27/04/2014 02:01 GMT+7

Nghịch lý bóng bàn Việt Nam

VŨ QUANG - HUY ĐĂNG
VŨ QUANG - HUY ĐĂNG

TT - Trong hai ngày 26 và 27-4, người hâm mộ bóng bàn TP.HCM có cơ hội gặp lại những người hùng một thời của làng banh nhựa VN tại CLB bóng bàn Hoa Lư trong một giải đấu giao hữu giữa các tay vợt miền Bắc và Nam.

Các cựu danh thủ như Vũ Mạnh Cường, Mai Văn Minh... đã chỉ đạo học trò thi đấu ở CLB bóng bàn Hoa Lư trong giải đấu này.

Khoảng cách mênh mông

Chắc chắn người hâm mộ bóng bàn VN không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến hình ảnh những người hùng vang bóng một thời. Bởi đơn giản, khoảng cách giữa các thế hệ xưa và nay ấy là quá xa vời. Nếu như bóng bàn VN một thời vang danh đến tầm thế giới với những tên tuổi huyền thoại như Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết... những thập niên 1950-1960, rồi vẫn giữ được những nét son đáng nhớ khi truyền đến thế hệ đàn con, đàn cháu nhiều năm sau như chính Vũ Mạnh Cường hoặc Đoàn Kiến Quốc, thì đến thời điểm hiện tại thành tích bóng bàn VN gần như là con số không.

Thật vậy, kể từ sau Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh hay Đinh Quang Linh, những tay vợt gần nhất giúp VN gặt hái vinh quang ở đấu trường quốc tế, bóng bàn VN gần như không còn sản sinh những VĐV xuất sắc nữa. Những cái tên xuất sắc nhất trong làng bóng bàn nam VN hiện tại như Lê Tiến Đạt, Đào Duy Hoàng... thua kém khá xa so với các thế hệ đàn anh. Bóng bàn nữ còn bi đát hơn khi Mai Hoàng Mỹ Trang dù chưa thật sự nổi bật trong tầm khu vực hiện cũng không có đàn em kế thừa xứng đáng.

Điều đó lý giải việc kể từ sau năm 2009, bóng bàn VN không kiếm nổi một tấm HCV nào ở “ao làng” SEA Games. Sự chênh lệch một trời một vực đó phải chăng là bởi môn banh nhựa đã không còn được ưa chuộng ở VN?

Chắn chắn là không phải. Càng về sau, phong trào chơi bóng bàn ở VN ngày càng phát triển. Cứ nhìn vào giải đấu giao hữu Bắc - Nam đang diễn ra ở CLB Hoa Lư sẽ thấy. Dù chỉ là một giải giao hữu với vỏn vẹn 18 trận, vẫn có cả ngàn lượt người xem kéo đến CLB bóng bàn Hoa Lư, vốn không có khán đài dành cho khán giả. Những người làm công tác bóng bàn hiện tại như ông Nguyễn Trọng Trúc (tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM) hay ông Vương Ngọc Sơn (trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM) đều phải thừa nhận một điều là ngày càng nhiều phụ huynh đưa con em đi học chơi bóng bàn ở các CLB. Nhưng cũng gần như chừng ấy người lắc đầu trước câu hỏi liệu có sẵn sàng cho con em mình theo nghiệp VĐV không.

Nghịch lý giữa phong trào với đỉnh cao

Sự đi xuống của bóng bàn VN cộng hưởng từ nhiều yếu tố bất cập. Đầu tiên phải nói đến cái “nghề” VĐV bóng bàn không đủ sức hấp dẫn để các gia đình cho con em đi theo vì lương thấp, giải thưởng ít, chế độ không tốt... Rất nhiều tài năng trẻ đã “đứt gánh” duyên nợ với bóng bàn để lo cho cuộc mưu sinh. Đa số trẻ em chỉ tập bóng bàn để giải trí, “mua” mồ hôi chứ không muốn trở thành VĐV chuyên nghiệp.

Tài năng đã ít lại bị lãng phí bởi công tác đào tạo trẻ yếu kém, xuất phát từ việc thiếu HLV giỏi. Chỉ một vài HLV như Lê Huy, Nguyễn Nam Hải... được học ở nước ngoài, còn lại gần như chỉ truyền lại cho học trò kinh nghiệm thực tế của mình. Rồi đến những bất cập trong quản lý, thiếu chiến lược khoa học từ Liên đoàn Bóng bàn VN và vai trò quản lý của bộ môn thuộc Tổng cục TDTT. Từ lâu, chuyện “quân anh - quân tôi”, tính cục bộ địa phương, lo chăm quân mình chứ không lo cho VĐV ở các tuyến trẻ và đội tuyển... nhiều lần bị báo chí lên tiếng. Điển hình như cuộc tranh cãi về suất đi Myanmar trước thềm SEA Games 2013 làm xấu hình ảnh VĐV bóng bàn.

Công tác tổ chức giải thì yếu kém và bất cập với những câu chuyện cười ra nước mắt. Giải VĐQG 2012 tại Đà Nẵng, các VĐV phải thi đấu trên ba loại bàn khác nhau do địa phương không có đủ bàn. Rồi Giải đội mạnh toàn quốc 2013 tại Cần Thơ, bàn thi đấu rung bần bật, lưới bị chùng xuống nhưng các VĐV vẫn phải thi đấu. Hay một phen cãi nhau ỏm tỏi nổ ra ở Giải VĐQG 2013 tại Lâm Đồng khi chân của bàn đấu diễn ra trận chung kết rung rinh không vững...

Chưa kể, sự nghèo nàn của hệ thống các giải đấu cũng là nguyên nhân khiến bóng bàn sa sút. Ông Nguyễn Trọng Trúc giải thích: “Nhiều năm trước đây, người chơi bóng bàn ở TP.HCM được tham gia hệ thống các giải đấu hạng A1, A2, B... do nước nhà tổ chức. Ở những giải đấu này họ phải cạnh tranh khốc liệt để kiếm từng điểm số, rồi có thể lên hoặc xuống hạng tùy theo thành tích. Điều này tạo nên một bầu không khí cạnh tranh thú vị cho bóng bàn, lôi kéo các tay vợt phong trào và kích thích những VĐV đỉnh cao. Khi hệ thống các giải đấu này được thay thế bởi chỉ duy nhất Giải vô địch bóng bàn TP.HCM diễn ra hằng năm, bầu không khí sôi nổi của các tay vợt chuyên nghiệp cũng giảm dần”.

Bây giờ người ta thấy những giải đấu phong trào như hệ thống các giải do diễn đàn bongban.org tổ chức hoặc giải đấu giao hữu đang diễn ra ở CLB Hoa Lư, thậm chí còn đông khán giả hơn cả các Giải vô địch toàn quốc, vô địch TP...

Đó thật sự là một câu hỏi lớn cho những người đóng vai trò lãnh đạo, gồm Liên đoàn Bóng bàn VN và bộ môn thuộc Tổng cục TDTT. Bóng bàn vẫn tràn trề sức sống tại VN, nhưng tại sao vẫn không thể “ngóc đầu” ở sân chơi quốc tế, thậm chí chỉ là khu vực?

VŨ QUANG - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên