19/11/2008 08:25 GMT+7

Nghệ sĩ Piano Trần Thu Lê: 20 năm & 2 đêm dương cầm

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Sau sáu năm luyện đàn tại Nga, nghệ sĩ dương cầm Trần Thu Lê (sinh năm 1981) sẽ có tiết mục biểu diễn đầu tiên với công chúng trong nước đúng vào đêm hội kỷ niệm 20 năm chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ (*).

r7WmI8WM.jpgPhóng to

Trần Thu Lê bên phím đàn - Ảnh: TR.N.

20 & 2

Hơn 20 năm trước, cô bé Thu Lê bắt đầu ngọ nguậy các ngón tay búp măng của mình lên những phím đàn trắng sữa của cây piano cũ kỹ tại nhà. Lên tám tuổi, Thu Lê đậu vào Nhạc viện Hà Nội. Năm 1994, cô chuyển vào học tiếp tại Nhạc viện TP.HCM.

Tài năng piano của Thu Lê bắt đầu gây chú ý khi cô đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Tài năng trẻ piano” TP.HCM năm 1996. Đến năm 2000, Thu Lê tốt nghiệp loại xuất sắc hệ 11 năm piano tại Nhạc viện TP.HCM và thi đỗ thủ khoa vào hệ đại học piano. Với thành tích này, cô đã vinh dự nhận giải thưởng “Thủ khoa vào đại học” của chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ.

Hai năm sau, Thu Lê được chọn sang Nga học piano tại Nhạc viện quốc gia Matxcơva mang tên Tchaikovsky. Cô được hướng dẫn bởi thầy Sergei Terekhov và nữ giáo sư Zinaida Ignatieva. Thu Lê đã tham gia những chương trình độc tấu và hòa tấu tại phòng hòa nhạc của Nhạc viện Tchaikovsky cũng như nhiều nơi khác ở Nga.

Cô kể: “Ban đầu tôi không khỏi bỡ ngỡ bởi các bạn đồng học nước ngoài có trình độ cao hơn mình. Nhưng tôi biết mình không thể nản lòng mà phải cố gắng luyện đàn nhiều hơn. Đó là con đường duy nhất để tiến bộ”. Giữa mùa đông lạnh cắt da trên xứ người, Thu Lê thường miệt mài tập đàn đến tận 9 giờ tối mới rời trường học. “Khi lủi thủi trên đường ngập tuyết từ trường về ký túc xá, nhiều lần tôi đã bật khóc vì rét lạnh và nỗi nhớ nhà” - Lê nhớ lại.

Vượt qua sáu mùa đông gian khó như thế, cô gái nhỏ nhắn đã tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành piano của Nhạc viện Tchaikovsky tháng 6-2008. Trần Thu Lê đã trở về quê nhà và cô đang nóng lòng ra mắt công chúng trong hai đêm nhạc cuối tháng mười một này. “Thật ý nghĩa khi sau thời gian đi học trở về tôi lại được tham gia đêm hội kỷ niệm 20 năm chương trình “Vì ngày mai phát triển”.

Tôi cảm thấy vinh dự khi là thành viên gia đình học bổng của báo Tuổi Trẻ” - Thu Lê bày tỏ. Ngay đêm 24-11, cô sẽ có chương trình độc tấu piano riêng nhằm báo cáo kết quả học tập và cũng là lời tri ân gửi các thầy cô Nhạc viện TP.HCM từng giảng dạy mình nhân ngày 20-11.

Hai người trẻ & Tchaikovsky

Ở chương trình độc tấu piano đêm 24-11 tại Nhạc viện TP, Thu Lê sẽ được sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng thính phòng nhạc viện và một nhân vật rất thân thuộc: chỉ huy dàn nhạc trẻ nhất VN Nguyễn Anh Sơn. Sơn sinh cùng năm 1981 với Lê nhưng vai vế bà con lại gọi Lê bằng chị do mẹ Lê (giảng viên thanh nhạc Nguyễn Ngọc Lan) là chị ruột của bố Anh Sơn (NSƯT Nguyễn Sơn Hải).

Hai chị em đã có những tháng ngày đồng cam cộng khổ để học thành tài trên xứ người (cậu em tốt nghiệp trở về nước sớm hơn người chị hai năm). Họ có điểm chung là nếu như rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng của âm nhạc hàn lâm còn đang làm việc ở nước ngoài, thì cả Anh Sơn lẫn Thu Lê đều trở về đóng góp cho quê hương ngay sau khi tốt nghiệp. Sơn hiện là thành viên Nhà hát Giao hưởng vũ kịch, còn Thu Lê bắt đầu tham gia công tác giảng dạy tại khoa piano Nhạc viện TP.HCM từ tháng 9-2008.

“Dù chưa có dịp biểu diễn chung bao giờ song tôi và Sơn vẫn rất tâm đầu ý hợp trong âm nhạc do cùng học Nhạc viện Tchaikovsky” - Lê nói. Vậy nên chương trình hòa nhạc của họ sau phần một (gồm các tác phẩm của J.Haydn, C. Franck, A. Scriabin và Chopin) sẽ là hai tác phẩm đặc sắc của P.I. Tchaikovsky: Waltz of the flowers (Điệu valse của những đóa hoa) và bản Concerto số 3, tập 75 viết cho piano và dàn nhạc.

(*) Diễn ra tại sân Lan Anh, TP.HCM đêm 23-11.

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên