07/03/2004 09:29 GMT+7

Mỹ đã "đảo chính" ở Haiti?

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCN - Chẳng ngạc nhiên lắm khi nghe tổng thống bị lật đổ ở Haiti, Jean - Bertrand Aristide, tố cáo rằng: “Nhân viên Hoa Kỳ đến nhà tôi bảo tôi rằng nếu tôi không ra đi, họ sẽ nổ súng. Tôi bị bức phải ra đi”! Khi đưa tin này, Hãng thông tấn Mỹ AP phân vân không rõ “họ” đây có phải là nhân viên (tình báo) Mỹ hay phe phản loạn ở Haiti.

sDEcQpDV.jpgPhóng to
Thủy quân lục chiến Mỹ trên bến cảng Port-au-Prince
Uk8DUbAr.jpgPhóng to
Cuộc họp báo cuối cùng của ông Aristide
Tất nhiên, phía Hoa Kỳ bác bỏ những tố cáo này. Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Roger Noriega hôm 2-3-2004 kịch liệt phản bác trước Thượng viện Mỹ: “Việc ông Aristide tố cáo rằng đã bị bắt cóc cho thấy ông ta là một người vô trách nhiệm, không thể biện hộ gì được”. Thế nhưng, ông Noriega cũng đã thổ lộ thái độ của Hoa Kỳ: “Mục tiêu then chốt của Hoa Kỳ ở Haiti là đuổi bọn sát nhân ra khỏi dinh tổng thống”.

Ở Haiti, căn cứ theo các tố cáo qua lại, có hai phe “sát nhân”: một là phe nổi loạn, hai là phe của ông Aristide, hai bên vác gậy gộc, mã tấu, cả súng trường Garant M-1 thời Thế chiến thứ hai ra đánh nhau tơi tả từ mấy tháng nay.

Không rõ “bọn sát nhân” mà ông Noriega đe sẽ “đuổi ra khỏi dinh tổng thống” có phải là ông Aristide? Dường như là thế, bởi lẽ ông Noriega còn tuyên bố: “Chúng tôi thừa nhận rằng ông ấy là một tổng thống hợp hiến, song chúng tôi cũng còn biết lắm việc khác. Ông ta hủy diệt các định chế dân chủ của mình. Aristide đã chứng tỏ qua việc sử dụng vũ lực trong các năm qua và những ngày gần đây rằng ông ta không thuộc mẫu người chúng tôi dựng lên nắm quyền hành” (nguồn: Washington files).

Aristide đã bị bắt cóc?

Ngay tại Washington cũng đã có những nghi kỵ về “bàn tay” của Chính phủ Mỹ, trong số đó có không ít nhà báo Mỹ. Hôm 1-3-2004, một nhà báo (tên Terry) chất vấn trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng:

* Ông có thể mô tả những gì mà Hoa Kỳ biết được về những điều kiện ra đi khỏi Haiti của tổng thống Aristide. Ông ta có tự ý ra đi hay không? Ông ta có bị ép…?

- (Phát ngôn viên Nhà Trắng McClellan kịch liệt trả lời) Không, thật là phi lý. Ông Aristide đã tuyên bố: “Tối nay tôi từ chức nhằm tránh một cuộc tắm máu. Tôi chấp nhận ra đi với hi vọng để lại sự sống chứ không phải cái chết”. Chúng tôi đã tiến hành một số bước nhằm bảo vệ ông Aristide cùng gia đình sao cho họ không hề hấn gì khi rời Haiti.Câu trả lời không làm hài lòng nhà báo trên.

* Thế có lúc nào Hoa Kỳ tuyên bố rằng sẽ không bảo vệ ông ta nếu như ông ta ở lại?

- Thật tình tôi không hiểu anh muốn ám chỉ gì, Terry ạ.

* Được thôi. Đó là một số nhân viên an ninh của ông ta (tổng thống Aristide) được thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ ông ta nếu như có rối loạn.

Câu hỏi của một nhà báo khác cho biết chi tiết hơn về sự ra đi của ông Aristide: “Nữ dân biểu Maxime Waters kể cho chúng tôi rằng bà đã nói chuyện trực tiếp với ông Aristide, rằng ông này than mình đã bị bắt cóc, rằng cú đảo chính này do người Mỹ kết thúc, rằng người Mỹ đã cưỡng bách ông ta ra đi, rằng người Mỹ đã vô hiệu hóa nhóm an ninh bảo vệ ông ta vốn cũng là người Mỹ…”.

RlcJokwI.jpgPhóng to

Đến tối thứ tư 3-3-2004, giờ địa phương, “tân chủ nhân” của Haiti, Guy Philippe, đã “nói lại”: “Mục tiêu của chúng tôi là đuổi cổ Aristide nay đã đạt được rồi. Chúng tôi cũng đã được đảm bảo là chế độ dân chủ sẽ tiếp tục ở Haiti, nên chúng tôi hạ vũ khí”.

Theo báo Le Monde (Pháp), trước đó một đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã đến gặp Guy Philippe và đưa ra “một thông điệp cực kỳ thẳng thắn”. Bảy xe tăng và hai xe tuần tiêu bọc thép Humvee Mỹ đã xuất hiện để biểu dương lực lượng. Binh sĩ các nước đang đổ bộ. “Kịch bản Haiti 2004” tiếp tục được thực hiện không một chút ngáng trở bất ngờ.

Theo CNN, vào “giờ thứ 23”, tức thứ bảy tuần trước, tốp nhân viên an ninh Mỹ gồm 19 người được phái sang làm cận vệ cho ông Aristide đã được lệnh rút đi, bỏ mặc ông Aristide. Nếu đúng như thế thì “áp tải” ông Aristide ra đi chính là nhân viên an ninh Mỹ, hộ tống ông Aristide trở về Haiti cách đây 10 năm và bảo vệ suốt cho đến giờ phút áp chót cũng là nhân viên an ninh Mỹ.

Thực hư về vụ ra đi này của ông Aristide ra sao? Hãy nghe chính ông Aristide nói trên CNN: “Tôi và gia đình đã trải qua suốt 20 giờ trên chiếc máy bay đó mà không hề biết được rằng đang đi đâu, cũng chẳng được phép tiếp xúc với ai”. Trong khi đó, Luis Moreno, phó trưởng nhiệm sở ngoại giao Mỹ tại thủ đô Port- au-Prince của Haiti, cho biết cũng trên CNN “sáu nhân viên an ninh Mỹ có mặt vào lúc ông Aristide ra đi và chẳng ai đe dọa gì ông ấy”.

Ông Aristide có than trách gì bây giờ cũng là vô ích khi đó là số kiếp và đã từng có tiền lệ trong lịch sử của những nhà “lãnh đạo dân chủ” được thiên hạ dựng nên, khi mà ngoại binh ra vào đất nước đó như vào “sân sau” của mình. Một tuần trước sự cố, 50 thủy quân lục chiến Mỹ đã được không vận đến Port-au-Prince để tăng cường bảo vệ sứ quán Mỹ. Vào thời điểm đó, Aristide cũng ngây thơ gọi điện thoại hỏi: “Nếu quân nổi loạn tiến sát dinh tổng thống quá, lính Mỹ có can thiệp không?” để rồi nhận được câu trả lời là: “Không”.

Hơn 40 năm trước, anh em Diệm - Nhu cũng đã từ dinh Gia Long bị vây hãm điện cho đại sứ Lodge và nhận được câu trả lời là “sẽ bảo vệ tính mạng cho quí vị nếu quí vị ra đi”. Anh em Diệm - Nhu đã từ chối lời ngỏ ý đó và đã bị “phe cách mạng” bắn chết sáng hôm sau. Có lẽ Aristide đã học thuộc trang sử của anh em Diệm - Nhu nên đã lên máy bay. Bay đi rồi la làng cũng được, thà cứu lấy mạng còn hơn là toi mạng. Ngay cả các nhà báo Mỹ cũng đã không cảm thấy “thoải mái” trước việc máy bay của Mỹ “tự do” bay vào Haiti “bốc” ông Aristide đi. Một nhà báo hỏi: “Ai đã cho phép chiếc máy bay đó hạ cánh xuống Haiti? Có phải chính ông Aristide hay không? Đây là một câu hỏi then chốt”, khiến phát ngôn viên Nhà Trắng ấp úng.

Haiti năm 2004 và năm 1994

CRDUxtA3.jpgPhóng to
Haiti cách Cuba không đầy 100 dặm
Tom Reeves trong Double game in Haiti (Trò hai mặt ở Haiti) nhớ lại cái ngày trở về năm ấy của ông Aristide: “Tôi trông thấy trực thăng Hoa Kỳ chở Aristide đáp xuống đất ở dinh tổng thống và binh sĩ Mỹ canh chừng cái “hộp” chống đạn trong đó ông Aristide đang đứng nói chuyện”.

10 năm trước, ông Aristide còn trong “hào quang” của một vị tổng thống đầu tiên do dân bầu tại Haiti vào năm 1990, sau đó bị cánh quân phiệt đảo chính phải bay sang Mỹ tị nạn.

Tháng 9-1994, 20.000 thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ với hơn 50 tàu chiến, kể cả hàng không mẫu hạm ngoài khơi Port-au-Prince, cùng một êkip phóng viên CNN tháp tùng đưa tin trên khắp thế giới, dọn đường đưa ông Aristide trở về vào năm sau. Năm nay Mỹ không đơn thân độc mã nhảy vào Haiti như năm 1994. Càng nhảy vào đông, càng nhắc nhở rằng chính Mỹ đã đưa ông Aristide nay là hiện thân của “nền dân chủ thất bại” trở về.

Khác biệt nữa còn là do năm 1994 ông Clinton (của Đảng Dân chủ) đã “ăn ốc” bằng cách đưa ông Aristide về như là “lá bài dân chủ thứ 34 ở châu Mỹ” sát cạnh một Cuba theo thể chế “thù địch”.

Nay lá bài Aristide đã cháy, báo hại ông Bush phải “đổ vỏ”. Chuyện tổng thống Mỹ này “đổ vỏ” cho tổng thống kia không phải là mới mẻ. Chẳng qua vị này thích để lại “món quà độc” cho người kế vị mình thuộc đảng đối nghịch.

Tháng 12-1992, cho dù kết quả bầu cử đã có từ cả tháng, cho dù tổng thống tân cử Clinton chỉ một tháng nữa sẽ nhậm chức, tổng thống sắp mãn nhiệm Bush “bố” vẫn thản nhiên phái thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Somalia “tái lập hòa bình”, báo hại ông Clinton vừa mới chân ướt chân ráo vô Nhà Trắng, chưa từng “đánh đấm” trận nào, phải lo rút quân về sau khi một chiếc trực thăng Blackhawk bị bắn hạ, thủy quân lục chiến Mỹ bị xé mỏng trên thành phố cảng Mogadish. Cả năm sau ông Clinton mới “đổ vỏ” được cho ông Bush “bố”. 12 năm sau, Bush “con” đổ vỏ bù lại cho ông Clinton.

Năm nay là năm bầu cử, ông Bush không dại gì để cho nước Mỹ “một mình chịu báng”, nhất là sau vụ “tai tiếng” chiến tranh Iraq. Đó là lý do mà nay Mỹ đã cùng với cựu chủ nhân của Haiti trong quá khứ là Pháp bàn bạc và hợp tác gửi quân đến Haiti. Tất nhiên còn có quân đội các nước khác, trong khuôn khổ của nghị quyết 1529 của Hội đông Bảo an LHQ ngày 29-2.

Theo đó, nhiệm vụ của lực lượng đa quốc gia tạm thời tại Haiti chính là “tạo thuận lợi cho việc phục hồi các điều kiện an ninh và ổn định trong thủ đô Haiti và tại các nơi khác…, theo yêu cầu của tổng thống (lâm thời) Haiti Boniface Alexandre, nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị hợp hiến đương thời” (Bộ Ngoại giao Pháp, 2-3-2004). Một sự hợp tác quốc tế quá “đẹp đẽ” có thể giúp xóa đi những bất đồng năm ngoái vì vụ Iraq giữa Pháp và Mỹ.

Phía Pháp cũng có lý do riêng để hoan hỉ hợp tác với Mỹ. Cơ bản, đây chính là cơ hội để Pháp về lại chốn xưa. Dẫu sao Haiti cũng đã từng là một nước francophone thứ thiệt. 10 năm qua tiếng Pháp có “vơi” đi phần nào, nhường không ít chỗ cho tiếng “Mỹ”. Mới chỉ 10 năm mà nay tờ Haiti Progress đã xuất bản cả bằng tiếng Pháp, tiếng créole (tiếng địa phương lai tiếng Pháp) và… tiếng “Mỹ”; tờ Haitian Times xuất bản hằng ngày bằng tiếng “Mỹ”... 10 năm là một quãng thời gian đủ dài cho một sự “thay đổi ngôn ngữ”.

Khác biệt khác nữa giữa năm 2004 và năm 1994 là năm nay phe nổi loạn vẫn cứ bị gọi là phe nổi loạn, cho dù nay họ có đang “tuần tra” trong thủ đô Port-au-Prince, cho dù thủ lĩnh Guy Philippe nay có hoan hỉ thét lên: “Đất nước nay đang trong tay tôi!”. “Anh chàng” nguyên chỉ huy trưởng “cảnh sát quốc gia” cho đến năm 2000 này còn quá trẻ người non dạ, mới 36 tuổi, để ngộ ra rằng mình chỉ là một công cụ dùng để tống tiễn ông Aristide mà thôi.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Roger Noriega hôm 2-3-2004 nói về Guy Philippe như sau trước Thượng viện Mỹ: “Y chẳng kiểm oát gì ráo ngoại trừ một đám khố rách áo ôm. Với sự hình thành một lực lượng quốc tế gìn giữ hòa bình tại Haiti, vai trò của Philippe sẽ chẳng còn là gì trong cuộc sống của người dân Haiti. Chúng tôi đã gửi thông điệp này cho y. Chắc là y chưa nhận được đấy thôi”.

Có lẽ Guy Philippe tin rằng quá trình thụ huấn với lực lượng đặc biệt Mỹ vào đầu những năm 1990 cũng như cuộc hôn nhân với cô vợ người Mỹ tiểu bang Wisconsin sẽ bảo bọc y trong giấc mộng bá vương để rồi tuyên bố: “Dân chủ không phải là một nhiệm kỳ năm năm, mà là một loạt các nguyên tắc, quyền được sống, được ăn, được giáo dục, được chăm sóc sức khỏe. Aristide đã đi ngược lại tất cả mọi nguyên tắc đó”. Hoài bão lớn quá! Dẫu sao cũng có thể hi vọng rằng rồi thì Guy Philippe cũng sẽ tỉnh ngộ để cho “kịch bản Haiti 2004” có thể tiếp diễn trong êm ả: một chính quyền lâm thời chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới.

Một Aristide này xuống vì bất tài, một “Aristide” khác sẽ được dựng lên. Liệu sẽ giải được bài toán mà ông Aristide đã mô tả hôm 1-1-2004 nhân kỷ niệm 200 năm Haiti độc lập: “Chúng ta là đất nước đầu tiên của người da đen được độc lập từ 200 năm qua. Song chúng ta cũng đã trải qua 32 cuộc đảo chính. Nếu như chúng ta trù phú về mặt văn hóa, lịch sử, thì về kinh tế lại là đất nước nghèo nhất trên bán cầu này. Phần nào do hậu quả của 32 cuộc đảo chính đó”.

Một khi “cộng đồng quốc tế” nay đã hòa cùng một nhịp, thì “kịch bản Haiti” sẽ phải ổn thỏa. Trừ phi Đảng Dân chủ ở Mỹ, như các dân biểu Corrine Brown, Kendrick Meek của tiểu bang Florida, cùng báo chí cùng phe muốn khui vụ này thì lại là chuyện khác.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên