![]() |
Tư liệu báo Ảnh Việt nam |
Thỉnh thoảng ông cất giọng nửa đọc nửa ngâm những bài ca dao hoặc những bài thơ của ai đó, vừa đọc - ngâm, vừa giảng giải - theo kiểu ngẫu hứng thế sự lúc ấy của ông, chứ không phải kiểu “phân tích, chứng minh”, biểu cảm, hùng hồn của các thầy giáo dạy văn.
Thậm chí có lúc ông cố ý lý giải sai một ý, một câu, một từ nào đó trong bài theo hướng khôi hài để chúng tôi thắc mắc “chất vấn” lại, rồi khi hiểu ra thì tất cả cùng cười rộ lên muốn sập cả cái giường.
Một bài ca dao tôi ấn tượng mạnh khi nghe ba tôi ngâm - đọc là bài Thằng Bờm. Những điệp ngữ “Phú ông xin đổi...” và “Bờm rằng Bờm chẳng...” dẫn dắt liên hồi khiến tôi vô cùng hồi hộp hệt như đang theo dõi một câu chuyện thực cho đến khi kết thúc bằng câu: “Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.”
Đọc xong bài ca dao, ba tôi “liên hệ thực tế” với các cậu con trai: “Trong mấy đứa, ba thấy người giống thằng Bờm nhiều nhất là Đoàn (tức là tôi đó vậy). Thằng Đoàn là người giàu tình cảm, dễ tin, dễ bị phỉnh; nhưng dù ai có phỉnh gì con cũng khó đạt được điều gì vì ba thấy tính con ít ham chuộng vật chất, không thích đấu tranh cho hơn người.
Thôi vậy cũng được, nhưng phải ráng sống với đời chớ con, ít ra cũng được “nắm xôi” ấm bụng như thằng Bờm. Trong khi ba tôi nói những điều đó, tôi chỉ nghe một cách lơ mơ vì trí óc đang bận nhẩm lại những câu ca dao trên cho đến thuộc lòng (sao mà tôi dễ thuộc thơ thế). Bởi lúc ấy, rất rõ ràng là, lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra một điều thú vị: Chữ nghĩa được cất lên bằng âm điệu, bỗng nhiên có sức cuốn hút diệu kỳ.
Những điệp từ (sau này tôi hiểu đó cũng là một thủ pháp nghệ thuật) nói lên thái độ của thằng Bờm và của ông phú hộ trong câu chuyện - cũng đơn giản thôi - tăng thêm phần kịch tính và đặc biệt là làm hiện rõ dáng nét đối nghịch của hai nhân vật: bên thoải mái vô tư, bên so đo tính toán.
Và cái câu cuối “Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười” thấy cụt ngủn vậy mà sao dồi dào ý nghĩa, lan tỏa dư vị, và như một tiếng reo sảng khoái lạ thường. Không thể có câu nào hay hơn, nó xứng đáng là một câu để kết thúc câu chuyện! Cái cảm nhận tuyệt vời đó, trước kia tôi chưa trải nghiệm bao giờ dù cũng đã từng đọc nhiều bài văn hay trong lớp và một vài cuốn truyện “Tuổi hồng” của các tác giả Tự lực văn đoàn.
Tôi bắt đầu yêu thích và có ý thức tìm đến thơ từ đó.
Những trò chơi với chúng bạn như trốn tìm, rượt bắt, bắn bi, thả diều, đấu võ... tôi ít tham gia hơn vì đã dành một phần không nhỏ thời gian cho những tờ báo, cuốn sách. Gần như tờ báo đầu tiên mà tôi chủ động mua đọc là tờ Thằng Bờm của nhà thơ - nhà báo Nguyễn Vỹ.
Chính trên tờ báo này, vài ba bài thơ đầu tay của tôi đã được in. Lúc đó, tôi đã lên lớp 8, lớp 9 gì rồi. Tôi vui mừng khoe với ba tôi: “Ba ơi, Thằng Bờm đã có thơ đăng trên Thằng Bờm!”. Và để chia vui với tôi, ba tôi đã tặng tôi một... gói xôi to tướng!
Sau báo Thằng Bờm không bao lâu, tôi tìm đến với tờ tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh. Có thể nói tờ Tuổi Ngọc cũng giống như tờ Áo Trắng ngày nay, được bạn đọc tuổi mới lớn đón nhận và gửi bài rất nồng nhiệt. Báo giống như sân chơi đầu đời cho những ai bước vào lĩnh vực sáng tác, đồng thời cũng là nơi giải bày những tâm tư, tình cảm; những rung động tình yêu ban đầu qua các thể loại thơ - văn - nhạc - họa... rất thơ mộng và đầy thi vị.
Thời gian này, “vốn liếng” sáng tác thơ của tôi cũng kha khá rồi, nhưng đó - giống như những thằng bạn đang tuổi... yêu của tôi khịt mũi: “Chỉ toàn là thơ con nít, cậu phải có thơ tình đăng trên Tuổi Ngọc thì mới xứng là thơ”. Tôi công nhận tụi nó nói cũng có lý vì chính tôi cũng đang háo hức muốn thử tài mình trên tờ báo này sau các tờ báo thiếu nhi mà tôi đã có thơ đăng như Thằng Bờm, Tuổi Hoa, Thiếu Nhi..., nhất là qua tờ báo, được “tỏ tình” với ai đó bằng thơ thì quá tuyệt.
Có điều lúc đó mới học lớp 10, tôi chưa... yêu ai hết nên cũng khó có cảm hứng cũng như... “chất liệu” để làm thơ. Trong lúc đó, mấy thằng bạn hư sớm - à quên, yêu sớm - của tôi cứ thúc giục hoài, làm như thể nếu có thơ tôi đăng báo thì tụi nó cũng... nổi tiếng lây và các mối tình (học trò) của tụi nó cũng có “kết quả mỹ mãn” hết?!
Bức bách quá và cũng bí quá, tôi chợt nhớ đến hình ảnh thằng Bờm, và vì bị ám ảnh bởi đề tài về tình yêu nên tôi nghĩ ra được cái tựa Yêu em, tôi hóa Thằng Bờm mà tôi thấy rất đắc địa và viết liền một mạch trong một buổi tối thì xong bài thơ. Bài thơ ấy được in trên một số báo Tuổi Ngọc in trước ngày 30-4-1975 đâu khoảng vài tuần.
Năm đó tôi 16 tuổi. Giờ đây, tôi đã là một nhà thơ và dù luôn tư duy để tồn tại nhưng tôi vẫn không thoát khỏi thân phận Thằng Bờm. Bạn bè văn nghệ hay nói với nhau về tôi: “Hắn là một Thằng Bờm trong văn học, trong cuộc sống”. Đã không ít lần được mời đi dự yến tiệc linh đình nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy lạt miệng nếu trong thực đơn không có... món xôi, dù chỉ là một nắm xôi nhỏ.
Hoan hô Thằng Bờm!
Áo Trắng số 6 (ra ngày 1-8-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận