Theo lộ trình, PCB sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu huỷ an toàn vào năm 2028 tại Việt Nam. Việt Nam chưa có nghiên cứu chi tiết nào về mức độ ảnh hưởng của PCB đến sức khỏe người lao động. Tuy nhiên, chỉ cần một chút bất cẩn hoặc không tuân thủ đúng quy trình lấy mẫu, bảo dưỡng, vận chuyển, lưu giữ và thải bỏ các thiết bị chứa PCB, bản thân người lao động và cộng đồng đều có thể bị phơi nhiễm PCB dù chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Vì thế, để hạn chế phát thải PCB ra môi trường, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp, giúp các cơ sở, chủ sở hữu các vật liệu, thiết bị, dầu thải chứa PCB nâng cao năng lực quản lý an toàn PCB.
Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành điện đang sở hữu những thiết bị, vật liệu có khả năng có PCB. Nếu chủ doanh nghiệp cũng như người lao động không nhận thức được hết những nguy hại đang tiềm ẩn từ việc phát thải PCB ra môi trường và không có các biện pháp quản lý an toàn thì cái giá phải trả sẽ không thể ước tính được. “Sai một ly đi nghìn dặm”, cuộc sống của bản thân và cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng chỉ vì sai sót của một người.
Việc quản lý PCB không chỉ cần thực hiện ở cấp Trung ương mà còn rất cần thực hiện tại các doanh nghiệp có thiết bị, vật liệu có và nghi nhiễm PCB. Hơn bất cứ ai, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ những quy định về quản lý, sử dụng và lưu giữ an toàn các thiết bị, vật liệu có chứa PCB; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường quản lý với người lao động về những vấn đề này.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận