Cây rừng hấp thụ khí cacbon từ khí quyển, nhưng khi khu rừng bị chặt phá, lượng khí thải này sẽ quay trở lại khí quyển góp phần thay đổi khí hậu. Hơn một nửa rừng nhiệt đới trên thế giới hiện đã được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, khai thác gỗ hoặc bị đốt cháy, vì vậy điều quan trọng là con người cần nhận thức phải mất bao lâu để rừng thứ sinh hấp thụ một lượng cácbon tương tự khi tái trồng rừng.
Các nhà khoa học đã phân tích 74 nghiên cứu tại hơn 600 địa điểm trên khắp các vùng nhiệt đới. Kết quả cho thấy rằng, ngay cả sau khoảng thời gian 80 năm, tổng hàm lượng cacbon rừng thứ sinh hấp thụ chỉ bằng khoảng 80% so với rừng nguyên sinh. Các nhà nghiên cứu cho biết, có thể mất đến 200 năm cho rừng tái sinh để đạt được các giá trị ngang bằng với rừng nguyên sinh.
Đa dạng sinh học của một khu rừng thậm chí phục hồi chậm hơn so với lượng cacbon hấp thụ. Số lượng các loài cây của rừng thứ sinh dường như đạt đến cấp độ trước đó của rừng nhiệt đới sau khoảng nửa thế kỷ, nhưng các loài thực vật khác như thực vật biểu sinh - những loài thực vật mọc trên cây có sự phục hồi chậm hơn nhiều. Các tác giả nghiên cứu ước tính có thể mất 150 năm hoặc thậm chí lâu hơn để đa dạng sinh học của rừng thứ sinh tương đương với rừng nguyên sinh. Thậm chí có thể là đa dạng sinh học sẽ không bao giờ phục hồi tại các khu rừng thứ sinh. Rừng thứ sinh thường bị cô lập bởi các khu đất nông nghiệp xung quanh, do đó những hạt giống của các loài thực vật đặc biệt có thể không bao giờ xâm nhập được vào các khu rừng thứ sinh này.
Trong một số trường hợp, con người có thể trồng các loài cây rừng ở những nơi khác sau đó trồng lại các cây này trong rừng thứ sinh. Giải pháp khác có thể là trồng cây rừng trong phạm vi đất nông nghiệp để làm bàn đạp cho các loài chim và động vật khác di chuyển giữa những vùng rừng, phân phát hạt giống và trái cây tạo điều kiện khôi phục tính đa dạng sinh học của rừng thứ sinh.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận