![]() |
Trời nắng giống như cuối năm sắp tết. Thế mà sang tháng giêng thì cái nắng ấy biến đâu mất. Nắng tháng giêng đã nghiêng sang màu hồng, hơi nặng, không vàng, không nhẹ như nắng tháng chạp. Và tháng giêng trời lại chuyển mùa, hay có mưa: mưa xuân.
Có thể nói thời tiết từ đông sang xuân thật rắc rối (Cơ mầu tạo hóa bốn mùa vần, đông cuối ba mươi - mồng một xuân - trích thơ Hồng Đức Quốc Âmthi tập). Nhiều khi chiều hăm chín, chiều ba mươi vẫn là nắng vàng tháng chạp, nhưng giữa khuya, có lúc từ mờ sáng rắc xuống cơn mưa. Đôi khi là một cơn mưa khá lớn, nhưng mưa không lâu. Thông thường mưa nhỏ lay bay, mưa phùn lất phất.
Đọc thơ Trung Hoa xưa thấy ông thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên nhàn nhã đến mức ngày xuân mà ngủ say không biết trời trăng mây nước gì, đến khi nghe tiếng chim kêu rộn ràng thức dậy tự hỏi: Đêm qua trời mưa gió hoa rụng ít nhiều? (Dạ lai phong vũ thanh, hoa lạc tri đa thiểu - Xuân hiểu). Người dân quê tôi không nhàn nhã như thế, tự già chí trẻ đều dậy sớm để đón nhận cơn mưa nguyên đán làm mượt mà bông vạn thọ trồng sắp hàng quanh sân.
Quê tôi không có tục xông đất từ giao thừa đến sớm mồng một tết, người ta sợ phải nhận cái trách nhiệm tinh thần nếu nhà đó trong năm gặp việc gì không hay, cho nên sáng mồng một về thăm ông bà cha mẹ, sum họp gia đình. Không khí ấy được mưa xuân tăng thêm ý vị.
Trong đời tôi trải nhiều buổi nguyên đán nắng hồng hơn những buổi nguyên đán mưa nhạt. Nhưng những buổi nguyên đán mưa nhạt còn đọng lại trong ký ức lâu hơn. Năm ấy tôi về ăn tết tại nhà bà cô ở làng Bình Chánh trong vùng châu thổ sông Cái, Tuy An. Ông dượng đưa gia đình tản cư vào cất trại trong núi, nơi đây có một hang đá lớn bằng cả gian phòng, dượng đặt bàn thờ ông bà.
Trong làng có chùa Đá Trắng, tên chữ là Từ Quang tự. Dượng gọi hang đá của mình là chùa Đá Đen. Sáng mồng một tết mưa bụi lay bay, thoáng nhìn ta không biết ướt, nhưng vuốt tay lên thì thấy nước, tôi theo dượng lên chùa Đá Trắng để dượng đàm đạo với thầy trụ trì vốn là bạn thuở thiếu thời về Nho và Phật.
Buổi trưa ăn chay tại chùa, trong bữa cơm chiều ở nhà dượng đọc mấy câu: Trưa Đá Trắng tương chay/ Chiều Đá Đen mắm mặn/ Tương mắm dẫu hai màu/ Đường tu một mực thẳng. Trong cuộc khởi nghĩa Cần vương do Lê Thành Phương lãnh đạo năm 1885, ông nội tôi lúc ấy 26 tuổi là Quân thứ từ hàn, lo việc văn thư bút lục, thường lãnh nhiệm vụ ra chùa Đá Trắng làm một khách vãn cảnh để gặp gỡ liên hệ với các bạn đồng tâm trong văn thân Bình Định.
Một buổi trưa nắng gắt tại dốc Đá Trắng ông đã gặp người phụ nữ gánh nước độ đường đang lên dốc, ướt đẫm mồ hôi (độ đường tức là gánh nước lên đặt nơi đường vắng, dốc cao để khách bộ hành qua đó ai khát thì uống). Người phụ nữ ấy sau là bà nội tôi.
Tôi thường ngẩng nhìn gương xưa tự thẹn vì tôi chỉ làm được anh giáo làng truyền dạy cho học trò năm ba chữ mà nhiều khi giảng giải chưa thấu tình đạt lý. Có một nguyên đán tôi không ở làng quê Vân Hòa mà ở tại huyện lỵ Củng Sơn để kịp buổi trưa khăn gói lên đường làm một cuộc đi xa. Một cuộc đi xa là nói theo chữ nghĩa cho vui và nói theo giao thông cách trở thời tôi hai mươi tuổi, chứ mấy trăm cây số thì giờ đây có xa gì! Rời xa huyện lỵ là rời xa cố nhân, chưa biết ở nhiệm sở mình đến sẽ gặp gỡ bạn bè thế nào.
Khi chiếc xe đò cọc cạch hiệu Citroen (dân dã gọi là xìtô) khởi hành thì trời rực nắng hồng, thật tình tôi không thích, tôi muốn đi khi mưa bàng bạc khắp không gian để dễ nhận thấy hình ảnh những lần cùng bơi qua sông Đà Lãng mái tóc bạn trôi dài bềnh bồng sóng nước, những lần lang thang dưới chân đồi Diệp Sơn mắt bạn nhìn xa xôi tận điểm cuối cùng...
Lúc dạy tôi học chữ Hán, cha tôi có đọc cho nghe một bài nói về thời tiết trong năm: Chánh nguyệt lập xuân, vũ thủy tân/ Nhị nguyệt kinh trập dữ xuân phân... (tháng giêng tiết lập xuân, vũ thủy, tháng hai tiết kinh trập, xuân phân...). Từ lập xuân đến vũ thủy mưa xuân chỉ rơi rắc như bụi nhẹ. Mưa vũ thủy mới đáng mặt là mưa, mưa cho cây cối núi rừng, hoa đồi cỏ nội, ruộng đồng đất thổ, cho lúa bắp sắn khoai, mưa thật lớn, ào ào tuôn đổ, ép dẽ mái tranh, băng bờ tạo trổ, thật tươi trẻ, mạnh mẽ, dứt khoát từng cơn rồi tạnh ráo, tầng cao trở lại trong xanh, nõn nà mây trắng, mưa không dai dẳng lê thê, trời không âm u trì trệ.
Tiết vũ thủy năm ấy cha tôi đã giã từ việc công về sống với ruộng vườn, ông có bài thơ vịnh trời mưa tiết vũ thủy, tôi còn nhớ bốn câu: Lúa nứt ngạnh trê thêm bộn gié/ Đỗ ra trái đỉa lại nhiều hoa/ Con chàng bắp nọ không lo háp/ Mấy đám khoai kia chẳng sợ hà... Nếu coi những cơn mưa bụi buổi nguyên đán khai xuân là mưa sơ sinh, mưa thơ ấu thì mưa trong tiết vũ thủy là mưa tuổi hai mươi, bước vào giai đoạn trưởng thành, tràn trề mộng ước...
Thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên mới ngày nào đó nhàn hạ vô tư, sau giấc ngủ mùa xuân trễ tràng nghe tiếng chim kêu nghĩ chuyện hoa rụng ít nhiều, thì tới một lúc tuổi già tóc bạc không khỏi chạnh lòng cảm thấy ngày xuân đưa năm cũ trôi đi hết: Bạch phát thôi niên lão/ Thanh dương bức tuế trừ... (Tuế mộ qui nam sơn). Câu ấy đang hợp với hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tết này tôi bước lên bảy mươi, cũng như mọi lần nhìn lại, điều tôi nghĩ đến nhiều vẫn là ngày hai mươi tuổi.
Năm vừa qua, người bạn thân thiết nhất qua đời (mới có bảy hai, ngày nay còn trẻ lắm) đã gây một cú sốc nặng. Bạn ra đi mang theo nhiều kỷ niệm chung, trong đó có những kỷ niệm về mưa xuân. Từ hôm tiễn đưa vĩnh biệt bạn, tôi thấy thương mến hơn những người còn lại trong số bằng hữu thuở mười sáu - đôi mươi, trân trọng, thông cảm nhau hơn.
Tôi hiểu hơn câu thơ Tường Linh viết mấy năm về trước: -Nguyên đán năm nay không biết trời sẽ mưa hay nắng, nắng mưa là chuyện của trời, nhưng mỗi người đều có mong muốn riêng cho mục đích riêng. Tôi vẫn mong được một trận mưa mai phong tỏa bốn bề để có thể một mình ôn lại những cơn mưa xuân dĩ vãng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận