Phóng to |
Trung tâm công nghệ cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với những máy móc hiện đại, vừa là nơi nghiên cứu, sáng chế của các thầy cô giáo vừa là nơi giảng dạy cho sinh viên. Trong ảnh: Thầy Trần Minh Thế Uyên (áo trắng) - giảng viên Trung tâm công nghệ cao - hướng dẫn sinh viên sử dụng máy tiện 6 trục MaxxTurn 65 trị giá 9 tỉ đồng của trường - Ảnh: Thuận Thắng |
Với quyết định không tuyển người có bằng tại chức vào bộ máy chính quyền, TP Đà Nẵng đã bắn một phát súng cảnh cáo nền giáo dục Việt Nam. Tuyển lựa nhân viên là quyền của người dùng, công sở cũng như doanh nghiệp. Nếu người Việt không dùng hàng Việt, chớ vội trách dân ta không yêu nước. Điều đáng bàn là nền giáo dục nước ta từ mầm non, mẫu giáo tới đại học và sau đại học hết thảy đều tựa như mắc lỗi với những bậc phụ huynh mong ngóng con cháu mình được học thành tài. Người mắc lỗi cũng là những giảng viên đại học, vì dường như đã không thể cung cấp một dịch vụ đào tạo xứng đáng với mong đợi của những sinh viên trẻ tuổi.
Sự thật ấy có nguồn cơn từ sức ép phải có một thu nhập đủ để nuôi gia đình trong một tình trạng tương đối tươm tất. Đứng trước những người học ngày càng khá giả, nếu thầy cô giáo là những người nghèo túng, xin tha lỗi không thể nhân danh mọi lý tưởng xa xôi, sự tự tin và chính danh của người dạy trở nên hết sức mong manh.
Vì sức ép ấy, hành trình quen thuộc của những người thầy là bươn chải giữa kẹt xe trên đường phố, từ lớp nọ chuyển tới lớp kia trong triền miên ngày tháng. Dạy học không chỉ là đứng lớp, một giờ giảng tốt trên lớp thường cần tới hàng chục giờ chuẩn bị bài giảng, sưu tầm tư liệu, theo dõi lớp, chấm bài ở nhà. Không có trợ giảng, người thầy ở Việt Nam phải làm tất cả mọi công đoạn cần cho một môn học, từ chuẩn bị đề cương tới ký vào tờ điểm thi cuối cùng và giải quyết thắc mắc của sinh viên.
Trong một thế giới đầy ắp thông tin, trước những người học ngày càng hiểu biết và có quyền yêu cầu chất lượng cao hơn, đứng trước nguy cơ mọi giờ giảng đều có thể bị ghi âm, quay hình và đưa lên mạng bất cứ lúc nào, nghề giáo đã trở thành nghề đầy áp lực tựa như mọi nghề khác trên đời này. Bên cạnh những cuộc tôn vinh ầm ĩ, xin hãy dành cho nghề giáo trước hết là sự cảm thông, chia sẻ.
Ở đâu những người thầy - nhà nghiên cứu?
“Không muốn rơi vào ảo vọng, trong bối cảnh khá chật chội về quỹ thời gian và tiền bạc dành cho nghiên cứu hiện nay, tôi cho rằng giảng viên đại học ngày nay vẫn có thể tổ chức nghiên cứu ở quy mô rất khiêm tốn, tựa như duy trì một ngọn lửa nhỏ, nhẫn nại và dai dẳng, ngày qua ngày tìm kiếm những cái mới để nuôi dưỡng tinh thần vui mà giữ lấy nghề. Muốn làm được điều ấy, mỗi người một cách, người thầy phải tìm những đối sách phù hợp để lo liệu việc nghiên cứu nhằm cứu mình trước nguy cơ trở nên lạc hậu trong thế giới biến đổi nhanh này”. |
Thứ nhất, tận dụng hiệu quả ngân sách mà nhà trường cho phép. Hằng năm trường đại học nào cũng có những khoản ngân sách, dù có thể còn khiêm tốn, cho hoạt động nghiên cứu. Một đề tài, tùy theo cấp quản lý, có thể được cấp từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Học vị và chức tước càng cao thì cơ may nhận được dự án hoặc chuyên đề nghiên cứu càng lớn.
Với thầy cô giáo trẻ tuổi, nên tận dụng mọi cơ hội đăng ký những đề tài dù là nhỏ nhất, kinh phí nên chắt chiu đủ để hoàn thành một bài báo cho tới tham gia cộng tác trong những đề tài lớn. Qua năm tháng, giảng viên sẽ tích lũy được kinh nghiệm chọn lĩnh vực nghiên cứu, cách thức tổ chức nghiên cứu, cách tận dụng kinh phí eo hẹp để “thâm canh tăng vụ” tận thu từng kết quả nghiên cứu, tạo nên thế mạnh cá nhân.
Thứ hai, chấp nhận và vượt qua những khó chịu về thủ tục hành chính trong nghiên cứu. Có được một chút kinh phí đã khó, tiêu được nguồn tiền ấy một cách hợp thức đôi khi càng khó hơn. Đôi khi người ta buộc phải kê khai những khoản chi tương đối lắt léo để tuân thủ đúng các quy định khá cứng nhắc về quản lý ngân sách nghiên cứu. Tiểu xảo này thường vướng vì tự ái của người làm nghề chữ nghĩa.
Thông thường, nhân viên các phòng kế toán và tài vụ có nghề hơn các giáo sư trong việc nghĩ ra cách chi tiêu tuân thủ quy định về tài chính nên có thể dự liệu một phần trong kinh phí của đề tài để ủy quyền cho chính các nhân viên này, đưa việc giải ngân và quyết toán trở thành một phần riêng, có người chuyên nghiệp lo, người thầy chỉ lo việc tổ chức nghiên cứu.
Thứ ba, tận dụng cơ hội tham gia các hội thảo chuyên ngành. Một tuần đọc sách không bằng một giờ gặp gỡ và nghe đồng nghiệp chia sẻ thông tin. Dù đã có lời chê rằng trong giới học giả đã xuất hiện những giáo sư phòng khách, làm nghề đi dự hội thảo, song với giảng viên và người nghiên cứu trẻ, hội thảo là một cơ hội thú vị để thu thập kiến thức, thông tin, làm quen và thiết lập các mối quan hệ cần cho việc nghiên cứu. Nếu có cơ hội, nên tham gia hội thảo một cách chủ động với những câu hỏi được chuẩn bị trước.
Thứ tư, đừng xấu hổ, hãy học ngay học trò của mình. Người ta đang chê bai ầm ĩ chất lượng của hệ đại học tại chức, song nếu khéo léo tổ chức, người thầy có thể học được rất nhiều từ những học sinh tại chức với kho kinh nghiệm thực tiễn đa dạng của họ. Nếu thiết kế chương trình giảng gồm những phần giới thiệu của giảng viên và những chùm đề tài tự nghiên cứu từ thực tiễn của học viên, trong vai một người nghe tích cực, điều đáng ngạc nhiên là người thầy có thể học được rất nhiều từ trò của mình. Điều này đúng với mọi đối tượng học viên, kể cả những người trẻ tuổi vừa mới bước vào trường đại học. Những góc nhìn của họ về cuộc đời và đạo làm người đôi khi như những gáo nước lạnh làm tỉnh giấc những thế hệ cha anh vốn bắt đầu quen sống theo những quán tính dần trở thành cũ và thân thuộc của mình.
Thứ năm, xuất bản hay là chết. Câu này tôi vay từ giới nghiên cứu ở Mỹ, khi họ thường đùa “publish or perish”. Bắt đầu bởi những chủ đề nhỏ và chuyên sâu, những thầy cô giáo trẻ tuổi phải tập có tiếng nói trên văn đàn khoa học, dù từ những góc nhìn thuở ban đầu còn hạn hẹp và chưa thể nhuần nhuyễn. Phải bắt đầu công bố nghiên cứu của mình, dù bằng cách đọc tham luận tại hội thảo nhỏ, hay gửi đăng tác phẩm trong tạp chí của nhà trường, của hiệp hội chuyên ngành cho tới các tạp chí có phạm vi rộng hơn. Trước khi gửi bài nghiên cứu để công bố nên đọc kỹ các thể lệ gửi bài, nếu có thể nên tham khảo ý kiến của ban biên tập. Đừng nản chí, sau khi có bài nghiên cứu chắc chắn sẽ có những diễn đàn phù hợp để công bố ý tưởng của người nghiên cứu. Cuộc đời này ồn ào, song đều có những không gian và giây phút tĩnh lặng lắng nghe dành cho tất cả.
Thứ sáu, hãy là chính bạn. Đạo đức nghiên cứu đang là một chủ đề phiền toái hiện nay khi đạo văn là một thói xấu chưa bị lên án đủ mạnh. Người thầy tựa như nghệ sĩ, tác phẩm của họ là khuyến khích sự tự học của những cá thể người học vốn hàng triệu người chẳng ai giống ai. Tác phẩm nghiên cứu phải thể hiện công sức lao động, danh dự và nhân cách hết sức cá biệt, riêng tư của người nghiên cứu. Ý thức được điều ấy, người thầy tự tạo cho mình những chuẩn mực, những thước đo, những thang giá trị và tiến hành nghiên cứu với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cực kỳ cao. Theo tôi, đó cũng nên là một phần của chủ trương tự chủ đại học mà nền giáo dục của nước ta đang hướng tới.
“Không có bánh mì, không có triết học”
Dường như vĩ nhân Karl Marx từng nói “không có bánh mì, không có triết học”. Để giữ thăng bằng trong cuộc đời thời hiện đại, chung sống với áp lực của triền miên các giờ giảng và nỗi lo đến lớp với kiến thức ngày càng cũ dần, nghiên cứu trở thành một thách thức liên tục; triết học thành điều kiện để duy trì bánh mì đối với người làm nghề giáo. Thầy dám nghĩ thì trò mới ưa khám phá, như mầm cây nhích dần từng li thoát khỏi vỏ hạt. Hi vọng thời của những đại học độc lập nghiên cứu mau đến với dân tộc chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận