20/12/2008 03:24 GMT+7

Nga - Ukraine tranh cãi về nạn đói 75 năm trước

THỤY ANH
THỤY ANH

TT - Ngày 18-12, đoàn đại biểu Nga tại LHQ đã ngăn chặn việc đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ khóa 63 một tuyên bố của Ukraine rằng nạn đói 1932-1933 là “diệt chủng”.

Theo đặc sứ Nga tại LHQ Vitali Churkin, Ukraine chỉ vận động được đại diện 31 nước khác, trong đó có Mỹ và Anh, ký vào tuyên bố này nên cuộc vận động coi như bất thành.

Ông Churkin cho biết một trong các nguyên nhân mà Ukraine không được sự ủng hộ cao là do Nga đã tích cực giải thích cho đại diện các nước về lịch sử của vấn đề. Nhờ đó mà có chín nước trong Liên minh châu Âu (EU) không ký vào tuyên bố của Ukraine, dù khối EU trước nay thường hoạt động đồng thuận. Ông Churkin nhận định tuyên bố của Kiev là “một mưu toan gieo rắc sự hận thù, mất niềm tin giữa hai dân tộc Nga và Ukraine”. Ông khẳng định: “Chúng tôi có chung quá khứ, và nạn đói thập niên 1930 không chỉ ảnh hưởng tới Ukraine”.

Đề tài nạn đói hay nạn diệt chủng vẫn là một đề tài tranh cãi chưa ngã ngũ giữa các nhà sử học Ukraine, Nga và thế giới. Hiện nay, ngoài Ukraine, có 14 nước công nhận thảm kịch năm 1932-1933 là nạn diệt chủng. UNESCO và Hội đồng nghị viện của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) khẳng định thảm họa nạn đói năm 1932-1933 là có thật, nhưng không công nhận đó là ý đồ diệt chủng. Hiện tại, người ta đang chờ sự xem xét và phán quyết từ phía LHQ.

Theo số liệu của các sử gia Nga, nạn đói năm 1932-1933 gây thiệt hại lớn cho nhiều vùng của Liên Xô, trong đó chịu hậu quả nặng nề nhất là Ukraine, vùng ven sông Đông, Kuban, Bắc Kavkaz, Tây Sibir, Nam Ural và Kazakhstan. Số nạn nhân có thể khoảng 6-10 triệu người dân Ukraine, Nga và Khazakhstan. Số liệu này đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định chính xác.

THỤY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên