08/05/2005 08:00 GMT+7

Mỹ - Liên Xô & "vòi nước chữa lửa"

QUỲNH ANH
QUỲNH ANH

TTCN - Trong những năm 1960 - 1980 ở phương Tây, từng nổi lên quan điểm thổi phồng giá trị của viện trợ Mỹ cho Liên Xô trong Thế chiến thứ hai.

8gxBVDs3.jpgPhóng to
Ảnh (từ phải qua) Ba nhà lãnh đạo đồng minh trong Thế chiến thứ hai: Stalin (Liên Xô), Roosevelt (Mỹ), Churchill (Anh)

Ngược lại, nhiều nhà sử học Xô viết cho rằng viện trợ theo hình thức lend - lease (cho vay - cho thuê) chỉ bằng 4% tổng sản lượng công và nông nghiệp của Liên Xô trong những năm chiến tranh và viện trợ lend-lease đóng góp không đáng kể vào việc trang bị cho các lực lượng vũ trang Xô viết. Một cái nhìn của chính những người trong cuộc.

Khi ngọn lửa chiến tranh bùng cháy ở châu Âu, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt giải thích với người dân Mỹ: “Giả sử nhà hàng xóm bắt lửa và tôi có một vòi nước dài để tưới vườn, tôi sẽ không nói: Này, anh bạn hàng xóm, cái vòi của tôi đáng giá 15 đôla, anh phải trả cho tôi 15 đôla. Không. Tôi không muốn 15 đôla.

Tôi muốn nhận lại cái vòi sau khi lửa đã tắt”. Giúp thiên hạ chữa cháy để khỏi cháy nhà mình, chủ trương này được cụ thể hóa bởi đạo luật lend- lease (cho vay - cho thuê) ngày 11-3-1941 cho phép Tổng thống Roosevelt chuyển giao, cho mượn, cho thuê mọi tài sản cần thiết cho chiến tranh, từ thực phẩm, súng ống, đạn dược, tàu bè... và các dịch vụ khác cho các nước đang tham gia cuộc chiến có lợi cho an ninh của Hoa Kỳ.

Lend - lease quan trọng hay không đáng kể đối với Liên Xô?

QKtIkvQV.jpgPhóng to PE9iRCtQ.jpg
Xe tăng và máy bay P-39 của Mỹ trong chương trình lend - lease
Trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Truman đề ngày 11-6 -1945, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin viết: “Thỏa thuận mà, trên cơ sở đó trong suốt cuộc chiến tranh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã cung cấp cho Liên bang Xô viết vũ khí, nguyên liệu và lương thực theo hình thức lend - lease, có ý nghĩa chiến lược, đã đóng vai trò quan trọng, và, ở một chừng mức đáng kể, đã tác động tới việc kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung - nước Đức phát xít”.

Những con số mà các nhà sử học tại Viện Nghiên cứu lịch sử Bộ Quốc phòng Nga những năm gần đây đã minh họa cho nhận định trên của Stalin:

Số lượng xe tăng các nước đồng minh cung cấp cho Liên Xô là 98.300 chiếc (tương đương 12% số xe tăng các nhà máy Liên Xô xuất xưởng). Đặc biệt, khả năng vận động linh hoạt trên chiến trường của Hồng quân trong những năm 1943-1945 qua các chiến dịch phản công được tăng cường rõ rệt nhờ 477.000 xe hơi do Đồng minh cung cấp. Trong thời gian đó, ngành công nghiệp xe hơi của Liên Xô còn rất non trẻ, chỉ sản xuất được 219.000 chiếc. Xe hơi viện trợ chiếm tới 70% tổng số đầu xe hoạt động trong quân đội.

Khả năng chiến đấu của hải quân Liên Xô cũng được tăng cường nhờ 596 tàu chiến do Mỹ chuyển giao, tương đương 22,3% tổng số tàu do Liên Xô đóng thêm trong thời gian chiến tranh. Cũng nhờ sử dụng các thiết bị nhập khẩu, chẳng hạn động cơ của Hãng Packard của Mỹ, mà từ năm 1942 ngành công nghiệp đóng tàu của Liên Xô đã có thể tăng tốc cung cấp các loại tàu nhỏ phục vụ quân đội.

Hệ thống đường sắt, đảm trách hầu hết công tác vận chuyển trong chiến tranh, đã được tiếp sức mạnh mẽ bởi 1.981 đầu máy và 11.156 toa xe do Đồng minh cung cấp. Cũng trong thời gian đó, Liên Xô chỉ sản xuất được 92 đầu máy và hơn 1.000 toa xe chở hàng.

Ở giai đoạn phòng ngự vào những năm đầu thế chiến, 45.000 tấn dây thép gai (tương đương 350.000km) là một “lá chắn” không phải là thừa thãi. Cho tới cuối năm 1943, Liên Xô đã nhận được từ Mỹ 189.000 máy điện thoại dã chiến cùng hơn 1 triệu km cáp điện thoại (cuối chiến tranh con số là 2 triệu km) cùng 200 trạm điện thoại cao tần đảm bảo liên lạc giữa Matxcơva với các thành phố lớn. 445 rada do Anh và Mỹ cung cấp trong những năm 1942-1943 vào lúc mà Liên Xô mới chỉ sản xuất được các mẫu thử nghiệm.

Thực tế là trong những năm đó do Liên Xô bị quân Đức quốc xã chiếm đóng trên diện rộng, các xí nghiệp phải di tản về phía đông, sản lượng của nhiều ngành giảm từ 30 - 70%. Do khâu vật tư gặp khó khăn (lò xo, cáp thép, băng thép cán lạnh, các loại thép siêu cứng...), các xí nghiệp quốc phòng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ thỏa thuận lend-lease.

Kể từ tháng 12-1942, phần lớn nhu cầu của Liên Xô là làm sao phục hồi sản xuất tại các vùng mới được Hồng quân giải phóng khỏi ách phát xít. Phương tiện sản xuất từ Mỹ, Anh, Canada đã giúp xây dựng lại các nhà máy điện, các giếng dầu, các xí nghiệp luyện kim đen và luyện kim màu ở miền tây Liên Xô. Từ tháng 6-1941 tới tháng 9-1945 Liên Xô nhận được 17,9 triệu tấn hàng hóa các loại với trị giá 9,8 tỉ USD. Việc nhập hàng hóa theo chương trình lend - lease lên tới đỉnh cao vào năm 1944, năm mà Hồng quân phản công giải phóng nhiều khu vực rộng lớn từ đông sang tây.

Theo báo cáo đề ngày 21-3-1944 của Phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô A. Mikoyan gửi Stalin về tình hình nhận hàng hóa Mỹ theo chương trình lend - lease, trong thời gian từ ngày 1-5-1941 tới 1-5-1944, tổng trị giá số hàng đã nhận được là 4,612 tỉ USD. Nếu so sánh với con số 9,8 tỉ USD vào thời điểm kết thúc chương trình có thể thấy phân nửa số hàng lend- lease được cung cấp chỉ trong hơn một năm cuối cùng của cuộc chiến tranh.

Viện trợ lương thực cũng đã từng góp phần đảm bảo khẩu phần ăn của quân đội và cứu đói cho những người dân ở phía bắc như Leningrad cùng nhiều thành phố vành cực bắc. Chẳng hạn, 10.000 tấn lúa mì Canada viện trợ được đích thân Stalin chấp thuận để lại Arkhalgesk đã giúp ngăn chặn nạn đói tại đây lan rộng trong mùa đông đầu tiên của chiến tranh.

Ở Khagelsk vào thời điểm bi thảm nhất có 2.000 người chết mỗi ngày vì thiếu ăn và bệnh tật. Một chi tiết nhỏ nhưng khó quên: 15 triệu đôi ủng viện trợ được các chiến sĩ Hồng quân sử dụng trên đường hành quân cũng là hàng viện trợ lend-lease. Tổng cộng có 17,501 triệu tấn hàng theo chương trình lend-lease được đưa tới Liên Xô trị giá khoảng 10 tỉ USD. Theo nguyên tắc, tất cả sẽ trở thành nợ ân hạn không lãi suất hoặc lãi suất thấp trong 15 năm sau chiến tranh.

Đánh giá của người Mỹ

Harry Lloyd Hopkins, cố vấn của Tổng thống Roosevelt, nhận định: “Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng sự giúp đỡ của chúng ta dưới hình thức lend-lease là yếu tố chính trong thắng lợi của Liên Xô trước Hitler ở mặt trận phía đông. Chiến thắng đó đạt được bằng sự dũng cảm và máu của quân đội Nga”.

Các học giả có những ý kiến thẳng thắn hơn. Nhà sử học Mỹ George C. Herring viết: “Lend- lease không phải là hành động vô tư. Đây là một hành động tính toán, vị kỷ và người Mỹ luôn hình dung rõ ràng những cái lợi mà họ có thể thu được từ hành động đó”.

Mỹ là nước duy nhất trong khối Đồng minh chống phát xít “thắng” trên những nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ cuộc chiến tranh.

(Từ bài viết của Valeri Yarmenko, phó tiến sĩ sử học, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Nga trên báo điện tử Utro.ru ngày 27-4-2005)

Mượn đất “cắm dùi”

Từ năm 1957, dưới thời Khrushchev, Nhà xuất bản Ngoại Văn Nga đã công bố các trao đổi thư tín giữa các tổng thống Mỹ Roosevelt, Truman với Stalin về chương trình lend-lease. Không hẳn những gì Mỹ cho LX vay - thuê đều “đúng ý” LX.

Trong một bức điện ngày 13-1-1943 của Stalin gửi Roosevelt có nội dung như sau: “Cảm ơn quyết định của Ngài về việc gửi 200 máy bay vận tải cho LX. Về việc gửi các đơn vị oanh tạc cơ đến vùng Viễn Đông (của LX), như tôi đã nhấn mạnh trong các điện văn trước, điều chúng tôi cần không phải là các đơn vị không quân mà là máy bay không kèm phi công, do lẽ chúng tôi đã có đủ phi công rồi.

Mặt khác, chúng tôi cần máy bay không phải cho khu vực Viễn Đông, nơi mà chúng tôi không ở trong tình trạng chiến tranh, mà ở mặt trận XV - Đức, nơi mà chúng tôi đặc biệt rất cần quí ngài giúp cho máy bay”.

Vào thời điểm đó, Mỹ đang giao chiến với Nhật tại Viễn Đông, lại cần đưa các đơn vị không quân của mình đến “cắm dùi” trên đất LX. Đây là điều mà Stalin không muốn. Mãi đến ngày 8-5-1945, tức hai ngày sau khi quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima, Stalin mới tuyên chiến với Nhật.

QUỲNH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên