![]() |
Giá đất tăng người dân gặp khó khăn khi tìm chỗ ở - Ảnh: T.K |
Cũng đã có ý kiến nên, hay không nên điều chỉnh giá đất mỗi năm theo đúng tinh thần của Luật Đất đai. Bởi, mỗi lần điều chỉnh lại gây ra những xáo trộn trong những hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tăng bình quân 20% so với 2007
Theo UBND TP, phương án khung giá đất 2008 dự kiến ban hành có mức tăng bình quân khoảng 20% so với giá đất của năm 2007. Cụ thể, giá đất tại một số đường phố của các quận nội thành có mức cao tối đa là 67,5 triệu đồng/m2. Giá đất ở tại các thị trấn, dự kiến điều chỉnh mức tối đa cho thị trấn loại 1 từ 11 triệu đồng/m2 lên 16 triệu đồng/m2 (áp dụng cho khu vực đã phát triển đô thị của huyện Từ Liêm). Giá đất tại khu vực đầu mối giao thông, dự kiến 11,25 triệu đồng/m2, áp dụng cho một số tuyến đường thuộc địa bàn huyện Từ Liêm và điều chỉnh thêm các mức giá trong khung cho một số tuyến đường thuộc địa bàn các huyện còn lại.
Riêng đất nông nghiệp, UBND TP sẽ áp dụng mức giá tối đa theo khung của Chính phủ và thẩm quyền của UBND TP (vượt khung của Chính phủ 20%).
Cụ thể, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm là 162.000đ/m2; đất nông nghiệp trồng cây lâu năm cho các vùng ngoại thành, gồm: toàn bộ các xã bờ tây sông Nhuệ, các xã giáp ranh nội thành của huyện Thanh Trì, Gia Lâm là 189.000đ/m2. Đồng thời, UBND TP cũng đề xuất áp dụng mức giá tối đa theo khung của Chính phủ đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, mức 135.000đ/m2;158.000đ/m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm cho các xã còn lại của huyện Thanh Trì, Gia Lâm và toàn bộ các xã thuộc huyện Đông Anh. Đất nông nghiệp trong phạm vi địa giới hành chính phường sẽ có giá 252.000đ/m2.
Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp trong các quận nội thành (trừ Hoàng Mai, Long Biên) sẽ điều chỉnh tăng trong mối tương quan với giá đất ở. Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại các vùng quận Hoàng Mai, Long Biên, vùng giáp ranh nội thành điều chỉnh tăng trong mối tương quan với giá đất ở, nhưng giảm 10% so với mức tăng của các quận khác.
Giá đất tăng: Ai được, ai mất?
Ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, bảng giá đất năm 2008 của Hà Nội đã áp dụng tối đa theo khung giá và chính sách quy định của Chính phủ đối với giá đất ở và giá đất nông nghiệp. UBNDTP cũng bổ sung giá đất một số đường phố còn thiếu trong bảng giá, đường phố mới được Nhà nước và thành phố cải tạo nâng cấp, xây mới, đường phố mới đặt tên...
Giá đất mới tăng cao sẽ tác động tích cực đến việc bồi thường, GPMB các dự án, bởi người bị thu hồi đất sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cũng khiến tăng chi ngân sách cho GPMB. Giá đất tăng cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) mới thực hiện thuê đất từ năm 2008 và các DN đang sử dụng đất kinh doanh, nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất. Giá thuê đất tăng đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào sản xuất tăng và sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN.
Theo chiều ngược lại, điều chỉnh giá đất sẽ giúp tăng thu ngân sách khi người dân, DN thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ làm phát sinh thêm số nợ ngân sách về nghĩa vụ tài chính. Hiện nay, số nợ tiền thuê đất của các tổ chức trong nước (tính đến hết năm 2007) vẫn còn khoảng 100 tỷ đồng và số nợ đọng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008.
Ngoài ra, giá đất tăng thêm 20% sẽ gây thêm khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Bởi, với mức giá của năm 2007, thành phố đã “tồn kho” trên 65.000 “sổ đỏ” vì người dân không mặn mà. Khi áp dụng giá đất mới, con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, theo thông tin từ giới kinh doanh bất động sản, giá đất hiện tại ở một số vị trí trung tâm Hà Nội như các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hàng Ngang, Hàng Đào... đang giao dịch với giá 150-180 triệu đồng/m2, cao gần gấp 3 so với mức đề xuất của UBND TP.
Đã không ít lần ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho rằng, việc để tồn tại 2 loại giá đất đã gây ra những biến động bất thường của thị trường nhà đất trong thời gian qua. Thực tế cho thấy những biến động bất thường này chỉ có lợi cho những kẻ đầu cơ nhà đất, trong khi cả nhà nước và người lao động đều bị thiệt. Trước khi ban hành giá đất mới, Hà Nội đã đề xuất hướng nên giữ giá đất ổn định trong vòng 3-5 năm. Nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi giả sử cứ theo hướng này, chúng ta có lại rơi vào vòng luẩn quẩn như đã nêu ở trên?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận