27/01/2011 08:23 GMT+7

Nghe thời trang kể chuyện

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTXuân - Khao khát đưa những hình ảnh dân gian thấm đẫm hồn Việt đi xa đã và đang được nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo thực hiện bằng con đường thời trang.

Hzt5mOl5.jpgPhóng to

Nhà thiết kế Dạ Thảo chỉnh sửa trang phục cho người mẫu. Đây là bộ váy nằm trong bộ sưu tập thời trang Công chúa Ngọc Hân: huyền thoại người phụ nữ Việt Nam. Điểm nhấn trên thân váy là chân dung công chúa Ngọc Hân rất phúc hậu (tiêu biểu cho gương mặt hồn hậu của người phụ nữ Việt Nam) được thêu thủ công tỉ mỉ, lệch bên ngực trái trang phục là những bông hoa tròn xòe ra, đồng thời cũng mang dáng dấp chíếc nón quai thao như hình ảnh đặc trưng của xứ quan họ Bắc Ninh

zVBWDEqG.jpgPhóng to
Đây là trang phục nằm trong bộ sưu tập thời trang Đông Hồ. Những hình ảnh dân gian được phối hợp trên trang phục hiện đại, tiện dụng. Với trang phục này các bạn trẻ có thể sử dụng ở nhiều không gian khác nhau - Ảnh: Alexis Vũ - Người mẫu: Pink Q

Năm 2009, đoạt giải nhất cuộc thi Doanh nhân thời trang trẻ quốc tế do Hội đồng Anh tổ chức, Dạ Thảo được cử sang Anh tranh tài với các nước khác. Sau cuộc thi, cô quyết định “ta balô” một mình đi lòng vòng các nước châu Âu suốt ba tháng trời! Cứ qua các kinh đô thời trang lại dừng “nhòm ngó” và ngẫm nghĩ, suốt ba tháng ròng cảm giác mà Thảo có là buồn và... ức! Cô tự hỏi chẳng hiểu sao có những cửa hàng thời trang mang đậm dấu ấn Ấn Độ, Nepal... lại có thể trụ vững và rất nổi tiếng ở Paris hay Tây Ban Nha.

Thời trang thế giới đang quay về với châu Á, chắt lọc những tinh hoa của châu Á. Kết thúc chuyến đi, Thảo đã xác định được điều mình muốn hướng tới: phải làm thời trang theo cách của người Việt Nam và phải rất Việt Nam!

“Rất Việt Nam” theo cách Thảo nghĩ ngay lúc ấy là những bức tranh Đông Hồ mà thuở bé cô hay say sưa nhìn ngắm. Thảo ra Bắc Ninh, đến nhà nghệ nhân Đăng Chế ở làng tranh Đông Hồ không chỉ tìm hiểu, xem tranh mà còn học lóm cả nghề làm tranh. Thảo mua cả trăm bức tranh (90% là tranh cổ) với quyết tâm phải đưa những hình ảnh hết sức dân tộc ấy vào thời trang của mình. Đường đi đã chọn và cô gái sinh năm 1979 biết rõ con đường ấy khó nhọc.

Ngay như với tranh Đông Hồ, có những bức có thể đưa nguyên mẫu nhưng có những bức chỉ thể hiện được vài nét phác thảo. Màu sắc tranh cũng phải chỉnh lý để làm sao lên các loại vải khác nhau, các loại trang phục khác nhau giữ được độ đẹp, độ sáng. Đau đầu nhất là dù có phối hợp, chỉnh sửa như thế nào cũng phải giữ được thần sắc sống động của tranh dân gian Đông Hồ. Cách nào có thể làm Thảo đều tận dụng hết - từ in kỹ thuật số, thêu, móc đến kết cườm, vẽ tay... thậm chí phối hợp tất cả phương pháp trên để tranh Đông Hồ có thể uyển chuyển, lung linh trên trang phục.

Những thiết kế đầu tiên đều do chính Thảo làm… người mẫu, cứ mặc lên người và hồi hộp chờ phản ứng. Một người, hai người thấy lạ và tò mò rồi dần dần quá chừng người quan tâm, nhất là người nước ngoài. Cứ mỗi lần có ai hỏi đến, Thảo lại có dịp làm “thuyết minh”. Cô bắt đầu bằng câu nói giản dị nhưng ẩn chứa niềm tự hào “Đây là hình ảnh tranh dân gian của dân tộc Việt Nam, người ta gọi đó là tranh Đông Hồ”.

Và cứ thế cô say sưa đưa người nghe đến với những nghệ nhân cần mẫn tạo ra những bức tranh rất độc đáo, được in thủ công tỉ mỉ trên giấy điệp, màu sắc thiên nhiên hòa quyện; màu đen của than lá tre, màu xanh của lá chàm, màu vàng của hoa hòe... đã làm nên những bức tranh mang nhiều ý nghĩa độc đáo, mỗi khi tết đến người Việt Nam lại mua về treo trong nhà như lời chúc cho năm mới an lành, hạnh phúc.

Đến nay Thảo đã chuyển tải khoảng 20 bức tranh Đông Hồ vào các thiết kế. Đánh vật, Đánh ghen, Đàn lợn, Chân quê, Chăn trâu thổi sáo, Đám cưới chuột, Thiên hạ thái bình... những dân dã bao đời ấy đều đã bước vào thời trang. Làm xong mẫu nào Thảo lại giới thiệu trên mạng, Facebook... May mắn thay dù không ồn ào nhưng cô cũng có riêng lượng người hâm mộ của mình và những người yêu mến sản phẩm cũng tự nguyện kể tiếp câu chuyện thời trang của Thảo với người khác thông qua sản phẩm họ đã chọn.

Dạ Thảo vừa hoàn thành xong bộ sưu tập thời trang Công chúa Ngọc Hân: huyền thoại người phụ nữ Việt Nam. Sử dụng kỹ thuật thêu tay, nhà thiết kế trẻ đã đưa hình ảnh công chúa Ngọc Hân kết hợp với những hoa văn nơi đền thờ công chúa lên các trang phục đầm dạ hội.

Trong bộ sưu tập thời trang Hoa văn cung đình Huế, giữa những khoảng lặng cô còn ngẫu hứng kết hợp bản đồ Việt Nam với những sắc thái khác nhau trên các trang phục, những ngôi đền cổ Việt Nam, hoa văn gốm Bàu Trúc… cũng đang nằm trong chọn lựa của cô. Và như thế ở một cách khác, Thảo đã biến thiết kế thời trang của mình thành những sứ giả văn hóa!

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên