26/07/2004 10:29 GMT+7

Nghĩa khí Việt Nam trong Nguyễn Tuân

NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ (Theo Văn Nghệ)
NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ (Theo Văn Nghệ)

Tinh thần dân tộc - huyệt thần kinh nhạy cảm nhất của Nguyễn Tuân - mang ánh sắc và sự nhạy cảm riêng hướng về văn hóa, hòa quyện với văn hóa, từ văn hóa mà tỏ bày mọi cảm phẫn, đam mê của mình; có thể gọi đó là nghĩa khí công dân, nghĩa khí Việt.

nPHPkMHr.jpgPhóng to
Nguyễn Tuân
Tinh thần dân tộc - huyệt thần kinh nhạy cảm nhất của Nguyễn Tuân - mang ánh sắc và sự nhạy cảm riêng hướng về văn hóa, hòa quyện với văn hóa, từ văn hóa mà tỏ bày mọi cảm phẫn, đam mê của mình; có thể gọi đó là nghĩa khí công dân, nghĩa khí Việt.

Trong tùy bút Nguyễn Tuân, nghĩa khí công dân này sáng lên ở rất nhiều sắc độ, trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau Cách mạng.

Sự gắn bó với quê hương đất nước

Tâm sự yêu nước bộc lộ từ rất sớm, trong những trang viết đầu tiên của Nguyễn Tuân. Khi Chơi thành Cổ Loa (1932)- lúc này chỉ còn là một đống đất cao độ hơn hai thước tây, xa trông có thể nhầm với khúc đê bị vỡ - nhà văn khi ấy mới hăm hai tuổi đã ngậm ngùi "biết quay về phương nao mà gọi hồn thiên cổ".

Sau này, khi đất nước bị cắt chia, ông hy vọng vào Nam sẽ được "no nê nhiều nữa về sông vàm kênh rạch", ra Bắc sẽ được "chiêu đãi cung cấp suốt bốn mùa là mây cao ngũ sắc và núi dựng thành xanh" (Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy). Ông "nhớ vô hạn đến cái hơi thu đè trên những mái lâu đài của các thành thị đất Bắc".

Ông nghĩ đến câu Kiều "Khi hỏi về liễu Chương Đài..." và trách móc: "Đã có những nhà văn VN nào đem được cây ta vào sách để bóng cây sóng với bóng nhân vật" (Cây Hà Nội).

Ông không chịu nổi một cái tên Tây đặt cho sông ta, và giọng văn lời văn của ông như nổi đóa với cái chữ "láo xếu" nọ xúc phạm đến thiên nhiên đất nước mình: "Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra mà đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây lếu láo, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ hai chữ" (Người lái đò trên sông Đà).

Ông hình dung Tổ quốc còn như một bàn chân đang đạp tới ở biên giới Nam với mũi Cà Mau như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm mà ông có một cảm giác xót xa da thịt "mỗi lần đà chân mình đưa mình lên cầu Hiền Lương không qua được, là thấy chân mình đang ươm ướm vào cái bàn chân bị thương của Tổ Quốc (...) như mình vừa vấp mố cầu (...) bật máu tươi" (Cầu ma).

Một thái độ văn hóa công dân đầy trách nhiệm

Với thiên nhiên địa lý của tổ quốc, Nguyễn Tuân còn gắn bó như thế, tất nhiên với quê hương đất nước trải qua bao thử thách xoay vần khắc nghiệt của lịch sử, nhà văn càng tha thiết gửi gắm nỗi lòng, thể hiện một thái độ văn hóa công dân ngày càng có trách nhiệm hơn với tổ quốc mình.

Ông buồn bực trước cái buổi Tây Tàu nhố nhăng làm bạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu hao mất bao nhiêu giá trị tinh thần (Phong vị tỉnh xép).

Ông tự thống trách mình đã buông mình vào cảnh "ăn ở với ả Phiền", để nên nỗi "vì nàng, tôi đã hy sinh bao nhiêu là thứ tình thiêng liêng. Tình vợ, tình bạn...tình của một công dân trai tráng đối với đất nước giữa những giờ trọng đại" (Ngọn đèn dầu lạc).

Nguyễn rất nhạy cảm trước cái Đẹp của nhạc điệu thơ, nhưng càng nhạy cảm hơn với trách nhiệm trước số phận cộng đồng: "Ngồi thẩm âm mấy lời nhẹ nhàng, đi sâu vào lòng như tiếng đàn ma luyện, tôi vẫn thấy không đoạn tuyệt được với thú nghe bình làm thơ. Nhưng ở vào phút nghiêm trọng này của một thế hệ, tôi muốn người ta ngồi lên yên con ngựa chiến ô lĩnh".

Tâm sự ấy sau đó mấy năm đã khiến nhà văn chủ động hăm hở dấn thân - "mình cưỡi lên mình mà trườn qua núi sông đẫm màu thuốc súng", suốt từ chiến trường Nam trung bộ, những con đường lưu diễn khu Bốn, những ngả đường đi theo các chiến dịch Việt Bắc...

Nguyễn Tuân nhạy cảm và gắn bó với phong tục, màu sắc, ca nhạc dân tộc và nhiều vùng văn hóa đặc trưng của đất nước - những Hà Nội, Tây Bắc, Huế, Cà Mau...nhiều trang tùy bút Nguyễn Tuân còn trao ta năng lực và niềm vui thưởng ngoạn thiên nhiên trước những thắng cảnh kỳ thú, những di tích lịch sử, những nét đặc sắc của mỗi vùng đất nước.

Cuối năm nơi đất khách, ông nhớ mùi khói củi đun bánh chưng ngày Tết, thấy thiếu mất những phong vị êm dịu của quê hương là "một sự bất hạnh lớn trong đời người An Nam".

Ông cảm phục công phu tìm tòi của tiền nhân đã sáng tạo được trên tranh tố nữ dân gian "một thứ màu đen rất Việt Nam...không pha bằng thuốc khoáng chất mà lại luyện bằng bột than của những chất liệu gợi nhắc thiết tha đến đồng quê đất nước: than của rơm nếp, than của cói chiếu và than của lá tre mùa thu rụng lá".

Ông say mê những làn điệu dân gian trên sông nước Thừa Thiên, dừng lại giữa núi rừng hiểm trở Tây Bắc để lượm lặt những bài dân ca địa phương. Trong tâm tưởng của Nguyễn Tuân, Hà Nội đâu chỉ là nơi đầu não chính trị, kinh tế; mà còn là đất thiêng, là cái đại tập thành của cả đất nước tú khí non sông tụ lại.

Nguyễn Tuân cảm phẫn đến mức rên trước cái dư vị chính trị dữ dội của đoản thiên Ngô Tất Tố; cũng như Nguyễn Tuân tin rằng cái "tiếng u hoài Tú Xương gọi đò trên sông lấp" sẽ còn "vang hưởng ..trong lòng những người VN của năm 2000, của năm hai nghìn lẻ mấy chục chi đó" mai sau. Chính cái âm vang dân tộc đó đã tạo nên không chỉ trong những trang tùy bút Nguyễn Tuân , mà trong toàn bộ hoạt động nghệ thuật của ông một nét sâu đằm của phong vị rất dân tộc.

Hòa nhập và dấn thân với thái độ dũng cảm

Nguyễn Tuân đặc biệt rất nhạy cảm khi những vẻ đẹp lưu giữ hồn dân tộc bị giày xéo. Ông căm phẫn mãnh liệt khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội, Khâm Thiên, ông gọi đó là hàng động B52 vào tiếng hát ả đào. Giữa bom đạn ác liệt, Nguyễn Tuân đã ở lại Hà Nội, dù mọi người khuyên ông nhiều tuổi, bệnh hoài, nên đi sơ tán.

Ông tâm sự với Mai Văn Tạo bằng một giọng trầm trầm cương quyết: "Tôi thấy tôi đúng. Mình là người viết văn, nhà văn Việt Nam. Trong khi Thủ Đô - trái tim của cả nước - lâm nguy mà bỏ Hà Nội mình đi, thì còn viết cái gì, mình còn ra gì nữa ông?".

Nguyễn Tuân đã đánh bọn xâm lược, cả thực dân Pháp trước kia, và nhất là đế quốc Mỹ sau này những đòn đích đáng, qua những Đường vui, Tình chiến dịch, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.

Đất nước chia đôi, nhà văn canh cánh suốt nhiều năm đề tài Sông Tuyến. Ông đau xót, phẫn uất "cầu nguyện cho khắp các dòng chảy trên lục địa, không một cửa sông ngọn nguồn nào phải có một cây cầu - bàn mổ, một cái cầu - bù nhìn, một cái cầu giả vờ như cái cầu ở vĩ tuyến 17 giữa quê hương tôi". Đứng bên này cầu Hiền Lương, ông "thấy nhớ Huế quá... Thấy nhớ Huế, nhớ những cây sầu đông bờ sông Hương quá... Tổ quốc bị cắt làm hai mảnh, máu tươi vết thương ấy đang chảy trong tôi" (Con sông tuyến Hiền Lương).

Trên hành trình giải tỏa đầu hào hùng của một công dân - trí thức - nghệ sĩ muốn đóng góp cho đất nước, Nguyễn Tuân ngày càng hòa nhập hơn với nhân dân, dấn thân tích cực hơn vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

Ông sung sướng chia sẻ với bạn bè nghệ sĩ, cũng là nao nức tự nhủ chính mình: "Trước hát cho dăm bảy kẻ nghe trong một khung cảnh ích kỷ ốm yếu. Giờ hát cho cả một quê hương đang vi vu gió mới và lồng lộng một trời cao chói lòa" (Chùa Đàn).

Đúng là ông đã nhập cuộc với thái độ một công dân yêu nước đầy nhiệt tình trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ thời đầu chống Pháp. Những nẻo đường vui của cuộc đi lớn đẹp này đã giải tỏa bao nỗi thẹn, bao điều tủi nhục uất kết trong tâm hồn nhà văn, đã kết tinh nên những trang tùy bút lung linh giàu sức sống và đậm trữ tình nhất, Nguyễn Tuân nhất.

Không chỉ nhiệt thành vun vào những trái ngọt hoa thơm trên đất nước, trách nhiệm công dân của nhà văn còn thể hiện ở nỗi buồn bực, ở thái độ dũng cảm phê phán, chỉ ra những cành sâu lá úa ở cuộc sống hôm nay trong Cây Hà Nội, Tình rừng...

Với Nguyễn Tuân, thái độ đối với thiên nhiên đã thành vấn đề đạo đức, vấn đề nhân phẩm, thành thước đo trình độ văn hóa của con người, của xã hội.

Hai mươi năm có lẽ rồi mà những điều nhà văn bức bối vẫn là thời sự. Càng thấy ngòi bút nhà văn thể hiện một nghĩa khí công dân mạnh mẽ trong cái nhìn phê phán sáng suốt từ rất sớm.

NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ (Theo Văn Nghệ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên