28/12/2011 03:01 GMT+7

Nếu như có kiếp sau...

NGUYỄN NGỌC HÀ (TP.HCM)
NGUYỄN NGỌC HÀ (TP.HCM)

AT - Thời đi học, tôi được nhiều thầy cô quí mến, nhưng không hiểu sao định mệnh lại đưa đẩy để tôi rất khắng khít chỉ mỗi mình cô Lê Thị Nhứt Hoa và chỉ nhớ một mình cô cho dù cô đã không có mặt trên trái đất này nhiều năm rồi.

Tôi học cô Nhứt Hoa môn toán lớp đệ lục (lớp 7) và lý hóa lớp đệ tứ ( lớp 9). Học sinh đệ tứ không còn thiếu nhi cũng chưa là người lớn, rất mơ mộng và háo hức những chuỗi ngày còn ở phía trước. Học tiếng Pháp từ nhỏ, nhạc Pháp lại rất thịnh hành, tôi cứ mơ mộng những giai điệu Pháp và gương mặt điển trai của ca sĩ Christophe. Được cái ngoài giờ học tôi lại... siêng học. Buổi chiều ở nhà, tôi lấy tập sách cũ của anh chị xem trước bài ngày mai, có thể nói là học trước, học sinh thời đó ghi chép bài rất kỹ, nhứt là với chị tôi, một học sinh nổi tiếng chăm chỉ.

Chẳng hiểu sao đúng giờ học, tâm hồn tôi lại bềnh bồng, mơ màng những giai điệu Je t’aime, je sais... độc đáo hơn nữa cứ giờ cô Nhứt Hoa, dĩ nhiên tôi luôn bị chiếu cố lên bảng. Nhờ học trước ở nhà, vào lớp nghe cô giảng loáng thoáng, lên bảng làm cũng được bài, cũng áp dụng những công thức về điện một chiều, cũng cân bằng phản ứng hóa học... và đúng hết. Thế nhưng, trực giác của người dạy hình như thấy tôi như đi trên mây, cô chỉ nhẹ nhàng: “Em làm bài giỏi lắm nhưng cô có cảm giác đầu óc em để tận đâu đâu. Đừng mơ mộng nữa. Việc gì đến sẽ đến và sau này nếu không đến thì cũng sẽ chẳng bao giờ đến. Để tâm học hành đi”.

Ngày trước thầy cô không chửi, không đánh..., chỉ nhẹ nhàng, vậy mà học trò đều lấm lét khi lỡ không thuộc bài, biết nức nở khi bị la mắng sao không chịu học bài, lớn lên làm gì ăn, biết sợ khi thầy cô gọi đến tên. Tôi cũng không ngoại lệ, lời cô nhắc nhẹ nhàng đủ để tôi cố kéo tâm hồn mình về thực tại.

Giờ học cuối của năm đệ tứ, chúng tôi sang “trường lớn” (Trung Học Đệ Nhị Cấp = cấp 3) học, không còn học cô nữa. Đứng giữa lớp cô nói với chúng tôi: “Cô mong sau này gặp các em ở những hoàn cảnh sau: các em sẽ tiếp tục đi học nhưng bậc cao hơn, hoặc các em sẽ là những công nhân viên chức tận tụy nhiệt tình với công việc, hoặc có thể là người vợ, người mẹ... trong một gia đình và hạnh phúc với gia đình đó”. Cô nói rất thực tế. Sau lớp đệ tứ, vài đứa chúng tôi thi vào các trường nông lâm súc, trung học y tế, có nghề nghiệp hai năm sau đó. Vài đứa nộp đơn vào công chức, đặc biệt có nhỏ Ngân, lấy chồng ngay mùa hè lớp 9 và cô cũng có buổi nói chuyện riêng khi nó vào trường gặp cô và bạn bè “từ giã cuộc vui”.

Lúc ra về hôm cuối cùng đó, cô nói với tôi: “Học hành có gì thắc mắc đến Trường đại học Khoa học (ĐHKH Tự nhiên hiện nay) gặp cô, cô sẽ giúp, cứ vào nói tên cô, người ta sẽ chỉ cho em”. Không ngờ đó là mốc đầu tiên để những chuỗi ngày sau này, cô là người luôn nâng đỡ tôi về vật chất, tinh thần. Và Trường ĐHKHTN chứa đầy những dấu ấn, những ký ức tốt đẹp nhứt của cô trò chúng tôi, tuy tôi vào Đại học Kiểu mẫu (ĐH Sư phạm Kỹ thuật) rồi ĐH Ngoại ngữ và không “dính dáng” học hành gì đến trường ĐH này cả.

Có lần nhà thiếu gạo ăn (năm 1978), tôi mang quyển Let’s Learn English đến gặp nhỏ bạn học thời tiểu học, đang có nhu cầu học tiếng Anh để bán. Nhỏ là nhân viên của Trường đại học Khoa học tự nhiên, cùng khoa với cô Nhứt Hoa. Cô biết được bảo tôi cầm hai mươi đồng về xoay sở và không được bán sách, dù tôi cố nói những gì trong sách tôi đã “chép” vào đầu rồi. Cuối cùng tôi đành cầm sách và tiền về để rồi sau đó vài tuần tôi lại mang quyển sách ấy đi bán ở các tiệm sách cũ với giá rẻ mạt! Tôi biết nếu trở về trường bán lại cho người cần là nhỏ bạn tôi, chắc chắn cô sẽ lại đưa tiền và bảo tôi cầm sách về.

Cô ra đi cũng chính là lúc tôi đã có cuộc sống kinh tế ổn định. Thế nhưng tôi chẳng bao giờ được tặng cô một món quà giá trị, đầu tiên nhân Ngày nhà giáo. Chẳng hiểu cơ duyên gì, tôi lại có nhiều dịp đến gặp bạn bè là giảng viên Đại học Sư phạm, khoa giáo dục tâm lý. Mỗi lần đứng nơi hành lang của khoa, nhìn qua bên kia là sân Trường đại học Khoa học tự nhiên, tôi nhớ cô vô cùng. Ước gì tôi đã có thể tặng cô những quyển tản văn tôi viết và được xuất bản. Chắc chắn cô sẽ rất vui. Tôi khao khát làm sao cho cô xem những bài dịch từ những quyển sách Anh Pháp, mà tôi đã cố hết sức gìn giữ ngay cả những lúc bức bách về tiền bạc, để cô thấy rằng học trò cô không phải là một đứa không đọc được sách, không yêu sách và bán sách trong câu tục ngữ: Cha làm thầy con bán sách Tôi cũng rất muốn cô biết lời nói ngày xưa của cô thật đúng khi những gì đến đã đến với tôi cả rồi. Và những gì không đến thì đã không đến, bất chấp thời gian và sự chờ đợi mệt mỏi của tôi.

Một năm nữa sắp qua đi, một năm mới lại đến gần... Học trò cô tóc đã có màu thép xám. Nếu như có kiếp sau, tôi vẫn muốn được là học trò cô, được giật bắn người khi cô bắt gặp đang thả hồn theo mây gió và gọi lên bảng để trở về thực tại. Để được nghe những lời cô chia sẻ về cuộc đời, được khóc, hối hận và biết sợ khi phạm lỗi... Nếu có kiếp sau...

QMpp7Hzr.jpgPhóng toÁo Trắngsố 23 ra ngày 15/12/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN NGỌC HÀ (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên