17/02/2008 09:14 GMT+7

Nâng niu từng ký ức

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Thời gian gần đây, giới ca sĩ rộ lên phong trào tìm, hát và phát hành album nhạc xưa. Sự phục hưng này có phần đóng góp âm thầm của các nhà sưu tầm nhạc. Một người như thế chưa đến tuổi 30.

9WIwaxaQ.jpgPhóng to
TT - Thời gian gần đây, giới ca sĩ rộ lên phong trào tìm, hát và phát hành album nhạc xưa. Sự phục hưng này có phần đóng góp âm thầm của các nhà sưu tầm nhạc. Một người như thế chưa đến tuổi 30.

"Tôi đến với công việc sưu tầm nhạc xưa từ một nguyên cớ rất tình cờ. Năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất. Nhiều người yêu thích ông đổ xô đi tìm nghe lại những bản nhạc của Trịnh. Ca sĩ, hãng đĩa nhanh chóng thu âm, phát hành album nhạc Trịnh và nhiều đêm nhạc Trịnh cũng đã được tổ chức ở khắp nơi. Tôi tự hỏi không hiểu vì sao người ta lại mê Trịnh Công Sơn đến như vậy nên mới tìm nghe thử. Nghe rồi cũng... mê luôn". Bảo Anh đã nói như vậy về lý do anh bắt đầu công việc sưu tầm nhạc.

Chàng trai trẻ mê nhạc xưa

Từ đấy, ngày ngày chàng trai sinh năm 1979 đạp xe đến các cửa hàng sách cũ tìm mua lại những bản nhạc xưa. Các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Khánh Băng... ấn hành từ những năm "19... hồi đó” lần lượt xuất hiện tại nhà anh. Anh kể: "Nhiều bản nhạc rất quí nhưng vì không được bảo quản cẩn thận đã bị mốc hay gián, mọt ăn đến rách nát. Xót lắm! Tôi phải dùng bông gòn lau từng trang rồi dán lại".

Coi trọng từng bản nhạc nên dù là đêm tối, dù trong chiều mưa tầm tã hay giữa trưa nắng gắt, chỉ cần nghe đâu đó "có hàng" là anh lại lọc cọc đạp xe đi. Chủ những cửa hàng sách cũ đến nay đã không còn lạ gì Bảo Anh nên cũng sẵn lòng giữ lại cho anh mỗi khi có được những bản in cũ giá trị.

98lH0Lfs.jpgPhóng to

Nhà sưu tập Bảo Anh đang sắp xếp lại “gia tài” của mình - Ảnh: Phạm Thành Nhân

Không chỉ sưu tầm nhạc bản, Bảo Anh còn tìm gặp từng tác giả để hiểu thêm về bối cảnh sáng tác từng ca khúc, những giai thoại quanh chúng và ghi chép lại. Có thể nói với những gì đã tìm hiểu được, kiến thức tân nhạc của Bảo Anh hôm nay không thua gì một chuyên gia sử nhạc. Chỉ cần nói tên một bản nhạc, anh sẽ có thể kể vanh vách về tiểu sử tác giả, tuyển tập nhạc có tác phẩm, được in ấn năm nào, đã có những ai trình bày...

Bảo Anh khoe: "Bộ sưu tập của tôi hiện nay gần như có tất cả những bài nhạc xưa mà mọi người muốn tìm. Thậm chí tôi có cả những bài mà chính tác giả không còn giữ được". Nhiều tác giả đã tỏ ra bất ngờ và ngỏ lời cảm ơn Bảo Anh khi biết anh còn cất giữ tác phẩm của họ hoặc được anh tặng lại tác phẩm. Tất nhiên họ luôn sẵn lòng trò chuyện và ký tên lên tác phẩm tặng anh, giúp bộ sưu tập của anh tăng thêm giá trị.

Kho tư liệu quí giá và chiếc xe đạp

Sưu tầm và giữ lại cho mai sau

Thú sưu tầm "đồ cổ" trong làng âm nhạc VN không chỉ có Bảo Anh. Nhạc sĩ Tiến Luân, Thanh Sơn cũng đang giữ trong tay cả một kho tàng những bản nhạc xưa. Nhiều nhà sưu tập khác xem đĩa nhựa là thú chơi sang trọng hơn. Người khác chỉ chuyên sưu tầm băng cassette cũ, máy hát đĩa, băng cuộn… Riêng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại có một bộ sưu tập khác - tất cả các vật trang trí có hình dạng chiếc dương cầm như: thước kẻ, bật lửa, mô hình xe…

Với hầu hết các nhà sưu tập thì đó chỉ là một thú vui. Nhưng bên cạnh thú vui là ý thức giữ gìn những "di sản" văn hóa không bị mai một.

Hơn 2.000 bản nhạc xưa in rời được anh cất giữ trong một chiếc tủ riêng tại nhà. Nhạc bản cũ nhất được in từ năm 1946. Bên cạnh đó là hơn 40 tuyển tập nhạc, trung bình 20 bài mỗi cuốn, đã đưa Bảo Anh lên vị trí nhà sưu tầm nhạc xưa hàng đầu tại VN.

Tuy nhiên, khác với nhiều nhà sưu tập nhạc khác - bán bản photo cho người có nhu cầu, Bảo Anh photo và tặng tất cả vì anh cho rằng người ta có quí, có yêu tác phẩm mới tìm lại chúng. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo cần tư liệu đều tìm đến anh như một địa chỉ quen thuộc. Những ca sĩ, người quản lý muốn tìm bản nhạc gốc để đối chiếu cũng nhớ ngay đến cái tên Bảo Anh.

Nhiều nhà xuất bản âm nhạc, Việt kiều đã đặt vấn đề mua lại toàn bộ bộ sưu tập. Giá cao nhất họ đề nghị là 20.000 USD. Bảo Anh vẫn lắc đầu từ chối bởi những trang giấy nhuốm màu thời gian đó đã trở thành cuộc sống của anh. Anh nói: "Số tiền ấy với tôi là cả một gia tài, nhưng tôi không thể bán. Tôi sẵn sàng photo để tặng, nhưng bán thì không.

Nhiều khi bạn bè cũng khuyên tôi bán đi để đổi đời. Tôi lại cứ nghĩ rằng tiền có thể kiếm được, có thể ít hoặc nhiều, nhưng những bản nhạc này thì không bao giờ có nữa". Bảy năm sưu tầm, gia tài ký ức của Bảo Anh ngày thêm giàu có, còn phương tiện đi lại vẫn chỉ là con ngựa sắt trung thành.

Những năm đầu tiên khi anh bắt đầu sưu tầm nhạc, hầu như luôn dễ dàng kiếm được ca khúc mình muốn. Nhưng càng về sau chúng càng thưa vắng. Có khi cả hai, ba tháng anh mới tìm được một bài, mà giá lại không còn rẻ như xưa. Trong suốt câu chuyện anh cứ nhắc đi nhắc lại mong mỏi rằng những ai còn lưu giữ những bản nhạc thời tiền chiến, nhạc cũ hãy điện cho anh để anh mua lại hoặc xin phép chụp lại để bổ sung cho bộ sưu tập của mình.

Chàng trai gầy gò trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM) lại cặm cụi bên gia tài vô giá mà anh đã góp nhặt thầm lặng mỗi ngày. Âm thanh của ký ức như sợi tơ mỏng nhẹ cứ mãi lẩn quất đâu đó trong bộn bề cuộc sống...

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên