25/09/2010 11:05 GMT+7

Nàng tiên hay bóng ma?

PHẠM TOÀN
PHẠM TOÀN

TTCT - Chừng nào vẫn còn giữ quan điểm học tiếng Anh như hiện nay, thì muôn đời không có giáo viên đáp ứng yêu cầu.

a2BTXxnU.jpgPhóng to
Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 12A10 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Ban đầu, đó là bóng dáng một nàng tiên cứu mệnh, rồi cũng nàng tiên ấy lại biến thành một bóng ma đe nẹt như một con ngáo ộp - cả hai bóng dáng kép đó đều nằm chung trong một biểu đạt có một thời hấp dẫn: dạy ngoại ngữ theo đường lối giao tiếp.

Tinh hoa cũng đầy khuyết điểm

“Có một thời hấp dẫn”, vì nó mở ra một cách lý giải mang tính đường lối (strategic) hi vọng kéo việc học ngoại ngữ theo đường lối dịch thuật, theo lối đọc - nhìn, theo đường lối “phi giao tiếp” sang một hướng đi hoàn toàn mới mẻ khác. Quả là có vậy: đường lối học ngoại ngữ trước khi quay ngoắt về đường lối “giao tiếp” bị coi là hoàn toàn không hiệu quả với đám đông người học. Ngay với lớp tinh hoa thì cũng đầy rẫy khuyết điểm: trong Chiến tranh và hòa bình, Lev Tolstoi đã giễu các bà quý tộc Nga phát âm Europe thành “Uy-rốp”! Có điều là trong cơn mê mải tìm khuyết điểm của đường lối cũ, người ta cũng quên chuyện Stefan Zweig mô tả trong hồi ký Thế giới ngày qua: mỗi khi gặp nhau dịp năm mới, mọi người trong gia đình ông “dịch chuyển dễ dàng từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác...”.

Đường lối giao tiếp xuất hiện vào những năm 1950 giữa Chiến tranh lạnh. Khi đó, lượng di dân giữa các nước để “mưu cầu hạnh phúc” rất lớn: từ các nước tư bản còn thiếu thốn (như Ý, Hi Lạp...) sang các nước tư bản phát triển - và cả từ các nước XHCN như Ba Lan, Nam Tư, Hungary... sang những nước tư bản khác sẵn công ăn việc làm và mức sống cao hơn.

Đường lối dạy ngoại ngữ khi đó nhằm vào người lớn tuổi là chính, và được phát biểu không mập mờ: “Người lớn không thể chờ lâu hơn ba tháng để có một việc làm”. Xin bạn hãy giở trang sách bất kỳ nào: mở đầu là hê-lố, hê-lồ, sau đó là lê tấm thân đi “giao tiếp” ở các cửa, từ cơ quan công an đến bệnh viện, từ bưu điện tới nhà hàng.

Trời lại phù hộ cho tiếng Anh có đặc điểm này: người học muốn đi tới chỗ cao xa nhất của nó thì tiếng Anh cũng khó học chẳng thua gì những ngôn ngữ văn hóa khác, nhưng ở giai đoạn chỉ cần trình độ A thì ba tháng là tạm đủ để có một thứ Singlish lối Singapore với nhiều âm sắc Tàu, một thứ Thaiglish giọng khề khà kiểu Thái - và có không một thứ Vietglish? Trên tờ Newsweek số tháng trước, người ta lại nhắc đến tiếng Anh như một thứ Globish và người ta cũng chưa khắt khe thêm bao nhiêu.

Không thể có “chất lượng” siêu hình

Thời đổi mới với sự lên ngôi của đồng tiền, với sự háo hức của lớp người muốn con em “du học tại chỗ”, đường lối giao tiếp bỗng mang những đòi hỏi cao hơn. Các trung tâm mời các anh chị Tây balô tạt qua dạy nói. Những bộ sách dạy tiếng Anh không kèm theo cách hướng dẫn sử dụng biến các cô giáo tiếng Anh thành những con rối múa may với trẻ em nhiều hơn là dạy các em một ngôn ngữ văn hóa. Tội nghiệp thay, ai không múa may được thì bị coi là không đủ trình độ, không đáp ứng yêu cầu dạy tiếng Anh giao tiếp!

Các nhà chỉ đạo dạy tiếng Anh quên một điều: đạt 500, chứ có đạt 5.000 điểm TOEFL đi nữa, thì đó vẫn chưa có nghĩa là có năng lực giao tiếp. Đạt điểm TOEFL mới chỉ có nghĩa xác nhận sự đủ lông đủ cánh. Nhưng đủ lông đủ cánh vẫn chưa có nghĩa là bay được. Và biết bay rồi cũng chưa có nghĩa là bay đúng (bay tới đâu, bay làm gì) - không có cái sự “bay” siêu hình trên đời này.

Người viết bài này cho rằng: tất cả các giáo viên hễ đã tốt nghiệp từ các trường đào tạo giáo viên ngoại ngữ (cao đẳng cũng như đại học) đều được coi là đủ trình độ dạy tiếng Anh cho học sinh trường phổ thông. Người soạn sách dạy tiếng Anh có năng lực phải tìm ra cuốn sách phù hợp với các giáo viên đó - nếu họ làm được theo cuốn sách mình soạn cho họ dạy thì đó là “có chất lượng”, chứ không thể có cái sự “chất lượng” siêu hình trên đời này.

Không thể giải quyết được chuyện “chất lượng” giáo viên một khi bản thân những người soạn sách giáo khoa dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông vẫn chưa thoát ra khỏi đường lối di sản của Chiến tranh lạnh, vẫn chưa trả lời rõ: trẻ em học tiếng Anh để làm gì và cách học cần phải diễn ra như thế nào?

Một bóng ma tự mình dựng ra để mà tự mình không vùng thoát ra khỏi: bóng ma đường lối gọi bằng “giao tiếp”. Hãy thoát ra khỏi cái ám ảnh đó đã!

PHẠM TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên