|
Cuộc gặp định mệnh
Dick kể ông đến VN vì phẫn nộ trước cuộc chiến mà nước Mỹ đang tiến hành tại VN. “Lúc đó tôi vừa học xong thạc sĩ sân khấu và mới bắt đầu con đường sự nghiệp đầy triển vọng” - Dick nói. Nhưng những bản tin chiến sự trên truyền hình và những buổi học về phản chiến tại trường (teach-in) đã “làm dậy bao con sóng đạo đức, đánh liên hồi khiến tôi không thể nào yên lòng tiếp tục sự nghiệp. Tôi biết mình phải giải quyết nó bằng cách này hay cách khác”, Dick viết trong một bức thư gửi Tuổi Trẻ. Và thế là Dick cùng một người bạn đi quyên góp để ông đến VN dưới danh nghĩa là phóng viên của Trường đại học Carnegie Mellon, nơi ông tốt nghiệp khoa sân khấu.
Dick đáp máy bay xuống Tân Sơn Nhất, Sài Gòn vào một ngày tháng 4-1968, hai tháng sau Tết Mậu Thân, với hai bộ quần áo, khoảng 1.500 USD và một ước muốn mơ hồ là làm chuyện gì đó để giúp VN. Ông kêu một chiếc taxi đến thẳng trung tâm báo chí. Vì người tài xế chẳng biết trung tâm báo chí ở đâu nên đưa ông thẳng đến tổng lãnh sự Mỹ. “Tòa nhà trông cứ như một trại tù với rất nhiều lính canh”, vì thế ông ra ngồi ở công viên trước trụ sở ủy ban nhân dân thành phố bây giờ. Ông đang ngồi sắp đống giấy tờ thì một đứa bé người ghẻ lở, mặc áo thun, quần cụt và đi chân đất đến hỏi bằng thứ tiếng Anh bồi: “Ông tên gì? Là dân thường hay lính?”. Dick vừa bất ngờ vừa tò mò nên dò hỏi và biết em tên Thắng. Cuộc gặp đầu tiên với Thắng khiến chàng diễn viên lúc đó 24 tuổi nảy ra một kế hoạch.
Những ngày sau đó, Dick đi khắp thành phố và đâu đâu cũng thấy trẻ bụi đời với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Một số em từng chứng kiến cảnh gia đình bị bắn giết trong các trận đánh, một số khác sống với cha hoặc mẹ trong các ngôi nhà dựng tạm và đa số các em không biết gia đình mình đang ở đâu. Sau tháng đầu tiên ở VN, Dick ngưng ở khách sạn và thuê một căn nhà trên đường Phạm Ngũ Lão. Đó sẽ nơi các trẻ đánh giày, bán báo ngả lưng vào ban đêm.
Hằng ngày ông xuống đường gặp từng đứa trẻ đánh giày, bán báo để bảo các em có thể đến tắm rửa và ngủ tại ngôi nhà ông thuê. “Công việc này không dễ dàng chút nào vì ban đầu các em không tin” - Dick nói. Nhưng mưa dầm thấm lâu, rồi một ngày có 11 em nhỏ đến. Có lẽ đó là lần đầu tiên các em được ngủ trên một chiếc chiếu lành dưới mái nhà nguyên vẹn che được mưa và gió lạnh. Đến sáng, các em lại tỏa đi khắp nơi, đánh giày, bán báo và giữ xe.
Dick đi khắp hội đoàn, cơ quan viện trợ để xin từng chiếc chăn, cục xà phòng và thức ăn.
Để các em có một gia đình
Phóng to |
Dick Hughes nói chuyện với các em để mời các em đến những ngôi nhà mở do ông cùng sinh viên VN thành lập và quản lý Ảnh: Paul tephanus |
Năm 1970, khi các tờ báo nước ngoài biết đến chương trình trợ giúp thiếu niên sống ngoài hè phố của Dick, một số nhà hoạt động xã hội đã giúp Dick thành lập Shoeshine Boy Foundation ở New York. Đóng góp từ những nhà hảo tâm được tổ chức này nhận và chuyển đến chương trình tại Sài Gòn. Nhờ đó, từ một ngôi nhà trên đường Phạm Ngũ Lão, chương trình đã có thể thuê thêm một căn nữa ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Nơ Trang Long), rồi Phạm Hồng Thái, Trịnh Minh Thế, Hi Vọng 5 và Hi Vọng 6.
Suốt tám năm Dick ở VN, chương trình đã đón nhận khoảng 2.000 trẻ em bụi đời và lúc nào cũng có khoảng 300 em trú tại các trung tâm trên. Hơn 18.000 người trên khắp thế giới đã đóng góp cho những người em của Dick có được mái ấm.
Anh Kiệt, một người từng trải qua tuổi thơ trên hè phố, nhớ lại: “Hồi đó, ổng hay vào đồn ra khám vì tụi tui”. 40 năm trước, anh và những đứa trẻ khác nhiều lần bị cảnh sát bắt vào trại tế bần lúc ban ngày đi đánh giày. Những lần đó Dick là người bảo lãnh họ ra. “Hồi đó ổng chẳng biết sợ là gì, cứ đi khắp nơi để xin từng cái mền, hộp thức ăn” - anh Kiệt, nay là chủ một quầy sách ngoại văn trên đường Phạm Ngũ Lão, nói. “Nhưng không có ổng thì đâu có chúng tôi hôm nay” - anh Tam Lan, hiện làm bảo vệ ở P.Bến Thành, Q.1, tâm sự.
Khi cuộc chiến đi qua, Dick trở lại sự nghiệp sân khấu. Sài Gòn giải phóng được 16 tháng, Dick về nước, giao lại các trung tâm bảo trợ trẻ bụi đời của mình cho chính quyền. Ông kể với các độc giả của New York Times, Life và một số tờ báo khác ở Mỹ về bài học hạnh phúc mà ông học được từ những người em VN. Ông nói các em đã dạy ông nhiều bài học: tinh thần lạc quan trong những tình cảnh khó khăn, nghị lực và khả năng tự quyết định đời mình. “Giữa dòng đời đầy bất hạnh, các em có quá nhiều lý do để buông tay và đầu hàng số phận - ông nói - Các em có đủ lý do để phạm tội hay đi ăn xin, nhưng ngược lại đã cố gắng vươn lên thay đổi đời mình”.
Đoàn tụ
Nhật ký trẻ bơ vơ Trích ghi chép của Dick Hughes tại hội nghị quốc tế nhi đồng và phát triển quốc gia tháng 1-1975: “Nếu quí vị tình cờ hiện diện trong một trung tâm nuôi các thiếu nhi ngoài hè phố, quí vị sẽ nghe được những câu trả lời như sau khi chúng tôi hỏi cảm nghĩ của em về gia đình: Em Tâm: “Ban ngày thì vui vẻ không lúc nào nghĩ đến sự buồn khổ hay nhớ thương ai hết. Nhưng ban đêm không ngủ được, nằm trằn trọc... nhớ gia đình”. |
Tình thương đã kết nối họ lại. Dick, anh Kiệt và những người khác đã tìm thấy nhau, nhưng vẫn còn nhiều cái tên như Giao, Minh hí, cu Tí, Ca, Dân, Quý nhỏ, Thắng... mà ông vẫn chưa tìm ra. Dick muốn một ngày nào đó được gặp lại họ, chỉ để được biết họ sống ra sao.
...Chuyến đi này Dick dẫn theo con gái để chỉ cho cô biết những người em đã gắn bó với ông một thời tuổi trẻ. 30 năm, Dick đã đấu tranh và quan tâm đến những con người không phải máu mủ của ông. Và vẫn đang tìm kiếm họ để như ông nói: “Được nhẹ lòng vì cuối cùng họ đã trở thành những con người hạnh phúc và có ích cho xã hội”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận