![]() |
Đây sẽ là quy định theo Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA giai đoạn 2006-2013 vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Một số mặt hàng mới được đưa vào thực hiện CEPT như bộ linh kiện ôtô CKD, các loại xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa gồm xe tải van, xe tải pick-up hay các loại xe tương tự. Mặt hàng bia, rượu, xi măng, giấy, sắt thép, điện, điện tử…
Trước đây, thuế suất thuế nhập khẩu những mặt hàng này trong Danh mục CEPT giai đoạn 2003-2005 từ 20% trở lên và giai đoạn 2006-2013 chỉ còn 5%. Riêng mặt hàng thuốc lá vẫn chưa có kế hoạch đưa vào lộ trình giảm thuế do đây là mặt hàng gây nguy hại cho sức khỏe.
Theo số liệu nhập khẩu năm 2005, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN được áp dụng thuế CEPT nêu trên tập trung ở một số nhóm mặt hàng nhất định, chủ yếu là clanke xi măng, giấy, ôtô, sản phẩm điện lạnh, phôi thép, nhựa, nguyên liệu nhựa... Đa số các mặt hàng trên (trừ ôtô và sản phẩm điện lạnh mà nhập khẩu chủ yếu là bộ linh kiện) đều có thuế suất nhập khẩu ưu đãi ở mức trung bình hoặc tương đối thấp, do vậy chênh lệch giữa thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất CEPT không nhiều. Theo Bộ Tài chính, xét về góc độ kinh tế vĩ mô thì việc giảm thuế theo Danh mục CEPT giai đoạn 2006-2013 không tác động nhiều tới tăng trưởng GDP, thương mại, sản xuất trong nước, ngân sách nhà nước, đầu tư nước ngoài, tỷ giá, tài khoản vốn, lao động... |
Đề cập đến lộ trình xóa bỏ hoàn toàn thuế suất đối với toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN theo CEPT kể từ năm 2015, Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Tài chính cho biết, lộ trình xóa bỏ thuế suất theo CEPT đã được các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị sẵn.
Theo lộ trình hiện tại thì 97% số mặt hàng đã có thuế suất 0-5%, trong đó trên 50% số mặt hàng đã có thuế suất 0%. Đối với một số mặt hàng của các ngành nông nghiệp, thủy sản, ôtô, công nghệ thông tin, điện tử, y tế, sản phẩm cao su, may mặc và sản phẩm gỗ sẽ được xóa bỏ thuế quan vào năm 2012. Tuy nhiên do VN là một trong số những nước thành viên mới của ASEAN nên được linh hoạt xóa bỏ thuế quan một số mặt hàng, nhóm mặt hàng đến 2018, thay vì 2015.
Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA) có hiệu lực từ tháng 1-1992 với mục tiêu xóa bỏ rào cản thương mại giữa các nước ASEAN. Qua đó tạo lập một cơ sở sản xuất chung, một thị trường khu vực thống nhất với hơn 500 triệu người tiêu dùng.
Năm 2003, 6 nước sáng lập ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành giảm thuế xuống 0-5% đối với hầu hết hàng hóa. Riêng VN, từ năm 2006 cũng cơ bản hoàn thành cắt giảm các dòng thuế xuống 0-5%. Thuế suất đối với toàn bộ các sản phẩm sẽ tiếp tục được xóa bỏ vào năm 2015 đối với 6 nước sáng lập và 2018 đối với 4 nước thành viên gồm VN, Lào, Myanmar và Campuchia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận