10/11/2004 23:28 GMT+7

"Đêm trắng" tại New York: Nối dài hành trình tìm công lý

CAM LY
CAM LY

TT - Lời giới thiệu của Susan Hammond ngắn gọn, mở đầu cho hình ảnh đầu tiên của đêm 9-11: bộ phim tài liệu Đám mây độc của cuộc chiến của nhà làm phim Cecile Trijssenaar đến từ nước Anh.

d6xlQEVP.jpgPhóng to
Khán phòng trong buổi tối chiếu phim và thuyết trình

Sức nặng và chiều sâu của buổi chiếu phim đã khiến nhiều người nhận ra rằng: như thêm một bước đi của nỗ lực chung từ những con tim hiểu đâu là sự thật và công lý...

Điều gì đã khiến bạn dành cả buổi tối cho hai bộ phim tài liệu và một buổi nói chuyện về một đề tài như chất độc da cam (CĐDC)? Antonio Serna, làm việc trong lĩnh vực sản xuất băng dĩa nhạc tại New York, trầm ngâm hồi lâu trước khi trả lời: “Tôi đi tìm xem điều gì đã xảy ra 30 năm trước, và vì sao đến ngày hôm nay một nỗi đau như CĐDC vẫn là vô hình đối với công chúng Mỹ”.

Khán phòng của nhà hát The imaginAsian Theater tại thành phố New York không một bích chương quảng bá. Trên sân khấu cũng chỉ là một màn hình trắng. Lời giới thiệu của Susan Hammond ngắn gọn, mở đầu cho bộ phim tài liệu Đám mây độc của cuộc chiến của nhà làm phim độc lập người Anh Cecile Trijssenaar.

Cecile Trijssenaar khiến người xem muốn khóc. Bộ phim của cô tràn ngập nụ cười - nụ cười của những trẻ em tật nguyền VN, của những cựu binh VN nhiễm bệnh vì hậu quả của CĐDC.

bjqyr0Uh.jpgPhóng to
Sách báo, tranh ảnh về VN tại buổi chiếu phim và thuyết trình
Chính những nụ cười hồn nhiên ấy làm người xem đau lòng hơn cả nước mắt. Cậu bé Nam - một trong những hình ảnh lặp đi lặp lại trong phim - sinh ra đã không có chân, em di chuyển thoăn thoắt bằng đôi tay, miệng cười khanh khách. Nụ cười Nam nổi bật trên nền lời bình phim trầm và rõ ràng về sự hủy hoại dai dẳng của những đám khói làm đổi màu mặt trời ba mươi năm về trước. Hơn 50 phút phim kết thúc, khán phòng lặng như tờ.

Câu chuyện từ một góc công viên của đạo diễn Trần Văn Thủy nhận được tràng vỗ tay dài. Bản dịch sát nghĩa của Diane Fox giúp khán giả Mỹ đến gần với một cuộc đời trong hơn một triệu cuộc đời của những nạn nhân VN. Tiếng đàn bầu của cậu bé mù, con của người cha từng mặc áo lính trên đường mòn Hồ Chí Minh, trải dài như một nỗi ám ảnh trong phim.

Cô gái mặc áo khoác đỏ ngối hàng ghế gần cuối trong rạp chấm nước mắt. Laila, cô sinh viên gốc Hàn Quốc ngành báo chí, ôm mặt. Hai bộ phim cùng một đề tài đã đưa đến một thông điệp đồng nhất cho những người tham dự đêm 9-11: sự thật cần phải được nhận ra, và cần phải giảm thiểu nỗi đau của những nạn nhân VN cho dù có muộn đến thế nào đi nữa.

Nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths hồi tưởng: “Không có gì khó quên hơn là hình ảnh một người mẹ VN bón cho con ăn. Trong bao nhiêu năm đến với VN, dù đã gặp rất nhiều gia đình người Việt, tôi vẫn không sao cầm lòng được trước hình ảnh người mẹ cố gắng hằng ngày bón cơm cho đứa con hầu như không có cảm giác gì. Những người VN đã phải sống như thế trong bao nhiêu năm qua…”. Ông nói cho đến giờ này ông vẫn “nín thở” chờ đợi những ai chịu trách nhiệm về những thảm kịch da cam lên tiếng và làm một điều gì cụ thể.

Tác giả Fred Wilcox, người viết cuốn sách Bi kịch CĐDC, trăn trở: “Thú thật là cho đến lúc này, tôi dường như đã bất lực. Không phải vì tôi lãng quên mà vì tôi nhận ra đây không còn là vấn đề khoa học nữa. Khi các công ty hay tòa án yêu cầu đưa ra những bằng chứng rằng CĐDC gây ra hàng loạt căn bệnh, họ không còn nghĩ đến khoa học mà chỉ nghĩ đến kinh tế và chính trị mà thôi”.

Dù thế nào, những người bạn ấy của VN cũng không dừng bước hay bỏ cuộc. Mỗi người đều lặng lẽ tiếp tục phần việc tự nguyện của mình. Diane Fox phối hợp với Quĩ Hòa giải và phát triển chuẩn bị kế hoạch trưng bày những hình ảnh về CĐDC trên toàn nước Mỹ.

Cecile Trijssenaar tiếp tục đưa bộ phim của mình đi tìm sự đồng cảm ở mọi miền đất trên thế giới. Luật sư Constantine Kokkoris, đại diện cho những nạn nhân VN kiện các công ty hóa chất Mỹ, nói ông hi vọng những buổi tối như 9-11 sẽ được truyền cho nhiều người cùng biết, và được các hãng truyền thông quan tâm nhiều hơn.

Antonio Serna nói khi kết thúc đêm 9-11: “Tôi sẽ tham gia một tổ chức hoạt động cụ thể cho những nạn nhân VN”. Trung Hiếu, sinh viên VN tại Đại học New York, khẳng định sẽ có một kế hoạch tương tự như chương trình 9-11. Nhiều khán giả đã nấn ná sau buổi chiếu phim để trao đổi với Trijssenaar, Griffiths, Fox và Kokkoris. Buổi chiếu phim đã không chỉ là sự kiện của một đêm.

Lần đầu tiên chiếu phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội

(TT-Hà Nội) - Tối 23-11 tới, Quĩ Hòa giải và phát triển của Mỹ sẽ đem hai bộ phim tài liệu Đám mây độc của cuộc chiến của đạo diễn người Anh Cecile Trijssenaar và Câu chuyện từ một góc công viên của đạo diễn VN Trần Văn Thủy chiếu tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội có chiếu phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam tại rạp chiếu bóng (CLB điện ảnh 22A Hai Bà Trưng).

Hội Nạn nhân chất độc da cam VN cho biết xen kẽ giữa hai bộ phim sẽ có chương trình giao lưu giữa khán giả và đại diện của hội về vấn đề nạn nhân chất độc da cam VN. Ngoài 80-90 giấy mời, Quĩ Hòa giải và phát triển sẽ bán vé xem phim để gây quĩ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam VN.

Từ nay đến cuối năm, quĩ này cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động để góp quĩ và nâng cao nhận thức cho người dân Mỹ về tác hại của chất da cam/dioxin. Dự kiến vào đầu năm 2005, tại Mỹ sẽ có một cuộc triển lãm lớn về chất da cam trong chiến tranh ở VN.

CAM LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên