11/06/2010 05:22 GMT+7

Nạn nhân tai biến y khoa: Đền bù... tùy hảo tâm

L.ANH ghi
L.ANH ghi

TT - Việc 22 bệnh nhân bị viêm nội nhãn sau mổ phaco tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, mà nguyên nhân ban đầu là do chất chỉ thị màu nhiễm trực khuẩn mủ xanh, đang khiến ngành y tế đối mặt một trách nhiệm “mới”: Đền bù cho bệnh nhân như thế nào sau tai biến y khoa, nếu lỗi thuộc về phía thầy thuốc?

WBljAxhp.jpgPhóng to
Đông đảo người dân khám bệnh ở Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hôm 8-6 đã đến kiểm tra vụ việc tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Theo ông Khuê, trong số 22 bệnh nhân nói trên có 10 người đã ra viện, 12 người đang được tích cực điều trị.

“Rất may không có bệnh nhân nào phải khoét nhân mắt, nhưng giảm thị lực thì chắc chắn sẽ có”- ông Khuê nói với Tuổi Trẻ.

Chưa có quy định cụ thể

Việc đền bù như thế nào cho những thiệt hại mà bệnh nhân đang gánh chịu như phải nghỉ việc, tốn kém chi phí nằm viện dài ngày, đặc biệt là thị lực bị suy giảm, theo ông Khuê, chưa có quy định cụ thể. Những bệnh viện “tốt bụng” thì điều trị miễn phí cho bệnh nhân, còn việc đền bù phải đợi điều tra nguyên nhân, không thể ngày một ngày hai.

Mới đây, bé N.T.C. (4 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa tại một bệnh viện ngành nông nghiệp ở Ngọc Hồi (Hà Nội) đã tử vong trên đường chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Gia đình cho biết khi mổ xong, bác sĩ còn thông báo ca mổ thành công.

Ngay khi thấy con tím tái thiếp đi, gia đình hoảng hốt gọi bác sĩ lại được thông báo rành rọt: sau truyền dịch có thuốc an thần thì hiện tượng đó là bình thường. Vậy mà chỉ vài giờ sau câu nói trấn an đó của bác sĩ, cậu bé 4 tuổi đã lặng lẽ ra đi.

Không được bồi thường tương xứng

Theo luật sư Trần Đình Triển, quan hệ giữa bệnh nhân - bệnh viện được xem xét giải quyết theo Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, tới đây là Luật khám chữa bệnh. Các giấy tờ liên quan từ lúc bệnh nhân vào viện, cấp thuốc, khám chữa bệnh là “hợp đồng” khám chữa bệnh. Trong trường hợp rủi ro có nguyên nhân từ phía bệnh viện, người dân có quyền khởi kiện ra tòa. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự, pháp luật tôn trọng và khuyến khích thương lượng giữa hai bên. Một phần cũng do người dân ngại các thủ tục, thời gian đi lại phiền hà nên thường ngại khởi kiện và chấp nhận hòa giải. Tuy nhiên, do người dân thường thiếu kiến thức pháp luật nên rất khó được bồi thường tương xứng trong các thỏa thuận giữa hai bên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-6 sau khi gửi lá đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, ông N.V. B. - bố bé C. - thần người ra khi nghe hỏi về mức bồi thường. Ông B. nói viết đơn kiến nghị vì đau xót trước cái chết của con trai, chứ bồi thường cụ thể ra sao gia đình cũng chưa biết dựa vào văn bản pháp lý nào.

“Mạng sống của con tôi sao quy ra được vật chất? Nhưng một lời thăm hỏi động viên cũng không có, gia đình tủi thân lắm...” - ông B. nói.

Trường hợp bé P.A.T. (7 tuổi, Hà Nội) bị bỏ quên bông gạc sau phẫu thuật cắt amidan tại Bệnh viện Việt - Pháp ngày 2-6 cũng đang dấy lên những nghi ngại của người dân trong việc chọn lựa dịch vụ y tế giá cao.

Khi gia đình phát hiện miếng bông gạc mắc lại trong cổ họng bé T. nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra, không những không được bồi thường ngay mà còn bị yêu cầu... đóng tiền mới được chụp, chiếu!

Ông Võ Văn Bản, phó giám đốc bệnh viện, phân trần: “Việc đòi thu tiền để kiểm tra lại “nhầm lẫn” của bệnh viện trong trường hợp này không phải do bác sĩ phát ngôn mà là lời của một cậu lễ tân chuyên... tiếp đón bệnh nhân!”.

Bảo hiểm nghề nghiệp cho thầy thuốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lý Ngọc Kính - nguyên cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - nói chưa có thống kê nào về rủi ro y khoa, phải đến khi bệnh nhân kiện thì cơ quan chức năng mới biết.

“Thông thường trong trường hợp có rủi ro, bệnh viện và bệnh nhân thỏa thuận, không thỏa đáng mới kiện cáo, đưa ra cơ quan chức năng và báo chí. Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2011 có điều khoản yêu cầu bệnh viện và thầy thuốc mua bảo hiểm nghề nghiệp. Có bảo hiểm, thầy thuốc mới yên tâm làm việc”- ông Kính nói.

Sau cuộc làm việc giữa Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Việt - Pháp ngày 8-6, gia đình bé T. cũng chưa đưa ra mức yêu cầu bồi thường cụ thể với bệnh viện, nhưng Bệnh viện Việt - Pháp đã biết cách “kéo bệnh nhân gần hơn về phía mình” khi miễn phí toàn bộ chi phí theo dõi cho bé T.. Được biết, bé T. đã ăn uống trở lại bình thường. Việc bệnh viện giữ bệnh nhân lại để theo dõi sức khỏe cũng giúp gia đình nguôi đi nhiều.

Tại VN, hiện đã có một số công ty bảo hiểm trong và ngoài nước bán loại hình bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thầy thuốc. Một nhân viên bán loại bảo hiểm này cho biết mới có Bệnh viện Việt - Pháp mua, còn các bệnh viện công lớn khác thì một số nơi định mua nhưng ngại vì không có kinh phí, trong khi đó công ty bảo hiểm lại tính phí khá cao vì nghề thầy thuốc (nhất là thầy thuốc ngoại khoa) nhiều rủi ro.

Ông Lý Ngọc Kính cho rằng khi Luật khám chữa bệnh và các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện có hiệu lực, các bệnh viện rất nên dành kinh phí mua bảo hiểm cho thầy thuốc. Khi đó, trong trường hợp xảy ra rủi ro, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

Từ trước đến nay tại VN, bệnh viện không có kinh phí bồi thường cho trường hợp tai biến do sai sót, mà thường là thỏa thuận, bệnh viện góp một phần, cá nhân thầy thuốc góp một phần, mức bồi thường thật khó xác định bao nhiêu.

“Biết đền bao nhiêu tiền nếu người bệnh qua đời, người bệnh hỏng mắt hay mất chân, tay do sai sót y khoa. Tôi rất mong có nhiều nhà cung cấp loại hình bảo hiểm này”- ông Kính nói.

Vụ kiện hiếm hoi

Một trong những vụ kiện sau tai biến y khoa làm xôn xao dư luận là vụ kiện của anh N.T.S. và vợ là N.N.Q. ở Hà Nội. Năm 2001, vợ chồng anh S. có ký với Bệnh viện VP (Hà Nội) thỏa thuận sử dụng dịch vụ thai sản trọn gói giá 750 USD.

Tuy nhiên tháng 4-2002, khi thai nhi (song thai) được hơn 37 tuần, chị Q. bị sốt, thăm khám tại Bệnh viện VP cho kết quả bình thường, bốn ngày sau kiểm tra lại. Đến 18g cùng ngày, kết quả kiểm tra tại phòng khám sản khoa bên ngoài lại cho biết một tim thai đã mất, sản phụ trở lại Bệnh viện VP ngay để mổ cấp cứu, kết quả một bé đã mất, một bé năm ngày sau cũng qua đời.

Gia đình đã khởi kiện Bệnh viện VP ra TAND TP Hà Nội, cho rằng bệnh viện không làm hết trách nhiệm và đòi bồi thường... 300.000 USD do các phí tổn về vật chất, tinh thần.

Vụ kiện kể trên đáng chú ý không chỉ bởi bị đơn là một bệnh viện quốc tế, mà còn ở đề nghị bồi thường mức rất cao. Kết quả là Bệnh viện VP phải bồi thường cho gia đình anh S. 64 triệu đồng do các phí tổn vật chất và tinh thần, thu nhập mất đi trong thời gian nghỉ việc trước và sau sinh...

Đây là một vụ kiện hiếm hoi được đưa ra tòa án, còn lại chủ yếu các vụ việc được giải quyết bằng thỏa thuận giữa bệnh viện và bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Trong đó, một bệnh viện công tuyến T.Ư lớn ở Hà Nội đã phải bồi thường 100 triệu đồng cho một bệnh nhân tử vong ngay sau khi gây mê do dị ứng với thuốc gây mê.

L.ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên