16/11/2004 12:03 GMT+7

Nghìn năm di sản chữ Nôm

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Lần đầu tiên, một Hội thảo quốc tế về chữ Nôm được tổ chức tại VN do hai đơn vị tổ chức: Viện nghiên cứu Hán Nôm VN và Hội bảo tồn di sản chữ Nôm, Hoa Kỳ.

77RO2HLZ.jpgPhóng to

Ông Cung Tích Lược đang giới thiệu quyển Gia huấn ca chữ Nôm Tày

Các tham luận tập trung vào việc đánh giá kho tàng văn học chữ Nôm của dân tộc kết tập từ ngàn năm nay, và nhiều phương hướng bảo tồn cũng được đặt ra...

Chữ Nôm và thế giới

Ông tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn cho biết hiện nay nhóm Nôm Na của ông tại Hà Nội đang tập trung viết bộ font chữ Nôm chuẩn hóa trên toàn thế giới, để có thể sử dụng trên các trình duyệt web và phổ biến trên mạng Internet. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Và trong tham luận của phòng quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT cho biết hiện nay kho tàng tư liệu chữ Nôm VN còn rất nhiều trên thế giới. Cụ thể là ở tại tòa Thánh Vatican ở Roma còn một bộ kinh Giatô, bốn thư viện lớn của Nhật Bản cũng lưu giữ rất nhiều tư liệu chữ Nôm.

Tại các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Thái Lan cũng còn rất nhiều tư liệu chữ Nôm. Điều đặc biệt là tại Anh còn giữ khỏang 50 bổn tuồng cổ của VN bằng chữ Nôm, Thái Lan còn rất nhiều sách về đạo Phật viết bằng chữ Nôm.

Ông Nguyễn Khắc Bảo - hội viên Hội viên hội ngôn ngữ Học VN cho rằng chỉ có chữ Nôm là văn tự duy nhất do người Việt sáng tạo nên có khả năng ghi lại được chính xác và đầy đủ vốn ngôn ngữ dân tộc.

ARJIttvu.jpgPhóng to
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đang xem quyển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa tại hội thảo chữ Nôm
Điều này thể hiện rõ ở kho tàng chữ Nôm còn giữ được trong nước rất đồ sộ và quý giá. Hội thảo lần này đã hết sức bất ngờ khi nghe ông phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Đức Thọ kể lại quá trình tìm kiếm niên đại ra đời của quyển sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - một bộ từ điển Hán Nôm cổ xưa nhất mà giới học thuật nước nhà lâu nay chưa biết đích thực niên đại ra đời.

Nếu tính từ khi bản chữ Nôm đầu tiên phát hiện tại VN là bản văn bia khắc trên quả chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn) năm 1076 - đời Lý, thế kỷ XI, đến nay chữ Nôm đã có ngót nghìn năm tồn tại trên đất nước này.

Kho tàng thư tịch chữ Nôm cũng có tầm quy mô đáng kể cả về số lượng và mức quan trọng của văn bản. Hiện nay Viện nghiên cứu Hán Nôm còn giữ 5038 đầu sách chữ Nôm, kho sách Hán Nôm của thư viện quốc gia còn giữ 5202 cuốn, trong đó có 910 cuốn là sách chép tay.

Đỉnh cao của nền văn học chữ Nôm nước nhà phải kể đến bản "Kim Vân Kiều tân truyện" của Nguyễn Du. Hội thảo đã dành ra một phiên họp để bàn riêng nội dung văn bản truyện Kiều, và vẫn còn rất nhiều ý kiến chưa đồng nhất ở các nhà nghiên cứu truyện Kiều.

Tuy nhiên, chỉ nội số bản Kiều Nôm ông Nguyễn Khắc Bảo sở hữu được đã là 41 quyển - một con số đáng kinh ngạc về việc "phiên bản" Truyện Kiều và điều này hẳn gây rối rắm không ít cho những người đời sau muốn nghiên cứu tuyệt tác của Nguyễn Du.

Còn một kho tàng rất lớn những tác phẩm, thư tịch, tư liệu chữ nôm nằm rải rác trong dân gian. Tư liệu ở đây lưu tồn dưới dạng sách vở, ván khắc, hiện vật đá đồng, hoành phi liễn đối tại các đền chùa miếu mạo... chưa thống kê được.

"Số hóa" chữ Nôm, bao giờ?

Bên cạnh việc nhiều người "ăn nên làm ra" từ chữ Nôm, cũng phải thừa nhận rằng công tác bảo tồn vẫn chưa toàn diện. Bằng chứng là đến nay ta vẫn chưa số hóa được toàn bộ kho tư liệu chữ Nôm để bảo quản và khai thác trong điều kiện hiện đại.

Đến những năm đầu thế kỷ XXI này, Hội bảo tồn di sản chữ Nôm của Hoa Kỳ và Nhóm Nôm Na tại VN mới đang mày mò viết bộ font chuẩn cho chữ Nôm. Việc dẫu muộn nhưng có còn hơn không. Chỉ buồn là chuyện "đại sự" đang được tiến hành ở những người tâm huyết với nhau thôi, chứ Nhà nước không làm.

Theo Hội bảo tồn di sản chữ Nôm thì hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 100 người đọc thông viết thạo chữ Nôm, trong khi có đến 90% thư tịch chữ Nôm chưa từng được dịch sang quốc ngữ. Đây là một nguy cơ rất cao về khả năng mai một những thư tịch chữ Nôm. Trong khi ngay tại VN, các khóa Hán Nôm trong trường đại học cũng rất ít người theo học và số người theo chuyên ngành Nôm trong khoa Hán Nôm còn ít hơn.

Cục di sản - bộ VHTT đặt vấn đề nên xây dựng các lọai từ điển chữ Nôm, đào tạo cán bộ chuyên ngành biết sử dụng chữ Nôm và tích cực giới thiệu chữ Nôm trên các hiện vật bảo tàng cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa liên quan đến vấn đề bảo tồn chữ Nôm. Tuy nhiên, ý tưởng là như thế, nhưng ai làm, làm như thế nào cho có hiệu quả, thì cũng còn mông lung lắm.

Còn một vấn đề quan trọng nữa là kho tàng chữ Nôm trong các dân tộc anh em cũng rất quý giá và quan trọng. Tại hội thảo lần này, ông Cung Tích Lược có trình bày những nghiên cứu về quyển sách Gia huấn ca của người Tày viết bằng hệ thống chữ Nôm Tày rất đặc biệt và theo ông là rất có giá trị về văn học và cả tư tưởng tác phẩm trong cộng đồng người Tày.

Những tư liệu loại này cũng chưa được thống kê và bảo quản hết. Viện nghiên cứu Hán Nôm đang có ý tưởng sẽ xây dựng kho cơ sở dữ liệu Hán Nôm số hóa để bảo quản tất cả thư tịch chữ Nôm dưới dạng kỹ thuật số.

Hy vọng sau lần Hội thảo đầu tiên này, những chuyên gia chữ Nôm sẽ có nhiều ý tưởng hơn cho việc bảo tồn một vốn quý di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của VN.

* Giáo sư Mỹ John Balaban: "Như nghe thấy tiếng cười của Hồ Xuân Hương..."* Triển lãm di sản chữ Nôm

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên