20/07/2005 20:14 GMT+7

Mùa yêu đương: Cảnh báo về lối sống của người trẻ...

ANH TRÚC
ANH TRÚC

TTO - Mùa yêu đương (tác giả kịch bản: nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: Nguyễn Công Ninh) là vở tốt nghiệp của lớp Cao đẳng diễn viên Kịch - Điện ảnh Khoá 7. Đây là vở chứa đựng một nội dung khá sâu sắc.

pojMTbTr.jpgPhóng to
Cảnh trong Mùa yêu đương
TTO - Mùa yêu đương (tác giả kịch bản: nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: Nguyễn Công Ninh) là vở tốt nghiệp của lớp Cao đẳng diễn viên Kịch - Điện ảnh Khoá 7. Đây là vở chứa đựng một nội dung khá sâu sắc.

Vở xoay quanh mối quan hệ 3 nhân vật chính là Thảo, Cường và người kéo đàn cò. Thảo sống đơn độc trong ngôi nhà của mình hàng năm trời vì chồng cô mắc bệnh vô sinh, đã bỏ đi nước ngoài sinh sống và kiếm tiền. Không thể lãng phí những tháng ngày thanh xuân nhưng đầy cô độc ấy, Thảo đã đến với Cường rồi sau này là gã kéo đàn cò. Kết quả của hai mối quan hệ bất chính đó đã đem đến những hệ quả khôn lường.

Thảo hạ sinh hai cô con gái. Thảo Vân thì ngoan ngoãn, hiền lành (con chung của Thảo và Cường), ngược lại Thủy hư hỏng, thích xài tiền và bất trị (con chung của Thảo và gã kéo đàn cò). Bi kịch xảy ra khi Hoàng (giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn, con của Cường) yêu chính người em của mình là Thảo Vân!

Đúng thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” ấy, Thảo được tin là chồng mình sau mấy mươi năm sống nơi đất khách, sẽ trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Lúc này, mọi chuyện xem như vỡ lỡ nhưng Cường không muốn nhận Thảo Vân làm con và đồng ý đưa Thủy 100 triệu (theo lời đề nghị của Thủy) hòng bưng bít chuyện tình hai mươi năm về trước để… bảo toàn danh dự?!.

qLRBpaug.jpgPhóng to
Các sinh viên lớp Cao đẳng diễn viên Kịch - Điện ảnh Khoá 7 cùng thầy - đạo diễn Nguyễn Công Ninh (bìa trái)
Nhưng cuối cùng, Thảo quyết định thú nhận với chồng về tất cả lỗi lầm đã gây ra. Câu chuyện diễn biến với nhịp độ ngày càng gấp rút, xung đột ngày càng tiến dần đến đỉnh điểm khiến cho vở kịch ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn; khán giả ngày càng chăm chú và hồi hộp trước những tình huống phức tạp, khó đoán trước của Mùa yêu đương.

Tuy nhiên, sau khi nghe trình bày của vợ, người chồng nhất quyết ra đi vì không thể sống trong ngôi nhà không có hơi thở của tình yêu?! Mặt khác, khán giả tưởng như Thảo đã rất ân hận về lối sống buông thả lúc trẻ để dẫn đến sự tan nát của một gia đình hôm nay, nhưng đâu ngờ khi chồng vừa bỏ đi, cô Thảo “đứng tuổi” lại có ý định chung sống với “ông lão” kéo đàn cò vì theo lời biện minh, mặc dù không yêu nhưng cô muốn sống chung với ông chỉ vì… cái nghĩa?!? (phải chăng đó là mối quan hệ của cô lúc 16 tuổi dan díu với gã đàn cò trẻ tuổi ngày xưa?).

Kết thúc của vở là một cái kết bi, để mở ra những xung đột khác, những bi kịch khác! Tận mắt thấy mẹ mình mắc từ sai lầm này đến sai lầm khác nên Thuỷ đã giết người kéo đàn cò như muốn chấm dứt tấn bi hài đang diễn ra trong ngôi nhà của mình. Nhưng Thuỷ không ngờ người cô vừa giết lại chính là cha ruột của mình, người mà Thuỷ bắt ông kiếm tiền để cống nạp cho mình, bắt ông làm ngựa cho cô cưỡi, người mà thỉnh thoảng cô gọi đó là “thằng ăn mày”! Màn đã khép nhưng sự buồn bã và xót xa vẫn còn đâu đây trong tâm hồn của Thảo, của Thủy và khán giả của Mùa yêu đương.

Có thể nói, khung cảnh Mùa yêu đương được dựng hài hoà, giản dị nhưng đậm chất lãng mạn, mang tính thẩm mỹ cao. Yếu tố trẻ trung, hiện đại được tác giả và đạo diễn cố ý sử dụng cùng với lối diễn xuất của các bạn trẻ đã tạo cho vở sự gần gũi đời thường.

Mặc dù còn một vài chi tiết thiếu lo-gic về nội dung kịch bản cũng như diễn xuất còn hạn chế: đa số các bạn vấp lời thoại, tiếng nói sân khấu còn hạn chế, trang phục còn thiếu nhất quán trong xuyên suốt vở kịch… nhưng nhìn tổng thể, các diễn viên trẻ trong Mùa yêu đương vào vai khá đạt như KSram, Thanh Minh, Khánh Chi, Huỳnh Đông, Ngọc Trâm, Thuý Hà... Nói như Thạc sĩ Hà Quang Văn (Hiệu trưởng trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh) thì ”…Sau 3 năm học mà diễn được như vậy là khá lắm rồi!”.

Tất nhiên, một vở kịch hay thì ngoài kịch bản tốt, phải đồng thời được thể hiện bởi những diễn viên giỏi. Nhưng có lẽ, với những diễn viên vừa tốt nghiệp này, thì điều quan trọng nhất vẫn là sự đam mê và chấp nhận dấn thân. Họ phải diễn nhiều hơn nữa, phải cọ xát, phải chịu đựng thử thách, và phải đủ nghị lực.. mới có thể đi xa hơn trên con đường nghệ thuật đầy hứng thú nhưng cũng lắm gian nan này...

ANH TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên