Tất nhiên những tài liệu được lưu trong hồ sơ vụ án người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền sao chụp, nếu các tài liệu đó không phải là tài liệu mật, mà không cần phải xin phép cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, hiện nay việc sao chụp các tài liệu vẫn còn cơ chế “xin cho” và phía cơ quan tiến hành tố tụng thường tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Việc làm này của cơ quan tiến hành tố tụng phải coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự không được tiết lộ bí mật Nhà nước.
Vì vậy, trong một số trường hợp, nếu người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự khi nghiên cứu hồ sơ vụ án mà phát hiện có tài liệu bí mật được để trong hồ sơ thì phải báo với người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng biết để rút tài liệu đó ra khỏi hồ sơ vụ án, đồng thời người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự không được sao chụp tài liệu đó và cũng không được phổ biến hoặc cung cấp cho báo chí. Nếu vi phạm, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lộ bí mật Nhà nước.
Việc cơ quan tiến hành tố tụng đóng dấu “mật” vào các tài liệu cũng phải cân nhắc, chứ không phải thích là đóng.
Đối với các tài liệu, kể cả văn bản trao đổi với các ngành, mà có chứa đựng các tình tiết gỡ tội hoặc buộc tội người phạm tội và thiếu nó thì làm cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không chính xác thì không phải là tài liệu mật.
Thực tế có nhiều trường hợp người bào chữa (luật sư) hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy các tài liệu mật (có hoặc không đóng dấu “mật”) đã chụp lại tài liệu đó rồi phát tán ra bên ngoài mà không báo cho người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng biết.
Ví dụ: khi nghiên cứu hồ sơ vụ án luật sư A thấy “bản thảo bản án”, thậm chí bản thảo của “biên bản nghị án” do sơ suất nên thẩm phán đã để trong hồ sơ vụ án, rồi sao chụp đem cung cấp cho báo chí.
Về phía cơ quan tiến hành tố tụng, tuy đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc thẩm phán vẫn để các tài liệu mật, thậm chí là tối mật, tuyệt mật trong hồ sơ vụ án như biên bản họp liên ngành, công văn hướng dẫn của cấp trên về chủ trương giải quyết vụ án...
Việc để trong hồ sơ vụ án những tài liệu này có thể do sơ suất nhưng cũng có nhiều trường hợp cố ý.
Ví dụ: bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị, khi làm tờ trình kháng cáo, kháng nghị, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã cố tình đưa vào trong hồ sơ vụ án công văn hướng dẫn của tòa án cấp trên nhằm mục đích “thông báo” cho tòa án cấp phúc thẩm biết là vụ án này tòa án cấp sơ thẩm “đã thỉnh thị” và liệu xử sao thì xử.
Việc làm này vừa thể hiện sự yếu kém về chuyên môn của tòa án cấp sơ thẩm vừa vi phạm pháp luật.
Việc sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án là quyền của người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự nhưng phải bảo đảm bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận