Phóng to |
Tại phiên tòa hình sự còn có lực lượng cảnh sát bảo vệ (dẫn giải bị cáo) xử lý, riêng các phiên tòa dân sự thì không có ai giải quyết.
Theo thẩm phán xét xử án dân sự, khi các tranh chấp dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... ngày càng căng thẳng hơn, việc bị tuyên thua kiện khiến đương sự bức xúc, nóng giận, mất bình tĩnh dễ dẫn đến xô xát, ẩu đả, thậm chí hành hung cả hội đồng xét xử.
Chủ tọa cũng bị đánh
Cơ quan điều tra Công an quận 1, TP.HCM vừa chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát đề nghị truy tố đương sự Phạm Thị Nguyệt tội danh "chống người thi hành công vụ” vì đã tát thư ký ngay tại phiên tòa. Sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp đất đai ngày 14-5-2008, bị tuyên bác đơn, Nguyệt đập bàn, lớn tiếng mắng chủ tọa xử không đúng. Hội đồng xét xử yêu cầu thư ký tòa ra mời bảo vệ vào để giải quyết thì Nguyệt túm thư ký và tát vào mặt.
Nghiêm trọng hơn, ngày 10-7-2008, thẩm phán Võ Duy Minh (TAND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị đánh trọng thương, phải đi bệnh viện cấp cứu ngay sau khi kết thúc phiên xử. Thẩm phán Minh được phân công giải quyết vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Tư và bà Trần Thị Xuân Phụng. Khi thụ lý vụ án này, tòa đã làm thủ tục hòa giải nhưng không thành. Khi xét xử, hội đồng xét xử tuyên cho ông Tư và bà Phụng được ly hôn thì bà Phụng (không đồng ý ly hôn) cùng người nhà lao lên chỗ hội đồng xét xử đánh thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Một vụ ẩu đả xảy ra trong phiên tòa dân sự tại TAND TP Hà Nội vào tháng 4-2008. Trong quá trình tranh luận, lời qua tiếng lại căng thẳng, bị đơn đã rút guốc ra phang luật sư của nguyên đơn, gây náo loạn phiên tòa. Vụ việc đang được các cơ quan tố tụng làm rõ.
Ảnh hưởng sự tôn nghiêm
Chỉ tính trong vòng nửa năm trở lại đây đã có hàng chục phiên tòa bị đương sự gây náo loạn như thế, thậm chí hành hung cả hội đồng xét xử. Bên cạnh đó, chuyện đương sự lớn tiếng chửi mắng, lăng nhục lẫn nhau hoặc mạt sát tòa án, luật sư sau khi vụ án xét xử xong diễn ra hầu như thường xuyên.
Tại TAND TP.HCM từng có trường hợp đương sự nằm vạ ngay giữa sân tòa khóc la khiến bảo vệ rất vất vả để "điều" được đương sự này ra về. Những hình ảnh lộn xộn trong các phiên tòa dân sự đã làm giảm nhiều tính tôn nghiêm nơi pháp đình. Một thẩm phán chuyên xử các vụ dân sự tâm sự: hầu hết phòng xử án dân sự đều rất nhỏ, có phòng chỉ hơn 10m2. Khoảng cách giữa hội đồng xét xử và các đương sự có khi chỉ hơn 1m. Nếu trong lúc thẩm vấn hoặc tuyên án mà đương sự bất ngờ manh động thì hội đồng xét xử khó mà tránh được!
Nhiều vụ án tranh chấp căng thẳng, tưởng chừng như các đương sự chỉ muốn xông vào nhau khiến chủ tọa phải gồng mình để làm dịu sự nóng giận giữa hai bên, giữ không khí trang nghiêm của tòa. Dù vậy, vẫn có những vụ khi tuyên án xong hội đồng xét xử phải vội vàng ôm cặp, đi như chạy ra khỏi phòng xử để khỏi phải nghe những lời la ó tức giận của các bên.
Luật sư Trương Thị Hòa, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi đương sự trong các vụ án dân sự, bức xúc: nhiều lúc xách cặp ra tòa mà không yên tâm. Nếu có gì xảy ra cũng chẳng có ai bảo vệ. Nhiều luật sư đồng tình với việc phải có lực lượng cảnh sát bảo vệ tại các phiên tòa dân sự để giữ trật tự và ngăn chặn những hành vi bạo lực nhằm vào hội đồng xét xử và những người khác tham gia phiên tòa.
Cần có cảnh sát tư pháp
Theo ông Bùi Ngọc Hòa - phó chánh án TAND tối cao, hiện nay có lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát này trực thuộc ngành công an quản lý, chủ yếu có nhiệm vụ áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng và bảo vệ các phiên tòa hình sự. Với các phiên tòa dân sự, hành chính, kinh tế, hôn nhân gia đình thì chỉ khi có yêu cầu cần phối hợp, tòa án gửi công văn nhờ lực lượng cảnh sát này hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỉ có tại tòa án cấp tỉnh (dự liệu có số lượng người tham dự đông, tranh chấp phức tạp, căng thẳng), còn lại hầu hết phiên tòa cấp quận huyện không hề có lực lượng cảnh sát bảo vệ giữ trật tự phiên tòa. Theo ông Hòa, việc có cảnh sát tư pháp bảo vệ tại tất cả phiên tòa là rất cần thiết để giữ gìn trật tự, sự trang nghiêm của tòa án và an toàn cho hội đồng xét xử.
Theo ông Bùi Hoàng Danh - đại biểu Quốc hội, chánh án TAND TP.HCM: nếu thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp thì tại tất cả phiên tòa: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế... đều phải có lực lượng cảnh sát tư pháp tham gia bảo vệ, giữ trật tự. Lực lượng cảnh sát tư pháp này là của tòa án, hoàn toàn khác với cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc ngành công an hiện nay.
Về nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát tư pháp có thể do ngành công an huấn luyện nhưng phải thuộc biên chế và chịu quản lý, điều hành, phân công trực tiếp của chánh án TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Ngoài chức năng bảo vệ các phiên tòa, cảnh sát tư pháp còn có thể tham gia bảo vệ trụ sở tòa án, áp giải bị cáo, nhân chứng, bắt người gây rối tại tòa án... Theo ông Danh, phần lớn tòa án các nước đều có lực lượng cảnh sát tư pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận