17/07/2006 20:15 GMT+7

Mụn giộp có gây bệnh cho trẻ sơ sinh không?

T.LÊ thực hiện
T.LÊ thực hiện

TTO - Mẹ bị bệnh mụn giộp sinh dục, đang có thai sắp sinh, liệu có lây cho con không? Phòng tránh thế nào khi một bạn tình nhiễm bệnh? (Không nêu tên)

- BS ĐÀO XUÂN DŨNG (Chuyên khoa II, Sản phụ khoa): Mụn giộp là loại bệnh do virus gây ra với bệnh cảnh là những phỏng nước đau ở da hay ở niêm mạc (miệng hay môi) hay ở cơ quan sinh dục. Nếu ở quanh miệng thì thường gọi là chốc mép (do herpes simplex 1 gây ra, HSV-1) và mụn giộp vùng sinh dục (do herpes simplex virus 2 gây ra, HSV-2). Cần nhớ, chốc mép khác với viêm loét trong miệng, không do virus gây ra. Ngoài ra, virus mụn giộp còn có thể gây tổn thương ở nhiều vị trí khác của cơ thể như não, màng não, mắt, mông, đùi…

Bệnh rất dễ lây, nhất là khi mới phát bệnh và không thể chữa khỏi với điều kiện kỹ thuật hiện nay. Những nghiên cứu hiện nay cho thấy người bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm virus cho người khác từ 7-10 ngày sau khi phỏng nước đã lành sẹo.

Trong thời gian này, nguời mang virus tuy không thể hiện triệu chứng gì nhưng vẫn cần rất thận trọng (thường xuyên rửa tay, không đụng chạm vào vùng có phỏng nước…) để tránh lây nhiễm cho người khác.

Nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh hiếm nhưng nghiêm trọng, do lây truyền dọc từ mẹ sang con. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm HSV cao (tới 25%) mặc dầu hiện nay đã có thuốc chống virus. Nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh là do HSV lan tràn khắp cơ thể và/hoặc do HSV gây viêm não.

Mụn giộp cũng ảnh hưởng đến thai nghén và sơ sinh; khi người mẹ bị mụn giộp nguyên phát ở cổ tử cung thì dễ bị sẩy thai và đẻ non. Trong số những trẻ sinh ra với bệnh mụn giộp thì một nửa sẽ chết hoặc có tổn thương thần kinh. Cũng cần biết là 80% trường hợp bệnh mụn giộp ở mẹ không thể hiện triệu chứng gì cho nên việc lây truyền rất dễ xảy ra. Mụn giộp cũng rất hay phối hợp với sự lây nhiễm và lây truyền HIV.

Vius gây bệnh mụn giộp là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm não do virus (khoảng 10% số ca bệnh ở Mỹ); virus thường lây nhiễm qua miệng và đi vào nhân thần kinh trong 7 ngày đầu rồi tiềm ẩn ở đó lâu dài. Virus sẽ hoạt động trở lại do những hoàn cảnh cơ thể bị suy yếu và bắt đầu tấn công vào não. Chưa rõ vì sao nhưng virus hay nhằm tới thuỳ thái dương của não để gây tổn thương sau khi đã mai phục ở các hạch thần kinh của thần kinh sọ não thứ 3 hay thứ 5.

Để tránh lây nhiễm HSV cho con, người mẹ bao giờ cũng phải tránh quan hệ tình dục khi có tổn thương do bệnh mụn giộp; kể cả theo đường miệng. Dùng bao cao su có hiệu quả để phòng ngừa sự lây nhiễm từ nam sang nữ. Nếu phối hợp với thuốc thì bao cao su có thể giảm được nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, trên bình diện cá nhân thì bao cao su không che phủ được hết diện có phỏng nước vì thế khi một bạn tình bị nhiễm HSV và người kia không bị nhiễm thì dùng thuốc (valaciclovir) phối hợp với bao cao su có thể giảm được cơ may lây truyền bệnh cho người không bị nhiễm. Theo viện nghiên cứu sức khoẻ Mỹ, vaccine chỉ tỏ ra có hiệu quả khi phụ nữ chưa từng bj phơi nhiễm với HSV-1. Nhìn chung, vaccine có hiệu quả khoảng 48% trong việc phòng ngừa HSV-2 và có lẽ phải đến 2008 mới có trên thị trường.

Phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục: sự hiểu biết rất cần thiết

Trước đây nhiều người nghĩ rằng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD) chỉ có thể gặp ở một số người như gái mại dâm, những nam giới hay phải xa nhà hay phải di chuyển... Nhưng ngày nay người ta đã hiểu rằng ai cũng có thể bị các bệnh LTTD và những hậu quả của nó như vô sinh, thậm chí tử vong. Để phòng các bệnh LTTD, sự hiểu biết là rất quan trọng.

Trước hết cần biết những nhóm tác nhân chính gây bệnh LTTD, đó là vi khuẩn (gây bệnh lậu, giang mai, viêm âm đạo); mycoplasma và chlamydiae (cũng là vi khuẩn nhưng không có vỏ tế bào cứng; mycoplasma gây bệnh viêm niệu đạo không do lậu và viêm cổ tử cung; chlamydiae trachomatis chủ yếu gây bệnh viêm tiểu khung); virut (gây bệnh viêm gan A, B, C, mụn giộp sinh dục, HIV/AIDS); nấm (gây bệnh do nấm candida); ký sinh trùng đơn bào (gây bệnh do ký sinh trùng doi trichomonas); các loại ký sinh trùng khác như cái ghẻ gây ngứa ở vùng mô vệ nữ.

Nguyên tắc cơ bản của việc dự phòng lây nhiễm các bệnh LTTD là tránh bị tiếp xúc với dịch của cơ thể đã nhiễm khuẩn (tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt, máu), và tránh tiếp xúc không bảo vệ với vùng bề mặt cơ thể đã nhiễm khuẩn.

Những xây xát ở lợi, móng tay hay ở dương vật, âm đạo, hậu môn đều có thể là những tổn thương để vi khuẩn và virut xâm nhập, ngay cả khi không nhìn thấy xây xát. Tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập sau khi tay tiếp xúc với bộ phận sinh dục rồi đưa lên mắt.

Có thể bị nhiễm hơn một bệnh LTTD trong mỗi lần quan hệ tình dục, ví dụ người đã bị bệnh mụn giộp rất dễ bị lây nhiễm HIV; người đã bị nhiễm HIV cũng có thể nhiễm thêm một chủng HIV khác.

Vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập cơ thể qua bề mặt niêm mạc ẩm ướt và ấm: ít khi bị lây nhiễm bệnh từ đồ vật, trừ phi đồ vật đó là những dụng cụ chuyên dụng cho tình dục, nhưng bệ ngồi của toa-lét lại rất hiếm khi là nguồn lây.

Sau một lần quan hệ tình dục với người đã mang một bệnh LTTD nào đó thì bệnh cũng không phát ra ngay vì còn phụ thuộc vào thời gian ủ bệnh, dài ngắn khác nhau. Ví dụ, thời gian ủ bệnh của:

Bệnh lậu: 4-7 ngày (đôi khi chỉ ngắn có 24 giờ và có khi dài tới 1 tháng).

Bệnh Chlamydia: 3-30 ngày (thường từ 10-21 ngày), tuy thế loại nhiễm khuẩn không thể hiện triệu chứng lại có thể bộc lộ triệu chứng mãi nhiều năm sau này.

Bệnh trùng doi (do trichomonas): 1-2 tuần

Bệnh giang mai: thường từ 21-35 ngày. Có thể 10-90 ngày. Những vết loét là yếu tố để lây truyền HIV.

Bệnh hạ cam: thường từ 3 - 6 ngày

Bệnh viêm gan virus B : thường từ 40-110 ngày; có thể ngắn hơn.

Bệnh mụn giộp: 3-6 ngày

Bệnh sùi mào gà: Thời gian ủ bệnh: rất thay đổi, từ 3 tuần đến 1 năm.

Cuối cùng là mang bao cao su trong mọi trường hợp quan hệ tình dục trước hay ngoài hôn nhân.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

T.LÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên