Đó là bài dẫn một chương trình đêm nhạc dành tặng những chiến sĩ, những người con đất Việt đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ Tổ quốc. Không hiểu sao qua đề tài ấy, hình ảnh các chiến sĩ làm nhiệm vụ trong những đêm đông lạnh lại hiện rõ trong tâm trí tôi hơn bao giờ hết.
Phóng to |
Dòng suy tư đưa tôi về với hình ảnh anh vệ quốc quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được nhà thơ Chính Hữu khắc họa với một vẻ đẹp giản dị và đầy lạc quan được nêu bật trong tình đồng chí, tình đồng đội keo sơn. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết "rừng hoang sương muối" và sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những chàng trai quả cảm và đầy tinh thần yêu nước phải chống chọi với cái buốt giá của mùa đông nơi núi rừng với "áo rách vai" và "chân không giày".
Trong gian lao, những chiến sĩ ấy vẫn chắc tay súng và "chờ giặc tới" vì các anh luôn vững niềm tin, yêu Tổ quốc và mang trong mình phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Niềm tin tưởng, niềm lạc quan ngời lên từ nụ cười: "chân không giày, miệng cười buốt giá”, cười trong gian lao thử thách và những hiểm nguy của cuộc kháng chiến trường kỳ. Niềm lạc quan ấy không chỉ được sưởi ấm bằng một con tim, một khối óc mà còn được truyền lửa qua các thế hệ người lính và giữa các chiến sĩ trong cùng thế hệ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ vẫn còn lưu giữ và nối tiếp qua các thế hệ con người Việt Nam. Và ngày hôm nay, những phẩm chất ấy lại sáng ngời khi các chiến sĩ hải quân thân yêu đang mang trọng trách vẻ vang gìn giữ nền hòa bình cho dân tộc, cho Tổ quốc Việt Nam kính yêu luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ bảo vệ quê hương, đất nước.
Lại một mùa đông đang đến, nơi Trường Sa sương gió, các chiến sĩ ta đang ngày đêm bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Bên cạnh những vất vả trong nhiệm vụ và cuộc sống thường nhật trên đảo, khi gió đông về, nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân hẳn đang dậy lên trong lòng những người lính đảo.
Tôi chưa một lần đến Trường Sa, chỉ biết nơi đó qua sách địa lý, là quần đảo cách đất liền 250 hải lý về phía đông. Một quần đảo thường xuyên đón những cơn gió mạnh, dông và bão lớn đi qua. Nhất là những ngày cuối năm, thời tiết càng diễn biến phức tạp hơn. Tôi biết đến Trường Sa qua ánh sáng của nhà giàn DK1, ngọn hải đăng bừng sáng chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nơi các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương trong phóng sự "Thắp sáng nhà giàn DK1" của báo Tuổi Trẻ.
Tôi còn biết đến Trường Sa qua gương mặt sạm đen nắng gió của chàng binh nhất Trần Minh Hậu từ đêm cầu truyền hình trực tiếp "Hát về Trường Sa thân yêu, hát về biển đảo Tổ quốc". Sau khi xem xong chương trình ấy, tôi phần nào hiểu được cuộc sống người lính hải quân.
Nhưng ấn tượng sâu sắc hơn cả là khí phách của các anh, vượt lên trên tất cả những thiếu thốn về lương thực và nguồn nước ngọt, vượt qua những cơn lốc xoáy và gió giật mạnh, khi thì rét run người với cái lạnh hay cái nóng rám da của vùng biển đảo.Và trong tất cả những khó khăn ấy, điều khó khăn nhất là các anh phải vượt qua chính bản thân mình. Giữa mênh mông chông chênh của biển khơi, sự bao la vô hạn của không gian khiến người ta cảm thấy chơi vơi và cô đơn hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, những người lính ấy đã biến niềm nhớ nhung, niềm yêu thương gia đình thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi các anh đang ngày đêm đem sự bình yên cho Tổ quốc, cho cả dân tộc, trong đó có người thân của chính các anh. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, những chàng trai không những đem đến niềm tự hào, niềm hạnh phúc cho những người thân yêu mà cả dân tộc cũng hạnh phúc nhờ sự yên bình mà các anh mang lại.
Nhằm động viên và tạo điều kiện cho các chiến sĩ nơi đảo xa sống và làm nhiệm vụ tốt hơn, cứ những độ vào đông, những chuyến tàu tết chở quà từ đất liền ra tặng lính đảo, đủ loại thức ăn từ mọi miền đất nước và đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt, những chuyến tàu ấy còn chở cả tình yêu thương, những lời động viên của đồng bào cả nước.
Cùng với những chuyến tàu tết, còn vô số những hoạt động hướng về biển đảo thân yêu có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, có cả những hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ nước nhà. Tình cờ lướt qua website của Thành đoàn TP.HCM, tôi cảm thấy tiếc khi bỏ lỡ những hoạt động sôi nổi giàu ý nghĩa "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương".
Tôi mơ ước có thể góp được phần vào những cành mai, cành đào, báo xuân, mứt tết mà các nữ sinh viên Trường đại học Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tặng các anh.Tôi mong hòa mình vào niềm vui viết bao điều ước và gửi tặng thiệp xuân cho các chiến sĩ của các bạn sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, mong được đồng hành trọn vẹn hơn với cuộc thi do Hội Sinh viên VN phát động "Sinh viên Việt Nam với biển, đảo quê hương".
Đông đang đến mang theo từng cơn gió lạnh, khi chúng ta đang rộn ràng chào đông, rồi hân hoan đón xuân bên gia đình và bè bạn, đừng quên nơi hải đảo xa xôi, trong gió rét, trong nỗi bâng khuâng nhớ nhà, xa quê, có những chiến sĩ vững tay súng ngày đêm để giữ hòa bình cho quê hương. Tuy không thể tham gia chuyến hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" trên chuyến tàu HQ 957 cùng các bạn đoàn viên thanh niên ra đảo thăm các anh, nhưng tôi luôn hướng về các anh - những anh bộ đội thân thương.
"Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi. Thương nhớ sao người chiến sĩ Trường Sa ơi!".
(Gần lắm Trường Sa - NS Hình Phước Long).
Áo Trắng số 22 (ra ngày 1/12/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận