![]() |
Theo trưởng Ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Võ Trí Thành, ba mục tiêu tăng trưởng GDP cao (8,5%), đạt tỉ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 36,5% GDP và giữ chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn 6,5% không phải lúc nào cũng đạt được cùng một lúc, do đó cần cân nhắc để lựa chọn giải pháp phù hợp. “Ổn định nền kinh tế vĩ mô, bằng mọi cách thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân để phát triển qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư là biện pháp cơ bản cần thực hiện” - ông Thành đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế VN) cho rằng sự điều chỉnh trong cơ cấu vốn đầu tư theo hướng tăng tỉ trọng vốn của khu vực ngoài quốc doanh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, lạm phát tăng ở một mức độ hợp lý cũng có lợi cho nền kinh tế vì thúc đẩy sản xuất phát triển. Chính vì vậy, ông Thiên cho rằng VN cũng cần có một lộ trình điều chỉnh tăng giá hợp lý để kích thích sản xuất.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền - Ban nghiên cứu của Thủ tướng - đề nghị cần phải phân nhóm các mặt hàng để có biện pháp đối phó cụ thể: với những mặt hàng mà biến động giá chủ yếu do chi phí đầu vào tăng (như xăng dầu, sắt thép, nhựa...), cần chú trọng giải pháp giảm chi phí sản xuất, lưu thông, tiết kiệm tiêu dùng, còn những mặt hàng phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu cần sử dụng chính sách thuế hợp lý để hạn chế ảnh hưởng của biến động giá thế giới. Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), việc buông lỏng quản lý của các doanh nghiệp có vị thế độc quyền cũng giúp nhiều đối tượng thu lợi lớn trên đầu người tiêu dùng. “Chính độc quyền là yếu tố dẫn đến tình trạng đầu cơ, qua đó đẩy giá cả tăng cao” - ông Phong nhận định.
TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Cần xem xét giảm ngay giá dịch vụ bưu chính viễn thông và phải có biện pháp tài chính, tín dụng hợp lý để hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho sản xuất lương thực, thực phẩm - hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng”.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, bà Susan Adams lưu ý Chính phủ không nên tăng thêm sự can thiệp hành chính vào thị trường thông qua việc mở rộng danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, mà thay vào đó chú trọng nhiều hơn nữa việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như tỉ giá, lãi suất để kiểm soát giá cả.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận