15/09/2009 10:07 GMT+7

Nghỉ việc trong thời gian thử việc, có được trả lương?

Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN(Văn phòng luật sư Tuyên & Associates)
Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN(Văn phòng luật sư Tuyên & Associates)

TTO - * Người lao động đang trong thời gian thử việc mà tự ý nghỉ việc (không nộp đơn thông báo nghỉ việc) thì có được người sử dụng lao động trả lương cho những ngày đã làm việc không?

Công ty lấy lý do hai bên thỏa thuận thử việc 1 tháng mà người lao động không thực hiện đúng thời gian như đã thỏa thuận nên không chi trả lương người lao động cho những ngày đã thử việc tại công ty. Ðiều này có vi phạm luật lao động Việt Nam hiện hành?

(Chu Cong Chinh)

- Ðiều 32 Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung (BLLÐ) quy định: “Người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền, nghĩa vụ của hai bên. Tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với các lao động khác.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải nhận NLĐ vào làm việc chính thức như đã thỏa thuận”.

Theo quy định trên, trong thời gian thử việc, NSDLĐ và/hoặc NLĐ có quyền hủy bỏ việc làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Tuy nhiên, NSDLĐ phải có nghĩa vụ trả cho NLĐ tiền lương của thời gian đã làm việc với mức lương thử việc như đã thỏa thuận.

Việc công ty lấy lý do “hai bên thỏa thuận thử việc một tháng mà NLĐ không thực hiện đúng thời gian như đã thỏa thuận nên không chi trả lương cho NLĐ cho những ngày đã thử việc tại công ty” là trái với quy định của pháp luật lao động.

NLĐ có quyền yêu cầu công ty trả tiền lương cho thời gian thử việc của mình hoặc gửi đơn đến Hội đồng hòa giải cơ sở tại công ty hoặc hòa giải viên lao động Quận/Huyện nơi công ty đặt trụ sở chính để giải quyết. Nếu công ty không giải quyết, NLĐ có quyền gửi đơn đến tòa án (cấp huyện) nơi công ty có trụ sở để yêu cầu tòa án buộc công ty phải trả tiền lương cho NLĐ.

Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN(Văn phòng luật sư Tuyên & Associates)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên