20/04/2009 04:29 GMT+7

Cuộc chơi khác lạ của "Đại - Lâm - Linh"

Ngọc Đại
Ngọc Đại

TTO - Đi tiên phong trong dòng nhạc đương đại, với những thể nghiệm khác lạ, đêm nhạc “Đại - Lâm - Linh” đã làm no nê cả tai lẫn mắt của những khán giả yêu mến thật sự lẫn đi xem chỉ vì tò mò.

61SUJ6kr.jpgPhóng to
Từ trái qua: Ngọc Đại, Linh Dung, Thanh Lâm trong đêm nhạc “Đại - Lâm - Linh” - Ảnh: Na Sơn

Đại - Lâm - Linh là tên của nhóm nhạc đương đại, viết tắt từ tên của ba thành viên Ngọc Đại - Thanh Lâm - Linh Dung.

Tên tuổi của nhạc sĩ Ngọc Đại gắn liền với những chương trình và bộ CD cùng tên thành công: Nhật thực 1 (2002) và Nhật thực 2 (2004). Anh được biết đến như một tác giả của những ca khúc trữ tình giàu triết lý và gai góc cả về ca từ lẫn giai điệu, nhịp phách.

Linh Dung vốn được đào tạo bài bản về thanh nhạc, được biết đến nhiều như là người thể hiện ca khúc cho SEA Games năm 2003 tại VN. Trước đây, cô thường xuất hiện trên sân khấu với những ca khúc nhạc nhẹ, trữ tình và cũng từng đầu quân cho Nhà hát Nhạc nhẹ trung ương (từ năm 1999), từng tham gia giảng dạy tại Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội.

Thanh Lâm quê gốc ở vùng quan họ Bắc Ninh, từng là giáo viên ở Sơn La trước khi trở thành ca sĩ vì quá mê nhạc của

Dù đã xuất hiện trước công chúng một lần trong chương trình Mùa xuân nước Pháp (5-2008) và gây được nhiều tiếng vang, nhưng đêm nhạc tối 18-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội mới thật sự được coi là cuộc chơi công khai đầu tiên của bộ ba đình đám Ngọc Đại - Thanh Lâm - Linh Dung sau ba năm cùng tập luyện. Khoảng 500 khán giả đã đến với đêm nhạc, phần không nhỏ là người nước ngoài, giới văn nghệ sĩ.

Chương trình gói gọn trong hai giờ không nghỉ, với 13 tác phẩm cả cũ lẫn mới của Ngọc Đại, trong đó 11 bài phổ thơ của những tác giả vốn rất quen tên: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Cầm Hải và Apollinaire. Có những ca khúc quen như Hoa gạo, Nhật thực, Chiêm bao trắng, Mơ, Dệt tầm gai, Tình ca du mục, Cây nữ tu bên cạnh những ca khúc gần như mới: Cổ hàng hiên mưa, Chiều, Đũa tre, Mùa đông, Lưu lạc, Giọng mưa đàn bà. Bước ra sân khấu, chỉ còn Ngọc Đại giữ lại hình ảnh “bộ ba đầu trọc”, Linh Dung cá tính với áo phông trắng, quần ta đen đi giày thể thao, quấn khăn đỏ trên đầu. Còn Thanh Lâm gầy gò trong chiếc áo the tay cộc cách điệu, bên trong là quần cộc và đi chân đất.

Sân khấu đơn giản, chỉ với hai chiếc mành tre rủ từ trên xuống hơi lệch nhau, nổi bật trên nền nhung đen và ánh sáng ám đỏ. Dàn nhạc pha trộn hiện đại lẫn dân tộc, cổ truyền được sắp đặt ở nửa trong của mặt sàn sân khấu, với piano Ngọc Đại, với guitar điện, contrabass bên cạnh đàn tranh, đàn đáy, trống da trâu, trống chầu, lại cả dàn nghệ nhân ca Huế, ca trù. Nửa trước sân khấu lọt thỏm thấp hẳn xuống với những bậc thang tạo thành một vùng không gian cách biệt hẳn với ban nhạc, là cái cớ để người hát thỏa sức diễn. Cộng thêm với ánh sáng đơn giản mà hiệu quả dưới bàn tay đạo diễn Cyril Lebrozec, sân khấu trở nên kỳ ảo, huyền hoặc.

gYJesgj0.jpgPhóng to
Thanh Lâm - một trong 3 thành viên của Đại - Lâm - Linh - Ảnh: Na Sơn

Không MC, khán giả theo dõi sự bắt đầu và kết thúc của một ca khúc bằng việc nhìn vào tờ danh sách ca khúc được phát, bằng sự ngắt - mở của âm thanh, bằng sáng - tối trên sân khấu và cả bằng những động tác sắp đặt có chủ ý của hai ca sĩ chính Thanh Lâm - Linh Dung khi đứng khi ngồi, lúc nằm, lúc lấy tay ôm mặt, lúc co quắp trên chiếc chiếu cói. Với sự kết hợp của hát - múa - diễn say mê như nhập đồng, dường như những gì họ biểu diễn trên sân khấu đã vượt qua cái ngưỡng của âm nhạc đơn thuần.

Những ca khúc tưởng đã quen, nghe vẫn như mới toanh bởi được sáng tạo lại hoàn toàn bằng nhiều cách: sự kết hợp nhạc cụ Tây với chất liệu dân gian, đưa cả tuồng, chèo Thị Mầu, ca trù, ca Huế vào ca khúc, sự hòa bè nhuần nhuyễn của Linh - Lâm, lối hát lúc như thì thào, lúc la hét thất thanh, lúc như khóc lóc nỉ non gần như không thể nắm bắt được giai điệu, có lúc lại hát bằng cả hai thứ tiếng Pháp - Việt... Họ đưa khán giả vào những mê mê thực thực đầy ảo giác, với những khát khao, khắc khoải về tình yêu, về nguồn cội, thân phận con người, thời gian...

“Đại - Lâm - Linh” kết thúc trong tiếng vỗ tay bùng nổ của khán giả, dù không ít trong số đó vẫn còn hoài nghi về một lối chơi âm nhạc quá mới mẻ, quái lạ. Nhưng đêm nhạc là kết quả chứng minh cho sự lao động, sáng tạo thử nghiệm không mệt mỏi của những người tiên phong ở dòng nhạc Việt đương đại.

“Đại - Lâm - Linh” cũng là đêm công diễn ra mắt CD cùng tên đầu tiên của bộ ba này, được sự bảo trợ của Trung tâm Văn hóa Pháp. Giám đốc L’Espace cho biết: “Tôi tin khi CD và chương trình hòa nhạc của nhóm tổ chức tại Pháp sẽ gây tiếng vang rất lớn”.

Một số hình ảnh trong đêm nhạc Đại - Lâm - Linh tối 18-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội:

8zgoBwHb.jpgPhóng to
Không chỉ ngẫu hứng và sáng tạo trong lối hát, các ca sỹ còn thể hiện rất nhiều cảm xúc qua trình diễn hình thể - Ảnh: Na Sơn
6U0HpLj2.jpgPhóng to
Ca sĩ Linh Dung - Ảnh: Na Sơn
tGn7k5In.jpgPhóng to
Từ trái qua: nhạc sỹ Ngọc Đại (pianist), ca sỹ Linh Dung và ca sỹ Thanh Lâm - Ảnh: Na Sơn
KeqvmChf.jpgPhóng to
Nhạc sỹ Ngọc Đại kiêm Pianist - Ảnh: Na Sơn
Ngọc Đại
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên