Diễn đàn “Chạy theo bằng cấp bằng mọi giá?”:
![]() |
Công tác tư vấn, hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng học sinh. Trong ảnh: TS Nguyễn Văn Hòa, trưởng phòng đào tạo ĐH Tây nguyên, tư vấn cho học sinh trong chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2009 tại Đắc Lắc - Ảnh: T.T.D. |
Rất tiếc vì giới hạn của trang báo, chúng tôi chưa thể giới thiệu được tất cả. Trong số báo này, Tuổi Trẻ xin nêu ý kiến của các chuyên gia, người có trách nhiệm... bàn về lối ra cho vấn nạn chạy theo bằng cấp để tạm khép lại diễn đàn này.
* PGS.TS Trần Thành Trai (ĐH Mở TP.HCM):
Cần làm tốt công tác phân luồng
Bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Con người cần phải có kỹ năng để thực hiện công việc nữa. Trong khi đó, trường đại học chỉ cung cấp kiến thức và hướng dẫn sinh viên vận dụng tri thức vào cuộc sống; kỹ năng phải do sinh viên tự trau dồi trong quá trình thực hành. Một người vừa có bằng cấp vừa có kỹ năng nữa thì quá tốt. Tuy vậy, không có bằng cấp chưa hẳn cuộc đời đã đi vào ngõ cụt. Thực tế đã chứng minh rất nhiều người không có bằng cấp nhưng vẫn thành công trong cuộc sống, vẫn phát minh, sáng chế ra nhiều công trình thú vị, hữu ích. Vấn đề là công tác phân luồng học sinh sau trung học như thế nào để các em nhận ra năng lực của mình nên học nghề hay thi đại học.
* Ông Phạm Ngọc Thanh (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Nâng chất trường nghề
Trước hết, Nhà nước nên quan tâm đầu tư xây dựng một hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề để có thể đào tạo những nghề xã hội cần và đào tạo có chất lượng. Làm sao để những trường nghề có cơ ngơi khang trang, phòng học thoáng mát, trang thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại. Thậm chí trường nghề còn có những ngành liên kết với nước ngoài để đào tạo người lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp các nước trong khu vực. Khi các trường nghề có thể công bố chuẩn đầu ra, khi học viên trường nghề tốt nghiệp có việc làm ngay, lương đủ sống và ổn định, cộng thêm sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông đại chúng thì tình trạng học sinh tốt nghiệp tú tài đổ xô đi thi đại học sẽ giảm.
* TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Thay đổi cách tuyển dụng
Ngày nay, khoa học đã có nhiều cách kiểm tra, giúp các bạn trẻ “hiểu mình”: năng lực, sở trường của mình như vậy thì nên tiếp tục học đại học hay học nghề, học nghề thì học nghề gì... Hằng năm, chỉ có khoảng 30% thí sinh thi đậu đại học, 70% còn lại chắc chắn sẽ vào đời bằng nhiều con đường khác nhau không phải đại học. Và họ vẫn thăng tiến, vẫn thành đạt đó thôi.
Vì vậy, tôi nghĩ ngay chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng nhân sự hoặc đề bạt người nâng lương, nâng chức nên chú ý đến hiệu quả công việc trên thực tế của cán bộ, nhân viên chứ không nên chú trọng đến bằng cấp. Nhiều công ty tư nhân họ phát triển tốt nhờ cách tuyển nhân sự dựa vào khả năng thực tế của người lao động, bằng cấp chỉ là phụ mà thôi.
* TS Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM):
Chú trọng công tác tư vấn học đường
Một giải pháp theo tôi không kém phần quan trọng là Nhà nước cần có nghiên cứu về chính sách đảm bảo thu nhập, chế độ lương thưởng hợp lý cho các loại công việc nhằm thu hút học sinh vào các trường nghề (đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội). Một trong những nguyên nhân làm học sinh không thích học nghề là do có sự phân biệt rất rõ trong chế độ lương bổng đối với những người tốt nghiệp các trường này với những người tốt nghiệp đại học.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn học đường cũng cần được quan tâm đúng mức, bắt đầu bằng việc đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp, am hiểu hệ thống giáo dục và thị trường lao động, có nghiên cứu và có chuyên môn nhằm có thể giúp phụ huynh và học sinh trong việc định hướng học tập của mình.
* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM):
Xây dựng mẫu người thành đạt
Một việc có ý nghĩa chiến lược lâu dài và phải huy động toàn xã hội chung tay (trong đó báo chí, đài truyền hình, phát thanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng) là xây dựng những giá trị sống thành đạt đích thực. Tức là xây dựng mẫu hình những người thành đạt, hạnh phúc, giàu có, trong đó có nhiều người không cần bằng cấp cao.
Xã hội chúng ta có rất nhiều người như vậy, họ là nông dân, công nhân, thợ thủ công, viên chức bình thường nhưng giỏi tay nghề, trung thực, tận tụy, có đạo đức được mọi người kính trọng, quý mến. Chúng ta gặp không ít người là thợ lái máy cày, công nhân xây dựng... khi có điều kiện họ có thể học đại học, nhưng học không phải lấy bằng để kiếm sống mà để mở mang sự hiểu hiết, làm cuộc sống phong phú hơn.
* TS Phùng Khắc Bình (vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT): Trường ĐH phải công bố chuẩn đầu ra Để thay đổi tình trạng quá coi trọng bằng cấp, tôi nghĩ cần có sự thay đổi nhận thức của người học, của nhà trường và cả xã hội. Trong đó yếu tố quan trọng là các đơn vị sử dụng lao động. Đương nhiên với những người vượt qua mọi khó khăn để cố gắng học tập, học để nâng cao tri thức, học để làm cuộc sống tốt hơn thì xứng đáng được hoan nghênh. Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh việc phối hợp với các ban ngành khác để thực hiện công tác phân luồng học sinh sau phổ thông. Hiện nay, cả nước đã có hơn 150 trường đại học có trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp với nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tư vấn cho sinh viên chọn ngành nghề sau giai đoạn đại cương, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường ĐH phải công bố chuẩn đầu ra: căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng trường, học sinh sẽ tự lượng sức xem mình có học được không. Từ đó sẽ có quyết định thi vào trường ĐH hay trường nghề. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận