23/11/2012 05:15 GMT+7

"Ngày không mua gì" và "Ngày thứ sáu đen tối"

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Ngày 23 và 24-11, thế giới sẽ chứng kiến hai thái cực tiêu dùng. Phong trào “Ngày không mua gì” của những người phản đối chủ nghĩa tiêu thụ quá mức và “Ngày thứ sáu đen tối” với những hàng người rồng rắn xếp hàng mua hàng giảm giá.

MtGolHWX.jpgPhóng to

Một quảng cáo về “Ngày không mua gì”: thẻ tín dụng có chức năng mới: phết bơ lên bánh mì - Ảnh: http://www.adbusters.org

“Ngày không mua gì” là sáng kiến của nghệ sĩ Ted Dave ở Vancouver (Canada) và lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô thế giới vào năm 1992. Ngày này được xem là “ngày xã hội cùng nhau xem lại thói quen tiêu dùng quá mức”. Năm 1997, “Ngày không mua gì” được chuyển sang ngày thứ sáu sau ngày lễ Tạ ơn, một trong 10 ngày mua sắm đông đúc nhất ở Mỹ. Đến nay đã có hơn 65 quốc gia tham gia “Ngày không mua gì”.

Lời thú tội của cô nàng đồ hiệu

Trong bộ phim Lời thú tội của cô nàng đồ hiệu, nhân vật chính Rebecca Bloomwood, cô gái đang bắt tay vào việc viết lách trong một tòa soạn báo thời trang, đã phải bỏ thẻ tín dụng vào trong khay đá của tủ lạnh để không thể lấy ra mua đồ nữa (dù khi “cơn nghiện” nổi lên thì cô vẫn làm mọi cách đập bể khay đá để lấy cái thẻ ra!).

Những người ủng hộ “Ngày không mua gì” tuy không cung cấp tủ lạnh kèm ngăn đá cho những người ưa mua sắm, nhưng họ đứng hàng giờ trước các khu mua sắm lớn, cầm theo chiếc kéo và tấm biển đề nghị giúp đỡ ai đó đang muốn chấm dứt cảnh nợ nần chồng chất của mình bằng một nhát kéo xén ngang chiếc thẻ tín dụng.

Trong ngày này cũng diễn ra các liên hoan đường phố miễn phí để quảng bá chiến dịch “không mua gì” hay tuần hành trên đường.

Trong các siêu thị cũng có những “con ma sống” - là người thường hóa trang - đi lại, nhìn chằm chằm lạnh lẽo vào những người đang mua sắm khác. Hoặc nếu bạn nhìn thấy hàng dãy dài những người đẩy xe hàng thật lâu trong siêu thị nhưng lại không mua hay chọn hàng nào cả, thì đích thị đó có thể là những thành viên của phong trào “Ngày không mua gì”.

Những thành viên khác của phong trào này cũng sẽ đến cửa hàng, tiếp cận những người mua sắm, tỉ tê khuyên họ nghĩ lại về lựa chọn mua sắm của mình, “vì nên thay đổi thói quen chi tiêu vì tương lai tốt hơn của chính chúng ta”. Năm 2009, người tham gia còn tắt đèn, tivi và các vật dụng không cần thiết khác trong nhà, không đi xe, tắt điện thoại, nói chung là cố gắng không tiêu dùng gì từ bình minh đến lúc mặt trời lặn.

Theo tạp chí Adbusters, “Ngày không mua gì không chỉ là chuyện thay đổi lối sống trong một ngày, mà là khởi đầu một lối sống cam kết tiêu thụ ít hơn và tạo ra rác thải ít hơn”.

Trang web của Adbusters viết: “Cho đến khi chúng ta không hành động để thách thức lại những giá trị đã được thiết lập vững chắc của chủ nghĩa tư bản - rằng nền kinh tế phải luôn phát triển, rằng nhu cầu của người tiêu dùng luôn phải được đáp ứng, sự hài lòng ngay lập tức là khẩn thiết - thì chúng ta sẽ không thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính - tâm lý khổng lồ trong thời đại mình”.

Những nước phát triển chiếm 20% dân số thế giới đang tiêu thụ hơn 80% tài nguyên thiên nhiên, tạo nên những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và sự mất cân bằng trong phân chia của cải.

5.000 thông điệp quảng cáo/ngày/người

Thế giới sẽ chứng kiến “cơn điên” mua sắm chỉ một ngày sau “Ngày không mua gì”. Năm nay, 147 triệu người đang có kế hoạch đi mua sắm vào cuối tuần này (ngày 23 và 24-11), theo khảo sát của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ, chỉ giảm nhẹ so với 152 triệu người năm 2011.

Mỗi chúng ta đang là nạn nhân của các quảng cáo tiêu dùng. Trung bình mỗi ngày, mỗi chúng ta đang bị “giội bom” khoảng 5.000 thông điệp quảng cáo, từ trên tivi, tới các quảng cáo ở lưng áo thun, tới những hộp gói hàng, thúc giục mua thêm.

Thế giới có đủ mọi thứ cho nhu cầu con người (need), nhưng không đủ cho lòng tham của mọi người (greed). Có ý kiến cho rằng vào dịp Giáng sinh hay ngày Tạ ơn, không nhất thiết phải tặng quà bằng vật chất. “Ngày không mua gì” cổ xúy cho niềm tin “tiền không thể mua được hạnh phúc”.

Tổng thống Uruguay José Mujica đang được biết đến với biệt danh “Tổng thống nghèo nhất thế giới”, sau khi cho hết tiền đi và từ chối ở khu dinh thự tổng thống theo tiêu chuẩn. Ông sống ở một trang trại đơn giản với vợ. Ông không đồng ý với việc bài báo đặt tít “Tổng thống nghèo nhất thế giới” khi họ viết về ông. “Tôi không cảm thấy mình nghèo. Người nghèo là người làm việc chỉ để cố gắng duy trì lối sống đắt đỏ tiện nghi và lúc nào cũng muốn có thêm, thêm nữa”.

Nhà tâm lý học Neel Burton đã chỉ ra rằng trong 50 năm qua, thu nhập của chúng ta đã tăng mạnh, nhưng có ít thời gian hơn cho mình, lại cảm thấy nhiều cô đơn hơn, và do vậy chúng ta trở nên kém hạnh phúc hơn.

Vậy bạn, bạn sẽ chọn theo thái cực nào?

Hãy dạy trẻ những giá trị mới

Aiden Enns - đồng sáng lập phong trào buynothingchristmas.org (Không mua sắm gì vào dịp Giáng sinh) - kêu gọi mọi người hãy dạy cho trẻ những giá trị mới. Aiden coi đây mới là món quà quý giá nhất của dịp Giáng sinh. Ông cho rằng người lớn hãy dạy trẻ thể hiện tình yêu, lòng tốt, sự chân thành, tính sáng tạo, đức tính biết hi sinh, sự hài hước và sự tận tâm. Con người cần thôi đánh đồng tình yêu với kích cỡ hay giá tiền của món quà mà ông gọi đó là “hối lộ tình cảm” và nó khiến lòng tự trọng giảm đi chỉ vì sức mạnh mua sắm lớn hơn.

Ông cũng nêu ra nhiều gợi ý thay vì tặng quà vật chất vào dịp đặc biệt, bạn hãy tặng người mình yêu quý những kỹ năng mới, làm phong phú thêm cuộc sống của họ. Ví dụ, bạn biết khiêu vũ, hãy dành vài giờ dạy người mình yêu vài bước nhảy. Nếu bạn biết chơi nhạc, hãy dành thời gian chỉ cho người mình yêu vài nốt đồ rê mi fa sol la. Nếu bạn biết vẽ, nhiếp ảnh, cấp cứu, mátxa, hay giỏi về nghệ thuật khác, chắc chắn thời gian mà bạn dành cho người bạn yêu khiến họ rất cảm kích vì có thêm được nhiều kiến thức mới.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên