả một số cán bộ nhà nước và người dân trong vùng nữa...

ee2hE83a.jpgPhóng to
Thầy trụ trì Thích Quảng Tâm và thầy Thích Quảng Minh dạy vi tính cho các em HS
TT - Long Thạnh là một ngôi chùa nhỏ nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (Long An). Nhà chùa chỉ có hai nhà sư, một người mới 33 tuổi, người kia vừa bước sang tuổi tứ tuần. Thế nhưng tại đây nhiều thế hệ học sinh (HS) nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa đã trưởng thành. Không chỉ vậy, ngôi chùa nhỏ ấy có lẽ là nơi đầu tiên nghĩ ra mô hình phổ cập tin học cho HS nghèo, cho giáo viên vùng sâu vùng xa, cho cả một số cán bộ nhà nước và người dân trong vùng nữa...

Ngôi nhà chung của HS nghèo

Chúng tôi đến chùa Long Thạnh vào một buổi sáng đầu tháng mười. Lúc này sư trụ trì Thích Quảng Tâm đi vắng, chỉ còn lại chừng mười HS, mỗi em ngồi một góc chăm chú học bài. Thấy có khách đến, một em tên Võ Hoàng Tú vội gấp tập chạy đến chắp tay trước ngực vái chào chúng tôi. Các em khác cũng đồng loạt đứng dậy chào khách...

Chùa hiện có 30 HS nam học lớp 6-12. Tất cả đều xuất thân trong gia đình nghèo khó ở vùng sâu. Một phần ba trong số này mồ côi cha lẫn mẹ, một phần ba khác mồ côi cha hoặc mẹ. Trong đó có lẽ Tú là “cư dân” lâu đời nhất của chùa. Tú ở tận xã Long Thuận, nhà nghèo, mồ côi, được sư trụ trì đưa về nuôi dạy từ lúc mới chập chững vào lớp 1, nay em đã lên đến lớp 10.

Tuy là chốn cửa thiền nhưng các em ở đây được tổ chức như trong... quân đội. Cứ ba em xếp vào một tổ, em lớn làm tổ trưởng. Tổ trưởng phải là đầu tàu gương mẫu, giúp đỡ tổ viên trong việc học tập, thực hiện các chế độ trong ngày. Giờ nào ôn tập, giờ nào giải lao, giờ nào đọc sách, giờ nào học vi tính đều được giám sát chặt chẽ...

Nhà sư “phổ cập tin học”

Đến gần trưa sư trụ trì Thích Quảng Tâm mới về đến chùa. Thầy cho biết dù sống trong thời đại bùng nổ thông tin nhưng giới trẻ trong huyện không hiểu biết nhiều về tin học. Đối với các em HS con nhà nghèo thì càng không thể có cơ hội tiếp cận. Xuất phát từ thực tế đó, thầy Thích Quảng Tâm và thầy Thích Quảng Minh thay nhau lên tỉnh học vi tính. Thế rồi đầu năm nay, ước nguyện của các thầy thành hiện thực.

Sau khi vốn vi tính học được khá căn bản, các thầy tiến hành vận động phật tử gần xa ủng hộ tiền bạc mở một lớp vi tính dạy miễn phí cho HS nghèo. Lớp học hình thành với 18 máy. Lúc đầu chỉ có ba lớp với sĩ số 12-15 học viên/lớp. Chỉ một tháng sau đó chùa phải mở đến chín lớp, dạy từ sáng cho đến 21g. Đối tượng theo học mở rộng cho cả công chức, giáo viên các trường ở vùng sâu, vùng xa của huyện.

Thầy Minh cho biết: “Khóa vừa qua nhà chùa đã phổ cập cho 12 học viên là hiệu phó, hiệu trưởng các trường trong huyện, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, giáo viên các trường vùng sâu...”.

Có lúc có đến 300 người ghi danh trong một tuần. Hai nhà sư đứng lớp không xuể; hay tin, một số phật tử gần xa đã tình nguyện tham gia giảng dạy vào buổi tối.

xwDFG5i6.jpgPhóng to
Các HS nghèo được chùa cưu mang đang học bài ở hậu liêu của chùa Long Thạnh - Ảnh: M.L.
“Thi ân bất cầu báo”

Ở các xã vùng sâu huyện Thủ Thừa hiện chưa có trường trung học, vì vậy sau khi học hết tiểu học HS phải ra huyện học tiếp. Chuyện tưởng đơn giản nhưng có nhiều gia đình không thể đưa con em mình ra huyện học vì không có tiền thuê nhà trọ, mua sắm phương tiện đi lại, sách vở, học phí. Thầy trụ trì Thích Quảng Tâm cũng xuất thân từ một gia đình nghèo nên rất hiểu nỗi khó khăn đó.

Kể từ năm 1985, thầy âm thầm thực hiện chương trình giúp đỡ các em. Thầy tìm đến những gia đình neo đơn có con em vừa học xong tiểu học đưa về chùa lo cho ăn học. Lúc đầu chùa chỉ thu nhận không quá năm HS, sau đó nâng dần lên 10, 20, rồi 30 như hiện nay. Con số HS nghèo vùng sâu do chùa Long Thạnh giúp đỡ không chỉ đóng khung ở sĩ số hiện có, mà còn hàng chục em khác được gửi tá túc ở các chùa khác.

Với nhiều em vào đại học, thầy Thích Quảng Tâm đi vận động các chùa ở TP.HCM giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Anh Chiêu, một trong những trẻ mồ côi đầu tiên được chùa cưu mang, nay đã học xong Đại học Bách khoa, có việc làm ổn định. Mới đây anh Chiêu lại về chùa Long Thạnh nhờ thầy Tâm đứng ra cưới vợ cho mình.

Trong sổ theo dõi học tập của các em, chúng tôi thấy ghi chép về hoàn cảnh của bà Trịnh Thị Huân ở xã Mỹ An. Sau khi chồng qua đời, bà tần tảo nuôi bốn đứa con học hết cấp I, nhưng không có tiền cho chúng lên huyện học tiếp. Thấy vậy, thầy Thích Quảng Tâm lần lượt rước chúng về chùa Long Thạnh nuôi ăn học.

Đứa con lớn của bà là Mai Thế Vinh đang học lớp 12, con thứ hai Mai Phúc Lợi lớp 10, con thứ ba Mai Phương Nhi lớp 8, con út Mai Quang Huấn lớp 6. Mới đây, chùa Long Thạnh nhận thêm em Trương Hoàng Minh (sinh 1991) quê ở Biên Hòa, Đồng Nai do một phật tử gửi đến. Em Minh mồ côi cha, nhà xa trường công lập nên phải theo học trường dân lập, rồi phải nghỉ học vì mẹ em không có tiền đóng học phí.

Khi nhận em vào chùa, thầy Thích Quảng Tâm phải chạy ngược chạy xuôi lo cho em đi học trở lại. Do các trường trong thị trấn không nhận HS dân lập, thầy lặn lội đến Trường THCS xã Nhị Thành vận động nhà trường tiếp nhận, rồi đóng học phí cho em. Vì trường ở xa chùa, thầy trụ trì phải vận động phật tử mua cho Minh một chiếc xe đạp làm phương tiện đi học hằng ngày.

Bây giờ ở Thủ Thừa người ta không còn lạ việc người xuất gia tu hành như thầy Minh, thầy Tâm mặc áo nâu sồng, cổ đeo tràng hạt, vai mang túi vải đi họp phụ huynh, đóng học phí, đi xin chuyển trường chuyển lớp cho HS hết lượt này đến lượt khác. Người ta cũng không còn lấy làm lạ khi thấy hai nhà sư đã xuất gia vẫn đứng trước máy vi tính giảng về Pascal, Excel, Winword... cho HS, cán bộ nhà nước và cả giáo viên.

MINH LUẬN - LÊ HỒNG CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên