31/03/2017 09:08 GMT+7

“Ngạc nhiên về học sinh của mình quá”

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Đó là những lời nhận xét mà chúng tôi nghe được nhiều nhất từ các thầy cô trong ngày hội “Học sinh THCS với sáng tạo khoa học”, do Phòng GD-ĐT Q.1 (TP.HCM) tổ chức tại Trường THCS Trần Văn Ơn sáng 30-3.

Học sinh thuyết minh về mô hình Domino tại ngày hội - Ảnh: H.HG.
Học sinh thuyết minh về mô hình Domino tại ngày hội - Ảnh: H.HG.

Ngày hội không chỉ tạo sân chơi cho học sinh học tập lẫn nhau, mà còn nhằm vào mục đích làm cho phụ huynh, giáo viên thay đổi nhận thức về phương pháp giáo dục học sinh.

Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh (phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.1)

“Trong bối cảnh như ngày nay, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được mọi người quan tâm. Khi chúng ta ăn bún, phở, hủ tiếu, chả giò, chả lụa..., ít người biết rằng trong những loại thực phẩm đó có thể có hàn the - một chất rất có hại cho sức khỏe con người. Thậm chí nếu con người nạp một lượng lớn hàn the vào cơ thể sẽ bị đau bụng, nôn mửa, ảnh hưởng đến gan, thận và có nguy cơ tử vong” - Nguyễn Ngọc Kim Loan, học sinh lớp 9/2 Trường THCS Đồng Khởi (Q.1), đã giới thiệu về công trình nghiên cứu của mình và các bạn cùng trường có tên “Tách hợp chất từ bắp cải tím, ứng dụng để nhận dạng hàn the trong thực phẩm” tại trạm 1 như thế.

Vừa học vừa chơi

Gần 700 học sinh giỏi thuộc 13 trường THCS trên địa bàn Q.1 đã có một buổi sáng chơi hết mình với năm trạm thử thách tại ngày hội. Trong đó, trạm 1 “Trưng bày sản phẩm, dự án khoa học kỹ thuật của học sinh” được xem là trạm bình yên nhất với 14 dự án nghiên cứu khoa học của học sinh.

Tuy nhiên, tại đây những “nhà khoa học trẻ” cũng gặp phải nhiều câu hỏi hóc búa từ người dự khán (cũng là học sinh). Sau khi nghe trình bày về dự án “Máy phát điện bằng cối xay gió” (của học sinh Trường THCS Võ Trường Toản), một học sinh đã chất vấn: “Với điều kiện sống như ở TP.HCM, liệu có đủ gió để tạo ra điện hay không?”. Câu hỏi đã khiến nhiều thầy cô nhìn nhau: học sinh bây giờ không chỉ học lý thuyết, mà các em luôn liên hệ với cuộc sống.

Bước sang trạm 2 “Khám phá các vì sao”, trạm 3 “Tàu du lịch trên sông”, trạm 4 “Vui cùng khoa học”; không khí ngày hội thật sự sôi động và náo nhiệt với các trò chơi thi đấu xoay rubik cùng robot; trải nghiệm thực tế ảo, chiến binh toán học, nhảy cùng robot, lắp ráp và lập trình robot...

Có lẽ hoạt động tạo được sự hào hứng nhất đối với các học sinh là ở trạm 5 “Mô hình hiệu ứng Domino”. Mỗi đội 15 học sinh sẽ vận dụng các kiến thức về vật lý (cơ, điện, nhiệt, quang); hóa học (các phản ứng cháy, tạo khí...) để xây dựng tám phân đoạn của chuỗi Domino, sao cho phân đoạn cuối cùng là đẩy xe mô hình chạy được một đoạn.

Sân Trường Trần Văn Ơn nóng dần không phải bởi tiết trời hầm hập, mà do sự tranh luận gay gắt của các học sinh trong quá trình lắp ráp mô hình, rồi thật sự nóng lên khi các đội bước vào phần thi chính thức: cho chuỗi Domino vận hành. Các thí sinh không giấu nổi sự hồi hộp xen lẫn lo âu.

Rồi... những tràng pháo tay không ngớt, những nụ cười vỡ òa khi các phân đoạn trong chuỗi Domino được thực hiện trơn tru. Và ngay cả giáo viên các trường cũng phải thốt lên: “Ngạc nhiên về học sinh của mình quá!”.

Thay đổi nhận thức của giáo viên

Võ Hùng Việt (học sinh lớp 9/5 Trường THCS Võ Trường Toản), sau khi thuyết minh và cùng các bạn vận hành chuỗi Domino thành công, đã cảm nhận: “Tham gia ngày hội này, em đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Trong quá trình thực hiện, ai cũng nghĩ sản phẩm của mình là tốt rồi, nhưng đi xem mới thấy học sinh các trường khác có nhiều điều hay mà mình cần học hỏi.

Ví dụ chuỗi Domino của chúng em chỉ dùng kiến thức vật lý để lắp ráp và vận hành. Nhưng em thấy học sinh nhiều trường rất mạo hiểm và mạnh dạn sử dụng cả kiến thức hóa học nữa. Đây là sự sáng tạo rất đặc biệt vì các bạn làm mà không xảy ra cháy, nổ. Em thấy đây là một sân chơi thú vị vì chúng em được trải nghiệm, được tiếp cận kiến thức mới, cách nghĩ mới, được giao lưu với nhiều bạn học sinh vừa giỏi vừa thông minh của các trường bạn”.

Chẳng thế mà bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.1, nhận xét: “Tôi rất ngạc nhiên về khả năng sáng tạo của học sinh. Có ngày hội này mới thấy học sinh bậc THCS cũng có nhiều ý tưởng và đam mê nghiên cứu khoa học. Việc đặt câu hỏi rất sắc bén cho thấy các em thật sự muốn áp dụng bài học vào cuộc sống.

Ví dụ ở gian hàng của công trình nghiên cứu làm xà phòng từ vỏ chuối, một học sinh đã thắc mắc rằng: Những vỏ chuối loại nào thì có thể làm xà phòng? Khi vỏ chuối đốt lên thành tro liệu có thể giữ được các chất như xà phòng không? Những điều này làm thay đổi nhận thức của giáo viên về phương pháp giáo dục”

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên