Thông tư này quy định định mức chi phí bảo quản lương thực, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, muối trắng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt lương thực dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Theo đó, đối với thóc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp, chi phí bảo quản lần đầu (mới) là 416.314 đồng/tấn; bảo quản thường xuyên mức phí là 163.127 đồng/tấn/năm.
Đối với gạo bảo quản kín, phí bảo quản lần đầu (mới) là 285.156 đồng/tấn; phí bảo quản thường xuyên là 115.690 đồng/tấn/năm.
Đối với xuồng cứu nạn, phí bảo quản lần đầu loại DT1 là 4.327.267 đồng/chiếc; bảo quản lần đầu loại DT2, mức phí là 4.461.596 đồng/bộ; bảo quản thường xuyên loại DT1 mức phí 4.995.671 đồng/chiếc/năm; bảo quản thường xuyên loại DT2, mức phí 5.697.021 đồng/bộ/năm…
Về định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín, Thông tư quy định, thời gian bảo quản dưới 12 tháng mức hao hụt là 0,050%; thời gian bảo quản từ 12 - 18 tháng: 0,058%; thời gian bảo quản trên 18 tháng: 0,066%...
Định mức phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý bao gồm các nội dung chi có liên quan trực tiếp đến công tác bảo quản lần đầu, bảo quản định kỳ, bảo quản thường xuyên, cụ thể: chi phí vật tư phục vụ công việc bảo quản; chi phí bốc xếp đảo hàng, khử trùng kho, đóng gói, chi phí thuê phương tiện bốc dỡ, bồi dưỡng độc hại; chi phí xử lý môi trường; chi phí mua sắm, sửa chữa công cụ, dụng cụ phục vụ công tác bảo quản…
Căn cứ nội dung định mức quy định tại Thông tư này, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm quy định mức chi cho các nội dung chi phù hợp với điều kiện quản lý nhưng đảm bảo không vượt quá định mức chung đã quy định.
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt lương thực quy định tại Thông tư này được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng dự trữ quốc gia từ năm ngân sách 2016.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-12-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận