27/05/2013 08:46 GMT+7

Nghệ sĩ tuồng phải bước nhiều "chân"

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Sân khấu tuồng đang ra quân rầm rộ với 9 vở dự thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc (từ 18 đến 28-5 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Cũng vui, cũng nô nức đấy nhưng cũng không ít nỗi ngậm ngùi.

aszW1TIw.jpgPhóng to
Vở Hai người mẹ - vở tuồng duy nhất mang đề tài hiện đại tại cuộc thi - Ảnh: H.T.Phát

Để đến với cuộc thi, các đoàn phải chắt chiu, tằn tiện từng khoản chi tiêu cho nơi nghỉ, bữa ăn, phương tiện di chuyển... Tất cả cũng vì đời sống nhiều nghệ sĩ tuồng vẫn còn ở dưới mức trung bình...

Với hầu hết các nhà hát tuồng, các vở diễn lớn được dựng mỗi năm thường không thể bán vé trực tiếp cho khán giả. Ở phía Bắc, Nhà hát tuồng VN đặt kế hoạch 70 buổi diễn có doanh thu “hòa vốn” mà vẫn vất vả. Còn những nhà hát tuồng ở miền Trung và phía Nam như Nhà hát tuồng Đào Tấn, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thì biểu diễn đều miễn phí, không có doanh thu, dù khán giả bình dân không thờ ơ với tuồng, họ có thể đội mưa đội nắng để xem trọn vở.

Tiền lương, thù lao đêm diễn ít ỏi nhưng có một thực tế mấy năm qua diễn viên tuồng có đời sống tốt hơn (so với đời sống của chính họ trong những năm trước). Vì điều gì? Vì nghệ sĩ tuồng đã thích ứng với nhu cầu mới và “bước đi bằng nhiều chân”. “Chân” đầu tiên mà nghệ sĩ tuồng luôn có chỗ là lễ hội với những màn trống hội, múa lân, múa rồng, hòa tấu nhạc. Nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thì đắt sô nhất trong mùa lễ hội cầu ngư. Nghệ sĩ Nhà hát tuồng VN thì trẩy hội suốt mùa xuân. Còn nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM thì bận mãi với những buổi hát ở tế lễ cửa đình.

Một “chân” nữa đem lại thu nhập tốt cho nghệ sĩ tuồng là biểu diễn phục vụ các doanh nghiệp mới thành lập, cửa hàng mới khai trương... Đôi cái trống cùng vài ba nghệ sĩ múa rồng, múa lân, không cần hát, chỉ cần khuấy động không khí và đứng đón khách ở cửa chừng một giờ mà nhận được thù lao đến cả chục triệu! Những buổi hợp đồng như thế khiến nghệ sĩ Nhà hát tuồng VN tủi phận khi nghĩ: bao năm qua vào mỗi chiều thứ hai và thứ năm, buổi diễn ở rạp Hồng Hà vừa phải hát, vừa phải múa đến “rút ruột, rút gan” mà khách vắng vẫn hoàn vắng!

NSƯT Ngọc Quyền ở Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa chua xót: “Làm sao mà sống được bằng những vở tuồng chất lượng cao. Phải nghĩ ra nhiều “chân”. Để trang trải cho cuộc sống, ngay như tôi đây còn nhận cả việc đọc chúc văn, đánh trống tế tại mỗi đám tang”. Cũng là một cơ may cho nghệ sĩ tuồng khi Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa còn có thêm một “chân” nữa là đi khắp Bắc - Trung - Nam để hòa tấu trống đồng trong các ngày hội lớn của các tỉnh, thành phố.

Kinh tế thị trường đã khiến sân khấu truyền thống, đặc biệt là sân khấu tuồng, lâm vào những khó khăn nhiều khi tưởng như chẳng thể vực lại được. Nhưng có thể thấy kinh tế thị trường giờ đây lại mở ra cho họ những cơ hội kiếm sống bằng cách này hay cách khác. Có thêm thu nhập đấy nhưng sao nghe trong câu chuyện của mỗi người vẫn có tiếng thở dài để rồi ao ước: giá như ...

Thiếu tác giả nhà nghề

Tại cuộc thi này, các vở dân ca kịch có đề tài hiện đại đều được chuyển thể từ kịch bản văn học. Còn tuồng thì sao? Đành chịu. NSƯT Trần Ngọc Tuấn - giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) - lý giải: “Vì không có tác giả hiểu và yêu nghệ thuật tuồng để chuyển thể. Một phần họ ngại ngần khi tuồng giờ đây không đắt khách. Mặt khác, một số tác giả chưa thật sự hiểu những đặc trưng rất riêng của tuồng nên đã biến vở tuồng có câu chuyện hiện đại thành kịch nói”. Có lẽ vì vậy mà trong số chín vở tuồng tham gia cuộc thi, chỉ có vở Hai người mẹ của Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa là mang đề tài hiện đại.

“Hiện đại ư? Khó lắm. Tuồng ngày xưa ước lệ động tác đi ngựa bằng một cái roi, bây giờ toàn đi xe máy thì diễn viên phải diễn sao đây? Khó thì khó vậy nhưng cách đây chừng 20 năm vẫn có những vở tuồng hiện đại như Suối nước hoa (Thùy Linh - Hoàng Đức Anh), Bông hồng núi Nưa (Hoài Linh, Đinh Bằng Phi), Không có đường nào khác (Văn Sử). Nghĩa là nếu đột phá thì vẫn có thể được. Chỉ có điều nhiều năm qua, kịch bản hay về đề tài hiện đại dành cho tuồng gần như vắng bóng” - NSƯT Nguyễn Gia Thiện, phó giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), nói trong luyến tiếc.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên