29/11/2006 14:04 GMT+7

Nắm tay người trong cuộc

NHÓM PV TTO thực hiện
NHÓM PV TTO thực hiện

TTO - Có người đã hỏi tôi: "Điều gì bạn sẽ làm đầu tiên khi gặp người nhiễm HIV/AIDS?". Không do dự, tôi trả lời: tôi sẽ nắm tay họ và siết tay họ thật chặt...

vmU3RLBP.jpgPhóng to
Bác sĩ Lê Trường Giang và anh Quách Hồng Sơn tại buổi giao lưu - Ảnh: Thanh Đạm

Bởi, trước hết, họ là người bệnh, họ cần sự cảm thông; kế đến, họ là người bình thường, họ cần tình thương yêu...

Phim tài liệu "Điểm tựa trong đời" - phần 1Phim tài liệu "Điểm tựa trong đời" - phần 2

Đó là một phần thông điệp buổi giao lưu trực tuyến "Nắm tay người trong cuộc" sáng 29-11-2006, do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức muốn đem đến. Và buổi giao lưu đã diễn ra trong hơn 2g đồng hồ, với 150 câu hỏi - cả sự chất vấn - về hành động kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, đến những trăn trở, làm sao đến với họ gần hơn..., qua phần trò chuyện thoải mái, cởi mở của bác sĩ Lê Trường Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM tư vấn những kiến thức về HIV/AIDS; anh Quách Hồng Sơn, một người nhiễm HIV/AIDS, hiện ở Trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối Mai Hòa (TP.HCM); bạn Trần Song Khoa, điều phối mạng Dự án GIPA (Tăng cường sự tham gia của những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS) TP.HCM, chủ diễn đàn http://heroin-aids.com/ và chị Mạc Thị Thùy Linh, phòng khám An Hòa.

* Gần nhà tôi có một người nhiễm HIV. Anh ta không hề giấu giếm mà thậm chí còn tỏ ra thách thức dư luận... Anh ta luôn gây gổ với mọi người và luôn miệng nói: "việc tao làm tao chịu, chẳng cần phải quan tâm..." Tôi phải làm gì để giúp anh ta??? (Viết Thanh, 32 tuổi, nv_thanh...@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: Về vấn đề người nhiễm HIV/AIDS có những thái độ thách thức dư luận như bạn đề cập, đó là một hình thực tự kỷ vốn có của người nhiễm, chỉ có tình cảm chân thành, chia sẻ và kiên nhẫn. Tôi nói lại là chỉ có sự kiên nhẫn mới giúp họ hiểu rõ hơn về thành ý của bạn. Họ sẽ mở rộng tấm lòng của mình ra đối với những người mà khi họ thật sự tin tưởng.

Cảm ơn khi cộng đồng vẫn có những người biết quan tâm đến những người bất hạnh như bạn. Chúc bạn thành công.

kiCNeVLZ.jpgPhóng to
BS Lê Trường Giang - Ảnh: Thanh Đạm
* Dù không có ý nghĩ phải kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, nhưng tôi vẫn không cảm thấy thật thoải mái và an toàn khi tiếp cận họ. Có phải là do tâm lý của tôi chưa thật sự tốt? Tôi không biết phải làm sao để khắc phục được điều đó? (Thanh Thanh, 21 tuổi)

- BS Lê Trường Giang: Tâm trạng không thoải mái, không an toàn khi tiếp cận người nhiễm HIV là tâm trạng còn khá phổ biến, kể cả với người đã hiểu biết về căn bệnh này.

Tôi còn nhớ khi tôi dạy một lớp điều dưỡng, sau lớp học, khi tôi hỏi có hiểu hết các đường lây, cách phòng ngừa hay không, thì mọi người trả lời là có, nhưng khi tôi hỏi là còn sợ hay không, thì mọi người cũng trả lời còn sợ.

Tôi cũng đã từng thảo luận với một nhóm nhà báo về chuyện kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV, một phóng viên cũng đã phát biểu với tôi là anh ấy vẫn còn thấy sợ khi tiếp xúc với người HIV/AIDS, cảm giác đó giống như là biết không có ma nhưng vẫn sợ ma.

Cho nên nếu bạn có cảm giác đó thì cũng không gì lạ lắm! Vấn đề là tìm ra biện pháp để khắc phục tâm trạng đó. Theo tôi, việc đầu tiên, mỗi khi bạn xuất hiện tâm trạng này, bạn phải biết tự kiềm chế, đem những hiểu biết của mình trấn an rằng sự tiếp xúc đó không gây nguy hiểm gì cho mình cả.

Và với thời gian, sự tiếp xúc đó quen thuộc dần, cảm giác sợ hãi sẽ mất đi dần dần. Giống như những hộ lý hằng ngày tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp với các bệnh nhân AIDS, dần dần họ thấy bình thường, chính nhờ đó, tâm lý thoải mái sẽ làm cho hành vi của họ thật sự chân tình tự nhiên, làm cho mối quan hệ trở nên thoải mái. Từ chỗ đó, làm cho chúng ta không phạm những cái sai do sự lo sợ. Giống như, người mà sợ bị kim đâm thì sẽ dễ bị kim đâm.

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Đây là tâm lý của tất cả mọi người nếu chưa từng sống chung và chăm sóc cho người có HIV. Bạn cứ thử đặt vấn đề đây là những người thân của bạn (con, cháu, cha mẹ, anh em, bạn bè...). Hàng ngày, bạn vẫn sống, làm việc, sinh hoạt chung với họ, bạn sẽ thấy thoải mái hơn.

Hơn thế nữa, mọi người trong chúng ta cần hiểu biết về HIV/AIDS một cách rõ ràng hơn để khi tiếp xúc và chăm sóc, chúng ta không còn cảm thấy e dè, lo lắng về sự an toàn của bản thân.

* Theo các anh chị thì tôn giáo đóng vai trò như thế nào trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam chúng ta, hiện nay đã có cơ sở nào của các tổ chức tôn giáo hoạt động về HIV chưa? (Phạm Minh Khôi, 28 tuổi, peterkhoi...@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: Tôn giáo đóng một vai trò rất tích cực trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung. Bất cứ tôn giáo nào cũng đều hướng chúng ta đi tìm những giá trị "chân, thiện, mỹ".

Có rất nhiều cơ sở có hoạt động tham gia phòng chống HIV/AIDS cũng như giúp đỡ những đối tượng này. Ví dụ: Trung tâm Mai Hòa, Câu Lạc Bộ Hương Sen - Chùa Pháp Vân - Hà Nội...

* Tôi năm nay 30 tuổi. Tôi có đôi lần đi mátxa ở tiệm hớt tóc và có quan hệ tình dục với các tiếp viên. Tôi luôn mang bao cao su mỗi khi quan hệ. Nhưng đôi khi tôi quan hệ bằng niệng và xuất tinh luôn. Tôi nghe nói HIV/AIDS chỉ lây qua ba đường: tình dục, tiêm chích và từ mẹ sang con. Tôi không biết liệu tôi có bị nhiễm hay không nếu như cô gái đó nhiễm HIV? Xin được giải đáp và cho biết cách phòng tránh. Xin cám ơn rất nhiều. (Nam Tr)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Nếu cô gái đó là người nhiễm HIV, nhưng khi quan hệ, bạn luôn dùng bao cao su (đúng cách), chắc chắn bạn sẽ không bị nhiễm HIV/AIDS.

Không biết khi quan hệ bằng miệng, bạn có mang bao cao su hay không. Nếu có, bạn an tâm là không bị nhiễm. Nếu không mang bao cao su, chắc chắn nguy cơ lây nhiễm của bạn rất cao.

Ngoài ba đường lây trên: tình dục, đường máu (tiêm chích, xăm trổ, dùng chung các vật sắc bén...) và mẹ sang con, HIV/AIDS sẽ không lây qua những đường khác.

Các biện pháp phòng tránh:

- Khi tiếp xúc với máu, dịch sinh học của người có HIV, cần mang những dụng cụ bảo hộ (găng tay, kính bảo hộ...). Không sử dụng chung bơm kim tiêm, các vật dụng dùng trong xăm trổ, dao cạo hoặc những vật dụng sắc bén khác.

- Quan hệ tình dục an toàn: sử dụng BCS đúng cách, sống chung thủy.

- Nếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên khám thai định kỳ (nếu có) để sớm phát hiện HIV và có các biện pháp dự phòng thích hợp.

* 1. Theo các anh chị, thì trong các đối tượng đang sống chung với HIV/AIDS là trẻ em - phụ nữ và nam giới thì chúng ta nên tập trung ưu tiên cho đối tượng nào khi mà chúng ta không thể giải quyết mọi mặt cho tất cả các đối tượng được tốt?

2. Theo các anh chị, chúng ta đã và nên chăng đẩy mạnh phong trào "xã hội hóa" trong phòng chống HIV/AIDS? Những gì sẽ là cản trở trong việc huy động tất cả mọi nguồn lực của xã hội tham gia vào công cuộc này? Cách giải quyết riêng của anh chị là gì? (Phạm Minh Khôi, 28 tuổi, peterkhoi...@yahoo.com)

- BS Lê Trường Giang: Tất nhiên, chúng ta phải ưu tiên hàng đầu cho trẻ em, kế đến là phụ nữ, sau cùng là mọi người khác.

Trong bối cảnh sự kỳ thị, phân biệt đối xử vấn còn phổ biến thì HIV/AIDS là vấn đề của XH, nhiều hơn là vấn đề của y tế. Do đó, để giải quyết được vấn đề HIV/AIDS, phải có những giải pháp xã hội, bên cạnh những giải pháp y tế.

Giải pháp XH quan trọng nhất mà ta hay dùng chữ "xã hội hóa", tức là làm sao cho XH hiểu, nhận thức được trách nhiệm phòng chống AIDS là của mọi người, không của riêng ai, mọi người đều có nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia hoạt động phòng chống AIDS. Hiện nay, tính Xã hội hóa trong hoạt động phòng chống AIDS đã đạt được mức ban đầu khá khả quan, đó là các cơ quan của Nhà nước; các ban ngành; tổ chức XH, tôn giáo, từ thiện, ngày càng tham gia nhiều hơn, tích cực hơn trong hoạt động phòng chống AIDS. Người dân có ý thức tham gia tích cực hơn trong hoạt động phòng chống AIDS, chủ yếu là thực hành những biện pháp tự bảo vệ mình.

Nhưng trong XH, vẫn còn nhiều thành phần chưa thực sự quan tâm đến việc phòng chống AIDS, đặc biệt là doanh nghiệp, từ việc tạo điều kiện cho công nhân của mình thực hành những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV, đến việc tham gia đóng góp cho hoạt động phòng chống AIDS của TP.

Nguyên nhân xuất phát từ hai điểm: họ cảm thấy đại dịch HIV/AIDS chưa ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức của họ và sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến. Ví dụ: một doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp vật chất cho một hoạt động từ thiện nào đó, nhưng nếu đóng góp cho hoạt động phòng chống AIDS, chủ doanh nghiệp có thể cảm thấy chưa thực sự thoải mái và an toàn cho thương hiệu của mình.

Trong lúc đó, đối với thế giới, một cựu tổng thống như Bill Clinton, như Mandela, khi nghỉ công việc chính thức, thì họ lại dành cuộc đời cho công việc phòng chống AIDS, họ rất tự hào về việc đó. Ngay cả các hoa hậu, khi vừa đoạt vương miện, họ đã cam kết dành một năm để tham gia hoạt động phòng chống AIDS, nhưng ở VN, chưa được như vậy. Do đó, tôi cũng thống nhất, cần tăng cường hơn nữa cuộc vận động xã hội hóa để mọi tầng lớp XH hiểu và tham gia vào công cuộc phòng chống AIDS.

PyHHvsqn.jpgPhóng toAnh Trần Song Khoa - Ảnh: Thanh Đạm* Chào anh Song Khoa. Được biết trước đây anh từng là một người nghiện ma túy và hiện tại anh đang làm về lãnh vực tư vấn ma tuý và HIV/AIDS. Cho tôi hỏi giửa những người nhiễm HIV nghiện ma túy và người nhiễm HIV không nghiện ma túy có những điều gì khác biệt hay không? Nếu có vui lòng cho biết vì sao? (Minh Ngan, 24 tuổi, ngoanhai55...@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: Theo cảm nhận của riêng tôi, đa số người sử dụng ma túy qua đường tiêm chích thì có thái độ ít shock hơn nhiều so với người không sử dụng ma túy. Vì khi sử dụng ma túy, ít nhiều người đó cũng đã biết đó là một hành động không tốt, biết đến những tác hại và hậu quả mình sẽ phải gánh chịu.

Tuy nhiên để giải quyết vấn đề nhiễm HIV/AIDS của họ thì phải có những cách tư vấn và phương pháp khác nhau tùy vào hoàn cảnh của mỗi người.

- BS Lê Trường Giang: Có sự khác biệt, đó là người nghiện và không nghiện. Và cũng từ sự khác biệt này dẫn đến sự khác biệt khác.

Thí dụ, người nghiện ma túy thường bị sa sút về nhân cách và người thường mang trong người nhiều căn bệnh khác như là viêm gan C, viêm gan B, lao... Do đó, ảnh hưởng của HIV trên cơ thể người nghiện ma túy sẽ nặng nề hơn nhiều so với người không nghiện ma túy. Cụ thể là thời gian chuyển sang giai đoạn bệnh AIDS sẽ ngắn hơn và sớm bị tử vong hơn.

* Chào anh Quách Hồng Sơn, rất khâm phục nghị lực của anh. Anh có thể kể cho chúng tôi biết thêm về cuộc đời anh? (Trân Kim, 28 tuổi)

- Quách Hồng Sơn: Trước khi phát hiện mình bị nhiễm HIV, Sơn cũng như mọi người. Gia đình Sơn trước năm 1975 rất khá giả, bố là sĩ quan của chế độ cũ, nhưng hoàn cảnh chính trị, xã hội thay đổi, gia đình Sơn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, bản thân Sơn lại không nhận ra ra điều đó, năm đó Sơn 17 tuổi.

Quen sống trong điều kiện sung túc, được nuông chiều, bản thân của một chàng trai mới lớn khó có thể chấp nhận một sự thật phủ phàng như vậy, Sơn lờ đi hoàn cảnh của mình và tiếp tục lao vào những cuộc ăn chơi trác táng. Để có tiền phục vụ cho nhu cầu đó, Sơn đã không từ một thủ đoạn nào. Tiền xin gia đình mãi rồi cũng hết thế là Sơn cùng nhóm bạn lao vào những phi vụ xã hội đen: đánh lộn, làm bảo kê, buôn bán thuốc phiện... Sơn trượt ngã trong tội ác, càng lún sâu, Sơn càng không phân biệt cái xấu, cái tốt. Sơn không từ một việc làm xấu xa nào, tất cả chỉ với phương châm sống: có tiền, có quyền, có tất cả!

Và điều gì đến cũng phải đến, Sơn bị bắt vì tội rối loạn trật tự, cướp giật kể cả buôn bán ma túy. Lúc vào tù Sơn mới 18 tuổi.

Sau những lần trượt ngã, Sơn vẫn không nhận ra được điều gì mãi khi Sơn được nói chuyện với bố. Đó là lần bố đi cải tạo, ông gọi Sơn vào nói chuyện, ông nhận tất cả phần sai về mình. "Bố không trách con, những việc xảy ra với con do một phần trách nhiệm của bố". Câu nói của bố đã thức tỉnh Sơn.

Khi gia đình xuất cảnh đi nước ngoài, Sơn vẫn một mực ở lại Việt Nam, ý thức rằng mình nên quay đầu lại, bắt đầu một cuộc sống mới. Những ngày tháng đó, Sơn cảm nhận được sự cô đơn, lạnh lẽo khi sống một mình. Muốn bắt đầu một cuộc sống, Sơn phải có một công việc, và Sơn chọn công việc trang trí nội thất: Sơn đang cố gắng tìm kiếm một hạnh phúc cho cuộc sống mới.

Sau 4 năm chia tay với người yêu cũ, Sơn nhận được tin cô bạn gái ngày xưa giờ đã bị bệnh, nằm chờ chết. Một chút hoang mang, một chút sợ hãi nhưng Sơn đã tự trấn an mình. Mỗi lần nghĩ đến cô ấy, cảm giác trong Sơn lại rùng mình, Sơn quyết định tìm đến nhà cô bạn gái cũ để xác minh. Và hình ảnh cô gái nằm trên giường quằn quại đã ám ảnh Sơn đến tận bây giờ. Sơn không tin nổi đó là cô gái mình từng yêu, từng theo đuổi... Sơn sợ đến nỗi không dám đến gần cô ta để an ủi, để động viên.

Và nhà, sau 3 lần suy nghĩ, trăn trở, Sơn quyết định đi xét nghiệm, kết quả đều cho dương tính: Sơn đã bị nhiễm HIV, thế giới quanh Sơn bỗng sụp đổ. Nhưng với Sơn cuộc đời đã bước qua một bước ngoặt mới. Đó là năm 2001.

* Em là một sinh viên vừa tốt nghiệp khoa xã hội học, em rất muốn tham gia vào một tổ chức phòng chống HIV/AIDS nhưng không biết phải tham gia vào những tổ chức nào và liên hệ với ai?

Em có thể học hỏi thêm kinh nghiệm ở nơi nào để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để sau này em có thể làm việc với các chương trình về HIV/AIDS tại quê hương em, bởi em thấy hiện nay không chỉ ở TP.HCM mà còn nhiều nơi trên đất nước chúng ta có rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.

Một sinh viên xã hội như em thấy rằng minh cần có một đóng góp để những bệnh nhân không còn còn bị kỳ thị và hoà nhập được với cộng đồng và được làm đúng với ngành mà mình đã học. (Phạm Thị Thu Hiền, 23 tuổi, thewarehours_thuhien)

- Trần Song Khoa: Em có thể đến tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên của các tổ chức hoạt động về HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM. Ví dụ: Văn phòng dự án GIPA (vận động sự tham gia của người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS). Địa chỉ: 71 Võ Thị Sáu Quận 3 TP.HCM, ĐT: 8205529. Hiện tại chúng tôi đang có hoạt động tuyển tình nguyện viên mỗi ngày.

- Mạc Thị Thùy Linh: Nếu bạn muốn tham gia và làm việc với các chương trình về HIV/AIDS (ở TP.HCM), bạn có thể liên hệ với các trung tâm khám và điều trị cho người có HIV: các TT tham vấn và hỗ trợ cộng đồng các quận: Bình Thạnh, 6, 8, 1, Phú Nhuận, Gò Vấp... hoặc các tổ chức, các đội nhóm tình nguyện chăm sóc cho người có HIV. Rất mong ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực.

- BS Lê Trường Giang: Tôi rất hoan nghênh và trân trọng suy nghĩ của em. Em có thể tiếp xúc với văn phòng thường trực của UB phòng chống AIDS TP.HCM tại địa chỉ 59 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1. Nơi đây sẵn sàng tiếp nhận và giúp em thực hiện được mọi mong muốn của em trong việc góp phần phòng chống lại đại dịch của thế kỷ này.

6pKS7Uag.jpgPhóng to
Chị Mạc Thị Thùy Linh - Ảnh: Thanh Đạm

* Có lần tôi đi làm móng tay, chân, do quên mang theo dụng làm móng riêng của mình nên tôi đã dùng dụng cụ làm móng ở tiệm. Cô nhân viên làm móng hôm đó là người mới thử việc nên sơ ý làm trầy xước da tay tôi trong quá trình làm móng. Vậy cho tôi hỏi, nguy cơ lây nhiễm có cao không? Virus HIV có thể sống trong môi trường không khí bao lâu? Tôi có phải đi làm xét nghiệm không? Xin chân thành cảm ơn. (Nguyen H.)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Trong trường hợp của bạn, có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Nếu trong môi trường bình thường, virus HIV sẽ sống trong không khí khoảng 48 giờ. Nếu trong môi trường máu hoặc dịch sinh học, thời gian sống của virus HIV sẽ lâu hơn.

Trong trường hợp này, bạn nên đến các trung tâm xét nghiệm miễn phí để được tham vấn và hỗ trợ một cách tốt hơn (TT tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Q. Bình Thạnh - 53 Vũ Tùng, Phòng khám An Hòa - 958/24K Lò Gồm, P.8, Q6...). Chúc bạn may mắn!

* Một người bị nhiễm HIV (A) bị chảy máu và một người không bị nhiễm HIV (B) không bị chảy máu. Nếu hai người này vô tình va chạm nhau (đụng vào chỗ chảy máu của người bị nhiễm HIV) thì người (B) có bị nhiễm HIV không ? Xin cảm ơn (ngọc hùng, 19 tuổi, hopestar_v...@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: B Không thể nhiễm HIV/AIDS từ A bởi máu của A không có đường vào cơ thể của B (B không có vết thương hở khi tiếp xúc với máu của A).

* Em có một người em trai. Vừa rồi, em đã dùng que thử HIV cho em trai em và kết quả là nổi hai vạch hồng (kết quả dương tính) đúng không? Vậy bây giờ em muốn đưa em trai của em đến một nơi để kiểm tra lại kết quả cho chính xác (anh, chị).

Hãy tư vấn dùm em ở đâu có xét nghiệm miễn phí hoặc có trung tâm nào hỗ trợ những người bị nhiễm HIV không? Em sợ em trai của em mà biết được kết quả chính xác nó sẽ nghĩ quẩn, em sợ và buồn lắm. (emgaibuon)

- BS Lê Trường Giang: Theo quy định hiện nay, của VN cũng như của thế giới, một người chỉ được kết luận là nhiễm HIV, sau khi được xét nghiệm 3 lần với 3 kỹ thuật khác nhau. Và cả 3 lần đều cho kết quả dương tính. Do đó, nếu chỉ với một test nhanh dương tính thì chưa có thể kết luận được điều gì.

Tôi rất cảm thông với suy nghĩ của bạn, là khi em trai của bạn biết kết quả, nó sẽ nghĩ quẩn và có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và người xung quanh. Do đó, theo luật phòng chống AIDS đã ban hành, chỉ được quyền thực hiện xét nghiệm HIV cho một người sau khi đã tham vấn cho người đó (gọi là tham vấn trước xét nghiệm). Và chỉ được quyền thông báo kết quả cho người đó sau khi đã thực hiện tham vấn nhiều lần nữa, đảm bảo người được thông báo đã được chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý, để có thể tiếp nhận kết quả một cách nhẹ nhàng và an toàn nhất (gọi là tham vấn sau xét nghiệm).

Vì vậy, em trai của bạn nên đến một cơ sở chuyên nghiệp về tham vấn và xét nghiệm HIV/AIDS để được tham vấn, nhằm có đủ sự hiểu biết về căn bệnh này, cũng như được chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý, tinh thần, nếu chẳng may kết quả là dương tính thật sự.

Ở TP, hiện nay có hơn 20 trung tâm tham vấn, xét nghiệm tự nguyện miễn phí và giấu tên, em của bạn có thể đến bất cứ một trung tâm nào, ví dụ: ở số 53 Vũ Tùng, Q. Bình Thạnh; hoặc các Trung tâm tham vấn cộng đồng của các quận 1,2,4,5,6,8,10, Phú Nhuận...

* Xin gửi câu hỏi này đến anh Hồng Sơn: Tôi đã nghe câu chuyện về anh, một người từng "ăn chơi khét tiếng", đến khi biết mình nhiễm HIV, anh đã lao vào xe lửa tự tử, phải không ạ? Thế giờ đây sức khỏe anh thế nào rồi? Nguyên nhân gì đã đưa anh trở lại với cuộc đời và tự tin như vậy? Cảm ơn anh. (Lan Mai)

- Anh Quách Hồng Sơn: Trong quá khứ, mình đúng là một tay chơi khét tiếng, bản thân không phải nuôi ai, gia đình lại khá giả. Mình đã từng thành lập băng nhóm, bảo kê rồi buôn bán ma túy. Với nguồn lợi đó, mình đã đốt vào cuộc chơi, vào những đêm dài trác táng. Thực sự khi tiếp xúc với những cô gái ấy, mình không hề nghĩ rằng họ bị nhiễm HIV, vì đó là những cô gái rất xinh đẹp, ăn diện...

Thế nhưng sau khi bị nhiễm mình mới nghiệm ra rằng, cuộc sống vật chất ấy không đem lại cho mình hạnh phúc thực sự. Cuộc sống mình trong những ngày ấy chưa một lần bình an dù vật chất chưa bao giờ thiếu, mình luôn sống trong cảnh giác, cao ngạo.

Nhưng cũng thật trớ trêu, khi mới chạm đến bến bờ hạnh phúc, mình phát hiện ra mình đã bị nhiễm HIV. Mình đã từng quá sợ hãi, không dám đến gần cô bạn gái của mình, bây giờ cảm giác sợ bị khinh rẻ, ruồng bỏ lại trỗi trong mình. Mình sợ mọi người xa lánh, mình đã giấu giếm, sống lẩn tránh, và khi chịu đựng không được mình tìm đến giải pháp tự vẫn.

Sau lần tự tử sống sót ấy, cuộc đời đến với mình ở góc độ khác, mình đã có những người bạn thực sự. Những ngày nằm viện, mình đã được các bạn trẻ, những sinh viên, những người thiện nguyện trong Công giáo tình nguyện chăm sóc. Họ đã xem mình như người anh.

Rồi khi đến với trung tâm Mai Hòa, mình được chào đón bằng tình thương, bằng sự lạc quan.

Ở đây, các em, các anh chị đã sống bằng một niềm tin vào cuộc sống đến lạ lùng: các em luôn nở nụ cười trên môi, mắt trong veo, rực sáng. Mình còn nhớ, ngày vào Mai Hòa, hình ảnh cô bé Thảo (giờ đã mất) dù bị liệt vẫn có lết ra chào đón mình "Chào anh mới tới".

Ở Mai Hòa, mình cảm thấy rằng cuộc sống luôn đáng trân trọng, chỉ có chúng ta từ chối nó thôi. Mình cũng muốn nhắn bạn rằng, HIV không từ một ai, dù bạn giàu, nghèo, có học thức hay không...

Giờ đây, sức khỏe mình ngày một tiến triển tốt, chỉ số sức đề kháng của cơ thể tăng lên rõ rệt, đó là thành quả của mọi người xung quanh và một phần nỗ lực của mình.

* Sự kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là do đâu? Làm sao để khắc phục nó? (Trần Lâm, 30 tuổi)

- Trần Song Khoa: Sự kỳ thị người nhiễm do nhiều nguyên nhân, một phần do cách tuyên truyền sai lầm trước đây bởi những hình ảnh đầu lâu, xương người...

Và có lẽ nguyên nhân chính nhất là do dự hiểu biết về HIV/AIDS chưa đầy đủ và chính xác nên mới có sự kỳ thị. Để khắc phục sự cố này, không có biện pháp nào khác hơn là nâng cao kiến thức cũng như hiểu biết về HIV/AIDS cho toàn thể cộng đồng.

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Theo chúng tôi, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS xuất phát từ chính hành vi của họ chứ không phải ở căn bệnh. Ví dụ những người tiêm chích ma túy, nếu có quá khứ như trộm cắp...

Để khắc phục tình trạng kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, người có HIV phải sống khỏe, sống tích cực, vượt lên những khó khăn mà mình đang gặp phải; tham gia sinh hoạt và làm việc trong các tổ chức, đội nhóm, đoàn thể... đặc biệt là các tổ chức và nhóm của người có HIV.

* Ở TP.HCM hiện tại có bao nhiêu nơi chăm sóc và điều trị người bệnh AIDS? Viện phí thế nào? (T.H., ...)

- BS Lê Trường Giang: TP.HCM là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình chăm sóc điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV ở quy mô toàn TP. Hiện nay, TP đã có 19 phòng khám ngoại trú thực hiện việc chăm sóc chữa trị toàn diện cho hơn 10.000 người nhiễm HIV và hơn 3.500 bệnh nhận AIDS, kể cả việc điều trị bằng thuốc đặc trị kháng HIV. Trong năm 2007, số phòng khám sẽ tăng lên 30 và số người được chăm sóc chữa trị sẽ lên đến 20.000 người trong đó có 9.000 người được điều trị bằng thuốc đặc trị.

Người nhiễm HIV khi đến các phòng khám để đăng ký tham gia chương trình sẽ được thụ hưởng các dịch vụ hoàn toàn miễn phí, bao gồm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi được diễn biến tình hình và xác định được thời điểm chỉ định điều trị bằng thuốc đặc trị, được điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội, được chẩn đoán và chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội... Tất cả các dịch vụ trên đều miễn phí.

Tuy nhiên, do chương trình được triển khai chỉ mới hơn một năm và nguồn lực cũng còn nhiều hạn chế nên tất cả các dịch vụ miễn phí chỉ thực hiện với các bệnh nhân được chăm sóc và điều trị ngoại trú. Khi bệnh nhân có nhu cầu điều trị nội trú thì ngoài những thuốc, xét nghiệm được cung cấp miễn phí từ chương trình, bệnh nhân phải trả thêm một số viện phí khác.

* Theo các anh chị, thì trong các đối tượng đang sống chung với HIV/AIDS là trẻ em - phụ nữ và nam giới thì chúng ta nên tập trung ưu tiên cho đối tượng nào khi mà chúng ta không thể giải quyết mọi mặt cho tất cả các đối tượng được tốt? Theo các anh chị, chúng ta đã và nên chăng đẩy mạnh phong trào "xã hội hóa" trong phòng chống HIV/AIDS? Những gì sẽ là cản trở trong việc huy động tất cả mọi nguồn lực của xã hội tham gia vào công cuộc này? Cách giải quyết riêng của anh chị là gì? (Phạm Minh Khôi, 28 tuổi, peterkhoi2005@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Trong các đối tượng sống chung với HIV, trẻ em và phụ nữ là đối tượng được ưu tiên.

"Xã hội hóa" trong phòng chống HIV/AIDS là vấn đề cả xã hội đã và đang làm. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ chung tay đẩy lùi dịch bệnh này.

Những rào cản trong việc huy động tất cả mọi nguồn lực của xã hội:

- Hiểu biết về kiến thức HIV/AIDS còn ít.- Bản thân người bệnh tự kỳ thị.- Gia đình và XH còn kỳ thị, phân biệt đối xử.- Các dịch vụ hỗ trợ xã hội ít (các trung tâm hỗ trợ dành cho người có HIV... ).- Tiếp cận với dịch vụ y tế quá trễ...

* Mọi người vẫn thường hô hào là không được phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng không phân biệt sao được bởi đó là căn bệnh chết người? Chúng tôi không thể chấp nhận sống chung với họ một cách hòa đồng, trong khi, chỉ cần một chút sơ sẩy là chúng tôi hủy hoại đời mình như chơi! (doncry@..., 22 tuổi)

- Trần Song Khoa: Chính vì bạn hiểu chưa chính xác về căn bệnh HIV/AIDS nên bạn mới có suy nghĩ như vậy.

Sau hơn 7 năm làm việc về lãnh vực này tôi rút ra một điều là HIV/AIDS rất khó lây nhưng rất dễ phòng. Ngoài ba đường lây cơ bản (máu, mẹ truyền sang con, tình dục) mà bạn có thể tự bảo vệ cho mình thì HIV/AIDS không và không thể lây qua những giao tiếp thông thường như: ăn uống chung, dùng chung toilet, bơi lội...

Người nhiễm HIV cũng là một người bình thường như bao người bình thường khác, chỉ có khác chăng là sự kỳ thị của cộng đồng đã gây nên sự ngăn cách không đáng có ảnh hưởng đến những mặt tích cực của họ cho cộng đồng.

- BS Lê Trường Giang: Cho đến nay, trên toàn thế giới chưa nơi nào ghi nhận được một trường hợp nhiễm HIV qua tiếp xúc thông thường, như là bắt tay, ôm hôn, ăn uống chung, đi toilet chung... Do đó, chúng ta cần hiểu một điều rất rõ rằng HIV không bao giờ tìm đến với chúng ta mà chỉ có chúng ta đi tìm HIV, thông qua những hành vi nguy cơ. Do đó, trước tiên, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn hãy an tâm, nếu bạn không có hành vi nguy cơ, như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn... thì dù bạn có sống chung với bao nhiêu người nhiễm HIV, bạn cũng không thể bị nhiễm HIV.

Mặt khác, bạn cũng nên hiểu rằng nếu chúng ta không chống lại sự phân biệt đối xử, thì chúng ta sẽ đẩy người nhiễm HIV lui vào bóng tối, tạo nên một chiến tuyến chống lại những người chưa nhiễm HIV và trong cuộc chiến này, người chịu đựng sự thiệt hại lớn nhất chính là những người không nhiễm HIV, vì nếu họ lui vào "bóng tối", chúng ta sẽ không biết ai bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV sẽ không hợp tác để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác và thậm chí, có khi họ còn thực hiện những hành vi trả thù.

* Chúng tôi muốn biết những thông tin chủ yếu trong tuyên truyền, phòng chống HIV (hongnhung, 20 tuổi, vinaforhcm@.vittel)

- Trần Song Khoa: Nếu bạn ở TP.HCM, bạn liên hệ với trung tâm công tác xã hội Thành Đoàn, địa chỉ: 01 Phạm Ngọc Thạch Quận 1 TP.HCM hoặc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (T4G) để được biết chi tiết.

* Tôi là một người làm công tác xã hội, đã được nghe rất nhiều về bệnh AIDS, cả những người bị mắc bệnh AIDS. Thông qua diễn đàn nay tôi xin gửi lòng khâm phục tới những người đã hiểu về bệnh AIDS và sãn sàng chia sẻ với bệnh nhân AIDS. Đặc biệt là anh Quách Hồng Sơn.

Các bạn ơi hãy giúp đỡ họ để họ không con mặc cảm với bệnh tật của mình để họ được sống như những người bình thường vì họ là những người bình thường mà. AIDS, hãy đừng chết vì thiếu hiểu biết. (Trần Thanh Hương, 22 tuổi, Huongvuitinhvn@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Rất cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ với những người làm CTXH như chúng tôi. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong rằng những người có HIV sẽ cùng hợp tác và chung lưng đấu cật với chúng tôi để đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS.

- Anh Quách Hồng Sơn: Với kinh nghiệm của bản thân của người nhiễm HIV và sống chung với HIV, Sơn muốn nói rằng các bạn khi bước vào đời phải chuẩn bị cho mình một hành trang. Bất cứ khi chuẩn bị làm việc gì các bạn phải cân nhắc, hãy luôn mở rộng vòng tay vì khi chúng ta cho đi nghĩa là chúng ta đang được nhận lại.

Đối với người làm công tác truyền thông bạn cần nỗ lực nhiều hơn. Những người nhiễm HIV rất cần được giúp đỡ, họ cần được cảm thông từ những người bình thường như các bạn.

Có đến bằng tấm lòng, các bạn tình nguyện mới xóa bỏ được khoảng cách giữa những người có HIV và những người không có HIV. Một khi những người nhận ra có vẫn có ích, vẫn được xã hội tin tưởng thì họ sẽ có niềm tin vào những người xung quanh.

* Tôi có một câu hỏi trước giờ chưa có lời giải đáp là quan hệ bằng miệng với người nhiễm HIV thì mình có bị lây không? Chân thành cảm ơn (..., ... tuổi, shock@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Nếu quan hệ bằng miệng với người nhiễm HIV (không sử dụng BCS), bạn có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Bạn có thể liên hệ với các trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng để được trả lời một cách cụ thể hơn.

vCcwP4fP.jpgPhóng to
Anh Hồng Sơn đang đàn và hát cùng các bạn SV trong một chuyến công tác XH của các bạn ở Mai Hòa - Ảnh: B.D.
* Dù không có ý nghĩ phải kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, nhưng tôi vẫn không cảm thấy thật thoải mái và an toàn khi tiếp cận họ, có phải là do tâm lý của tôi chưa thật sự tốt? Tôi không biết phải làm sao để khắc phục được điều đó? (Thanh Thanh, 21 tuổi)

- Anh Quách Hồng Sơn: Câu hỏi của bạn rất thú vị, có rất nhiều người dù không có sự kỳ thị với người nhiễm HIV nhưng vẫn rất ái ngại khi tiếp xúc. Đó là điều hết sức bình thường.

Tôi kể cho bạn một câu chuyện: một người bạn nhiễm HIV giai đoạn cuối chuyển về bệnh viện Nhiệt đới. Ở đây, anh chàng được một cô gái rất quan tâm và thông cảm nhưng không dám đến gần. Một lần, khi anh chàng này khát nước, cô gái đã đến và đưa bịch nước nhưng không tài nào dám đến gần. Khát quá, anh chàng này mới chồm người tới lấy bịch nước thì cô gái hoảng quá, thả bịch nước rơi xuống sàn và bỏ chạy. Anh chàng bị nhiễm HIV không hiểu tại sao và lượm bịch nước lên uống. Sau đó, cô gái đã gửi lời xin lỗi anh chàng qua cô y tá.

Qua câu chuyện, tôi muốn nói với bạn rằng, con người chúng ta ai cũng có lòng tốt, lòng vị tha hướng về người khác nhưng chúng ta cần có sự hiểu biết. Sự hiểu biết sẽ giúp bạn biết được bạn nên làm điều gì, cái gì là chính xác.

Theo tôi, nếu bạn muốn xóa bỏ cảm giác kỳ thị đó, trước hết bạn có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, ban đầu là một tổ chức không liên quan đến HIV, một khi bạn mạnh dạn hơn thì bạn có thể tiếp cận với những người có hoàn cảnh nhạy cảm.

Nếu xã hội ngày càng có nhiều hoạt động xã hội tiếp cận với người nhiễm HIV, thì khoảng cách kỳ thị sẽ rút lại. Chính các bạn là người động viên, an ủi những người nhiễm HIV thấy rằng mình vẫn có ích cho xã hội. Tôi nghĩ, một ngày nào đó, cùng với sự tích cực của các tổ chức XH, của những người có tấm lòng như bạn, thì chúng ta sẽ khống chế được HIV.

* Mọi người đều kêu gọi không kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Một bạn bị nhiễm đã nói với tôi rằng bệnh AIDS mang đến con số tử vong không hơn tai nạn giao thông hay bệnh ung thư, hãy coi họ như những người bệnh khác. Tôi cũng rất muốn nghĩ như vậy. Nhưng các anh chị có nghĩ rằng người nhiễm HIV phần lớn là do lỗi của chính họ. Chính điều này khiến họ bị kỳ thị trong xã hội. (Hương, 25 tuổi, abc@...)

- Trần Song Khoa: Tôi không ủng hộ ý kiến của bạn, người nhiễm HIV/AIDS nguyên nhân do đâu mà họ nhiễm, và tìm nguyên nhân đó thì sẽ giải quyết vấn đề gì? Bạn có bao giờ nhìn những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS, những và mẹ, vợ bị lây nhiễm từ chồng.

Thậm chí cho tôi hỏi một câu hỏi: "Từ trước đến giờ bạn đã từng mắc sai lầm nào chưa?". Tôi tin chắc là có, thế nhưng sau sai lầm đó bạn cũng là một người bình thường, còn những người không may vì đôi chút sai lầm của mình mà mang trong người virus HIV thì bạn lại suy nghĩ về một hướng kỳ thị khác. Khi đọc câu trả lời của tôi thiết nghĩ bạn đã có thể tìm một câu trả lời riêng cho chính bản thân mình và cộng đồng.

- BS Lê Trường Giang: Cho đến nay, phần lớn những người nhiễm HIV là do bị lây nhiễm qua đường tiêm chích ma túy hoặc sinh hoạt tình dục không lành mạnh và không an toàn. Do đó, bạn có cảm nhận những người nhiễm HIV là do lỗi của chính họ. Nhưng, bạn cũng nên hiểu rằng không phải tất cả những người nhiễm HIV đều dính dáng đến cái hành vi không tốt. Ví dụ như: những trẻ thơ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, những người vợ hiền chỉ biết làm tròn bổn phận trong gia đình...

Vì vậy, bạn đừng nên nghĩ, tất cả những người nhiễm HIV đều là những người không tốt trong XH để từ đó dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Mặt khác, ngay cả đối với một người sử dụng ma túy, hoặc làm mại dâm, họ cũng có những hoàn cảnh khác nhau, trong đó, có nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn là đáng trách. Chúng ta phải hiểu, thông cảm với những cảnh đời khác nhau để có những sự đối xử với nhau như những con người thật sự.

- Anh Quách Hồng Sơn: Tôi không đồng ý với ý kiến của bạn. Tỷ lệ tử vong dù vì căn bệnh gì cũng có một phần trách nhiệm của chúng ta, của xã hội. Nếu mỗi người đều có ý thức, thì chúng ta mới có thể xây dựng được một cuộc sống XH lành mạnh.

Ban đầu, tôi cũng đã từng có suy nghĩ như bạn, nhưng từ khi bị nhiễm HIV, sống cùng những người nhiễm HIV tôi mới biết rằng, có rất nhiều người vẫn tự hỏi tại sao mình bị nhiễm HIV.

Có những người dân sống ở vùng đất xa xôi, nơi mà điện chưa đến, nước chưa đến, truyền hình chưa đến thế mà HIV lại đến với họ. Tất cả đều do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Họ khồng hề nhận được một kiến thức nào về phòng tránh mãi cho đến khi phát hiện mình bị bệnh và lây sang người trong gia đình.

Có những người sa ngã vào con đường ma túy vì họ thiếu nhiềm tin, họ không được quan tâm, họ chỉ là nạn nhân của XH. Dù biết sai nhưng họ vẫn không thể quay đầu lại, họ cần được quan tâm, cần được cảm thông để lấy lại niềm tin trở về với cuộc sống lương thiện.

Tôi mong bạn đừng trách những người nhiễm HIV, hãy thông cảm, hãy quan tâm đến họ, hãy hành động, tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết cho mọi người để không còn sự kỳ thị với người nhiễm HIV. Mỗi chúng ta đều ý thức được hành động của mình thì chúng ta sẽ biết cách quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chống lại đại dịch HIV này.

- Huong, 25 tuổi, abc@ :Tôi xin lỗi vì câu hỏi của tôi hình như đã làm anh Khoa phật ý. Nhưng điều tôi nói là một thực tế trong suy nghĩ của rất nhiều người. Và tôi cũng chỉ muốn đề cập đến những người nhiễm HIV do chính lối sống của mình (chiếm đa số). Câu trả lời của anh làm tôi hài lòng và hy vọng sẽ có nhiều người khác thông cảm. Cám ơn anh.

- Trần Song Khoa: Xin lỗi bạn vì câu trả lời của tôi đã gây cho bạn sự hiểu lầm, không đồng ý khác với phật ý bạn à. Tôi chỉ không đồng tình với quan điểm tại sao người đó nhiễm?! Rất vui vì câu trả lời của tôi đã làm bạn hài lòng. Thân.

* Xin cho tôi được biết khi người yêu của tôi bị chảy máu chân răng, mỗi khi tôi hôn cô ấy mà cô ấy bị nhiễm HIV thì tôi có bị lây không? Và khi hôn bộ phận sinh dục của người phụ nữ bị nhiễm HIV như vậy tôi có bị lây bệnh không? Chân thành cảm ơn. (maimai@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Bạn có nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ những nguyên nhân trên. Bạn có thể đến các trung tâm xét nghiệm tự nguyện miễn phí để được tham vấn và hỗ trợ một cách cụ thể hơn.

* Trước đây khoảng 4 năm, em có đâm phải một kim tiêm, sau đó em sợ quá nên đã đi không xét nghiệm. 4 năm qua em vẫn sống bình thường, không có mọi triệu chứng của bệnh, em còn mập hơn trước nữa. Vậy theo anh, em có bệnh không? Xin hãy cho em một số tài liệu về bệnh AIDS, như thời gian ủ bệnh, những biểu hiện... Cám ơn các anh, chị. (T.T.)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Không loại trừ cây kim mà bạn đâm phải đã có dính máu của người bị nhiễm HIV (thông tin của bạn cung cấp không rõ ràng).

Từ khi nhiễm HIV cho đến khi trở thành AIDS, bệnh trải qua 2 thời kỳ: không có triệu chứng (kéo dài 1-4 năm) và có triệu chứng. Nếu muốn biết có nhiễm HIV hay không, bạn phải đi xét nghiệm.

HIV/AIDS trải qua 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: không triệu chứng. - Giai đoạn 2: sụt cân 5% so với trọng lượng cơ thể, có thể sốt, tiêu chảy, zona, phát ban ngoài da...- Giai đoạn 3: sụt cân 10% so với trọng lượng cơ thể, có thể bị lao phổi, nấm họng... - Giai đoạn 4: hội chứng suy mòn (sụt cân 10% so với trọng lượng cơ thể, sốt, tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng không rõ nguyên nhân), có thể bị nấm não, viêm phổi PCP, lao ngoài phổi...

Những thông tin về AIDS, bạn có thể truy cập trên Internet hoặc đến các trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng.

* Vui lòng cho tôi hỏi: tiến trình bệnh có mấy giai đoạn kể từ khi nhiễm HIV? Khi chuyển sang AIDS là giai đoạn thứ mấy của bệnh và lúc nào nên bắt đầu uống thuốc đặc trị (ARV) ngoài yếu tố CD4<200? (Vinh Nguyễn, 35 tuổi, vinhntq@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Các giai đoạn của HIV/AIDS, bạn vui lòng tham khảo các câu trả lời trên.

Khi chuyển sang AIDS là giai đoạn 3,4. Ngoài yếu tố CD4<200, lâm sàng ở giai đoạn 4 hoặc CD4<350 cộng với giai đoạn lâm sàng 3, bạn sẽ được điều trị ARV.

* Anh (Chị) đã gặp phải những khó khăn gì khi trực tiếp tư vấn cho những ca mà thân chủ là người có H và không có thái độ hợp tác. Cảm ơn anh Trấn Song Khoa và các anh chị đã tham gia giao lưu trực tuyến! (Nguyen Thu Trang, 25 tuổi, trang_pch@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: Quả thật là rất khó khăn khi tư vấn cho những thân chủ là người có HIV và có thái độ không hợp tác. Tuy nhiên sự thật thái độ không hợp tác của người nhiễm chính là sự co mình lại của họ đối với cộng đồng. Để phá vỡ bức tường ngăn cách này chỉ có thái độ chân thành, biết lắng nghe những bức xúc và thực tại của họ. Có như vậy chúng ta mới có thể thay đổi được hành vi cũng như giúp cho họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tốt nhất.

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Những khó khăn chúng tôi thường gặp:

+ Người bệnh không chịu tiết lộ thông tin và hoàn cảnh.+ Khi còn khỏe, họ không chịu đến khám bệnh định kỳ. + Khó khăn trong vấn đề chăm sóc và hỗ trợ tại cộng đồng.+ Người bệnh không tuân thủ điều trị.

* Tôi thấy mọi nguời chỉ hô hào đừng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhưng chẳng thấy nói gì tới bảo vệ những nguời bị nguời nhiễm HIV tấn công! (nam, 40 tuổi, noinhothoi...@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: Luật phòng chống HIV/AIDS vừa được Quốc hội thông và sẽ có giá trị kể từ ngày 1-102007 đã quy định rất rõ vấn đề này cũng như các hình phạt (hình sự...) cũng như các biện pháp bảo vệ.

- BS Lê Trường Giang: Nếu bị người nhiễm HIV "tấn công", thì bạn có thể đến các cơ sở y tế, Trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng để được hướng dẫn và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.

* Chào Khoa! có khó khăn gì về mặt gia đình khi bạn làm công tác XH không vậy? Tôi ngưỡng mộ bạn một và ngưỡng mộ bà xã bạn gấp đôi. (Vinh nguyễn, 35 tuổi, vinh...@yahoo.com)

- Trần Song Khoa: Thật sự thì giai đoạn mới cưới cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống gia đình riêng, có những cú điện thoại của các thân chủ nữ nửa đêm, hay có lần chở các thai phụ là người có HIV đến bệnh viện Từ Dũ để được khám, người quen vô tình thấy có "méc" đến bà xã mình. Tuy nhiên sự minh bạch trong cuộc sống vợ chồng chính là niềm tin lớn nhất của bà xã dành cho mình.

Cảm ơn tình cảm của anh dành cho vợ chồng tôi.

* Em có người bạn thân bị nhiễm HIV, em vẫn biết HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường nhưng em vẫn sợ. Xin hỏi có cách gì để em có thể phòng tránh khi tiếp xúc với bạn ấy? (THao, 24 tuổi, cuomthaonet...@vnn.vn)

- Trần Song Khoa: Cách phòng tránh tốt nhất khi tiếp xúc với bạn ấy là không được tiếp xúc trực tiếp với các dịch, máu của người bệnh. Ngoài ra như bạn đã biết HIV/AIDS đâu có thể lây qua những giao tiếp thông thường.

* Làm sao để nhận biết một người bị nhiễm HIV? (Hậu, 23 tuổi, naivegirl221283@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Nhìn bên ngoài, không thể nhận biết một người đã bị nhiễm HIV. Nếu muốn biết, phải xét nghiệm HIV.

* Sao không tổ chức một vài điểm giải trí cho người có HIV, đồng thời cũng là nơi tuyên truyền công tác phòng chống AIDS/HIV. (Vinh Nguyễn, 35 tuổi, vinh...@yahoo.com)

- BS Lê Trường Giang: Rất hoan nghênh ý kiến của bạn. Hiện nay, TP có rất nhiều nơi để người nhiễm HIV để có thể đến sinh hoạt, giải trí trong một bầu không khí thân thiện, đó chính là những trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng của các quận huyện. Hiện nay, TP đã có 16 trung tâm và trong năm tới sẽ có đủ 24 trung tâm. Khi người nhiễm HIV đến trung tâm này vừa có thể sinh hoạt giải trí, vừa có thể tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc chữa trị, phòng ngừa lây nhiễm HIV.

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Hiện đã có những điểm giải trí cho người có HIV, như cafe Con Đốm (53 Vũ Tùng, P.2, Bình Thạnh), CLB Bầu Trời Xanh (53 Vũ Tùng, P.2, Bình Thạnh), các CLB của người có HIV ở các trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng...

* Nếu tôi bị nhiễm HIV, thì tôi sẽ dùng những ngày cuối cùng của đời mình để trả thù, không phải trả thù nguời vô tội mà trả thù những kẻ đã gây ra nó: những kẻ buôn bán ma tuý, những tên tiêm chích ma tuý... Như vậy thì sẽ có ích cho xã hội hơn, bớt đi những kẻ làm hại cuộc sống người khác? (nam, 40 tuổi, noinhothoi...@yahoo.com)

- BS Lê Trường Giang: Bạn đã có một ý tưởng rất là mới và rất là "tích cực". Tuy nhiên, bạn có biết là có bao nhiêu người mua bán ma túy và cụ thể họ là ai, ở đâu và bằng cách nào bạn có thể tiếp cận với họ và thực hiện hành vi trả thù với họ? Còn đối với những người tiêm chích ma túy thì họ cũng chỉ là nạn nhân của tệ nạn ma túy mà thôi... Tại sao bạn lại đi trả thù họ?

Do đó, tôi nghĩ rằng, cách tốt nhất để trả thù HIV là tham gia các hoạt động phòng chống AIDS, giúp người ta chống lại con HIV này một cách tốt nhất.

- Anh Quách Hồng Sơn: Sơn rất thông cảm với suy nghĩ của bạn. Nhưng Sơn nghĩ, khi bạn có quyết định hành động trả thù thì chẳng khác nào bạn đang tiếp tay cho những người đó. Vì người bị bạn trả thù sẽ tiếp tục đi trả thù người khác, cái ác sẽ được nhân rộng, lúc đó xã hội sẽ chỉ tồi tệ hơn.

Cái ác không từ bỏ một ai cả, những đối tượng này sẽ đi trả thù người khác nhưng bạn có nhận ra được ai là người trong tầm trả thù của bạn? Trả thù đến khi nào thì bạn thỏa mãn? Khi lòng hận thù dẫn dắt thì chả mang lại gì lợi ích cho cộng đồng.

Tôi khuyên bạn hãy chấp nhận và rộng tấm lòng. Cũng giống như trẻ em bị nhiễm HIV, chúng cũng chỉ là nạn nhân. Bạn hạy tìm đến những nhà tham vấn, tìm đến môi trường sinh hoạt lành mạnh để vừa có thể đóng góp cho xã hội như bạn có thể tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giúp bạn trẻ hiểu rõ và phòng tránh bệnh HIV.

Chẳng hạn như Sơn, Sơn đã công khai căn bệnh của mình, đem kinh nghiệm của mình để đánh động mọi người, ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh thế kỷ này.

* Tại sao lại không kỳ thị? Đối với những nguời nhiễm HIV nhưng có ý thức thì không sao, nhưng những người dùng HIV để đe doạ nguời khác thì sao? Đã có những truờng hợp dùng máu nhiễm HIV để hại nguời khác: cháu bé tên Thắng đã bị chích kim tiêm vào tay, một chiến sĩ công an vừa hy sinh vì bị đâm kim tiêm... Tốt nhất là xa lánh và cảnh giác là tốt nhất! (nam, 40 tuổi, noinhothoi2005@)

- Chị Mạc Thị Thùy Linh: Pháp luật nghiêm cấm tất cả các hành vi cố ý lây truyền hoặc đe dọa truyền HIV cho người khác. Những trường hợp mà bạn kể cũng không nhiều và chắc chắn họ sẽ bị xử lý một cách thích đáng.

* Theo tôi nghĩ, có không ít (nếu không muốn nói là nhiều) người khi nhiễm HIV - họ rất mặc cảm với người khác và cả với chính bản thân mình. Lấy một ví dụ: một người có tâm huyết với nghề (chẳng hạn làm công tác tuyên truyền) muốn giúp đỡ một người nhiễm HIV có thể tái hoà nhập cộng đồng, mà cái đích đến lớn hơn là họ có một cuộc sống tốt đẹp và sống những ngày có ích trong những ngày tháng cuối cùng thì còn dễ.

Trường hợp một người khác, cũng muốn giúp người nhiễm HIV với công việc như trên nhưng lại không có năng khiếu (hiểu biết về tâm lí học, kiến thức tuyên truyền, vận động...) thì phải làm thế nào? (Trần Khánh Sang, 21 tuổi, vetbuithoigian...@yahoo.com)

- BS Lê Trường Giang: Tôi rất hoan nghênh suy nghĩ và mong muốn của em. Tôi muốn nói với em rằng, để tham gia hoạt động phòng chống AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm thì điều quan trọng đầu tiên và quan trọng nhất, đó là tấm lòng.

Chỉ những người có một tấm lòng thiết tha, mong muốn giúp đỡ cho những nạn nhân của đại dịch, của tệ nạn XH mới có thể thấu cảm được những hoàn cảnh của những mảnh đời khác nhau, từ đó, mới có thể giúp đỡ một cách chân tình và hiệu quả nhất.

Tất nhiên, những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện được hoạt động là rất cần thiết, nhưng với người đã có tấm lòng thì điều đó hoàn toàn có thể giải quyết được thông qua những lớp huấn luyện đào tạo và thông qua chính thực tiễn hoạt động của mình.

UB phòng chống AIDS TP.HCM, số 59 Nguyễn Thị Minh Khai Q1 rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác hỗ trợ huấn luyện đào tạo cho bạn để bạn có đủ khả năn

NHÓM PV TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên