23/07/2006 06:16 GMT+7

"Nghệ sĩ nhân dân" của chợ tình Sa Pa

BẰNG VÂN
BẰNG VÂN

TT - Chợ tình Sa Pa, Lào Cai ẩn chứa bao điều kỳ thú. Một trong số đó không thể không nhắc đến sự hiện diện của hai nhánh hoa rừng mộc mạc mà đằm thắm, được đông đảo du khách đặt cho nghệ danh “nghệ sĩ nhân dân”: họ là cặp vợ chồng người dân tộc Mông Giàng A Van - Vàng Thị Ly.

5SdC1paz.jpgPhóng to
Vợ chồng Giàng A Van - Vàng Thị Ly thả hồn mình vào tiếng nhị, điệu hát
TT - Chợ tình Sa Pa, Lào Cai ẩn chứa bao điều kỳ thú. Một trong số đó không thể không nhắc đến sự hiện diện của hai nhánh hoa rừng mộc mạc mà đằm thắm, được đông đảo du khách đặt cho nghệ danh “nghệ sĩ nhân dân”: họ là cặp vợ chồng người dân tộc Mông Giàng A Van - Vàng Thị Ly.

Đã thành lệ từ hơn chục năm nay, cứ chiều thứ bảy hằng tuần là hai vợ chồng lại gửi cậu con trai 13 tuổi và cô con gái 8 tuổi cho ông bà nội, ngoại trông giúp rồi bắt xe ôm vượt hơn chục cây số đường đèo dốc từ bản Tả Phìn lên thị trấn Sa Pa chơi chợ tình.

Đến chốn vui vầy ấy, ở bất cứ nơi nào, trên bậc thềm trước nhà thờ đá, trên sân vận động trung tâm hay ngay cả trong một góc ẩm thấp nào đó của khu chợ, họ đều biểu diễn một cách say mê.

Khi có du khách thích thú đến ngồi nghe, anh chị lại tận tình giảng giải từng ly từng tí một về ý nghĩa của các bản nhạc, lời ca, hay những phong tục tập quán của cộng đồng dân tộc mình.

Rằng đây là tiếng kèn môi gọi người yêu lên rừng tâm sự; kia là điệu sáo tung tẩy vui tươi của trai bản khoe tài, chinh phục người thương...

Chẳng bao giờ câu nệ điều gì mà luôn sẵn sàng chiều lòng mọi du khách: muốn cùng chụp ảnh lưu niệm ư? - rất sẵn lòng; muốn mời chung vui ly rượu táo mèo sóng sánh như mật ư? - chẳng hề từ chối! Không bị nhiễm căn bệnh du lịch, chưa khi nào tôi thấy vợ chồng họ vòi vĩnh du khách chuyện thù lao này nọ.

Họ cứ đàn hát mê say, hồn nhiên như cây cỏ; ai thích thì ngồi lại nghe, ưa chuyện thì hỏi han tâm sự, thích thì mua cái nhị (đàn cò), cây khèn, ống sáo... về làm quà lưu niệm. Nghe thấy tiếng cười nổ như ngô rang ở đâu là y như rằng nơi đó có cặp vợ chồng “nghệ sĩ nhân dân” này.

Ngót chục lần đắm đuối với chợ tình Sa Pa cũng là chừng ấy bận tôi có may mắn được cười đùa cùng anh chị Giàng A Van - Vàng Thị Ly; nhưng ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về họ thì lại trọn vẹn ở lần gặp đầu tiên.

Đêm đông ấy, Sa Pa lạnh buốt giá và dày đặc sương mù; mệt rã rời sau một ngày trèo đèo lội suối đến gần chục điểm du lịch trong vùng nên tôi

lên quyết tâm đi ngủ sớm cho lại sức. Giấc ngủ chưa đến thì tiếng đàn môi của trai bản réo rắt gọi người yêu vọng lại từ khu chợ tình lọt qua khe cửa như mời gọi, như thách thức. Không cầm lòng, tôi vùng dậy, đẩy cửa ra ngoài lần theo những thanh âm thiết tha, nồng ấm của điệu kèn Gọi bạn ấy; và tôi đã không uổng...

Trong mái lều tranh trống huơ trống hoác được dựng lên làm quán rượu, tiếng khèn, điệu sáo của hai vợ chồng đã đưa trái tim của kẻ ham vui này vượt qua không biết bao nhiêu dãy núi cao trùng điệp để đến với những bản làng xa ngái của người Mông: khi thì chung vui cùng đêm rượu mừng một vụ mùa bội thu thóc lúa đầy bồ, lúc lại lạc vào nỗi buồn mênh mang của chàng trai đa tình lang thang trên bao núi đồi, nương rẫy thổi những điệu sáo buồn thương tiễn dặn người yêu đi lấy chồng...

Chị Vàng Thị Ly òa khóc khi nghe tiếng kèn đầy trắc ẩn và đa tình ấy của chồng, gặng hỏi mãi chị mới bảo rằng anh thổi kèn lá hay thế sẽ hút hồn nhiều cô gái trẻ đẹp, và chị lo sợ một cách rất xa xôi...

Nghe vậy, chàng Giàng A Van đa cảm vội thanh minh rằng đàn ông Mông luôn là người chung thủy nhất trên đời, nên khi đã có vợ rồi thì không một cô gái nào dù trẻ đẹp đến mấy khiến họ thay lòng đổi dạ được. Dứt lời, anh nhìn chị cười đầy tình tứ...

Câu hát, điệu khèn, tiếng sáo vốn luôn có sẵn trong huyết quản người Mông như thể những dòng nước mát chảy ra từ khe núi vậy; thế nhưng không phải ai cũng trường vốn như vợ chồng anh Giàng A Van - Vàng Thị Ly.

Từ nhiều năm nay, anh chị tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi tìm đến nhà các già bản để cần mẫn sưu tầm, học hỏi những vốn quí của dân tộc mình. Hiện họ đã có lưng vốn ngót ba chục lời ca, điệu nhạc đặc sắc và còn tận tình chỉ bảo cho các nam nữ thanh niên trong bản, trong vùng.

“Nếu không thì nhiều người không còn biết thổi kèn lá mà gọi người yêu nữa đâu!” - Giàng A Van nói. Và tôi được dịp kiểm chứng ngay điều anh bộc bạch khi thấy cậu choai Giàng A Sang (17 tuổi) ở bản Cát Cát vác nhị đến nhờ thầy ráp nốt đoạn cuối điệu nhạc tỏ tình để lấy vốn đi "cưa".

Ngồi bên bát rượu đượm nồng chuyện trò cùng vợ chồng người nghệ sĩ này không đơn thuần chỉ có chuyện thi vị về chợ tình, về những câu chuyện kỳ bí của người Mông mà còn ăm ắp chuyện đời sống thường nhật nữa.

Mới 17 và 16 tuổi đã nên vợ nên chồng theo cái lý của ngày xưa, nhưng nhờ có cái đài, cái vô tuyến và cả bác sĩ xuống bản động viên nên họ cũng thức thời lắm: chỉ đẻ có hai con và cũng cách nhau năm năm rồi áp dụng các biện pháp tiên tiến để không cho cái trẻ con ồ ạt ra đời, dồn sức mà trồng lúa, trồng thảo quả, nuôi lợn, gà... và cũng "còn để rảnh rang xuống chơi chợ tình mỗi chiều thứ bảy nữa chứ!” - chị Ly nhìn chồng cười lúng liếng.

Cách đây mấy năm chương trình Hành trình văn hóa của Đài truyền hình VN lặn lội lên tận đây đưa hai vợ chồng hạ sơn về Hà Nội, lên tivi nói chuyện, thổi khèn, đàn môi và hát giao duyên.

Được quan tâm nhiều hơn nhưng anh chồng thổ lộ: “Khách du lịch cho tiền vợ chồng mình cũng không vui lắm đâu!”. Chị vợ nói thêm: “Cho rồi họ bắt vợ chồng mình biểu diễn hết bài này đến bài khác. Kêu mệt thì họ bảo trả lại tiền vì biểu diễn như vậy chưa đủ với số tiền họ đã cho...”.

Anh chồng tợp một ngụm rượu rồi cắt ngang lời vợ: “Mình bảo nó đừng lên đây nữa mấy lần nhưng nó không nghe. Nó bảo quen rồi! Vợ chồng mình gặp nhau ở chợ tình Sa Pa đấy, vài phiên chợ là đồng ý lấy nhau luôn. Chợ tình ngày xưa khác với chợ tình bây giờ nhiều lắm...”.

Chị vợ lại tiếp lời chồng: "Đến chợ vì vui thôi, cả tuần đi làm nương nên thứ bảy nào cũng lên đây uống rượu chứ không phải biểu diễn để lấy tiền”.

Đã có với nhau hai mặt con nhưng anh chồng Giàng A Van thỉnh thoảng vẫn nhìn trộm chị vợ Vàng Thị Ly nghe chừng đắm đuối. Chị chủ quán bảo tôi: “Đôi này yêu nhau lắm, nhưng thằng chồng tính hay ghen. Biểu diễn ở chợ tình, có hôm gặp phải ông khách du lịch hưng phấn quá nhảy vào bắt tay bắt chân lại còn hôn nhẹ lên má là thế nào dân Sa Pa cũng được chứng kiến cảnh thằng chồng mắng vợ bằng thổ ngữ líu ra líu ríu như chim”.

Anh chồng nghe người khác “nói xấu” vợ chồng mình thì quay ra chống chế: “Tại nó đẹp quá ấy mà, phải giữ chứ không nó đi theo người khác thì sao?”...

Khuya. Rượu đã ngà ngà, anh chồng lấy cái khèn trong chiếc túi thổ cẩm đeo bên hông, nhìn vợ. Chị vợ hiểu ý thò tay vào vạt áo trước ngực lôi ra mấy chiếc lá cây rừng. Không dền dứ trước sau, chẳng ngại ngùng e thẹn.

Đêm trăng mờ mờ sáng, bài dân ca Mông cất lên giữa văng vẳng núi rừng nghe da diết: “Đã lên ngựa là không sợ sấm/ Đã lên ngựa là không sợ gió/ Đã đi là suốt đường vui/ Đã hát là hát lời hay/ Đôi ta không hát thì thôi/ Đã hát là hát như cây nứa, cây vầu thi nhau mọc...”.

BẰNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên